“Quy luật duy nhất trong thị trường đó là thị trường không có quy luật”
Là một trong những người gắn với sàn giao dịch ngay từ phiên đầu tiên của thị trường chứng khoán 20 năm về trước, ông Phan Dũng Khánh kể lại những câu chuyện bao gồm cả niềm vui và nước mắt.
Tham gia thị trường chứng khoán ngay từ những ngày giao dịch đầu tiên, ông Phan Dũng Khánh được biết đến với nhiều vai trò khác nhau, một nhà đầu tư, một giám đốc tư vấn đầu tư, một người truyền đạt kiến thức về tài chính chứng khoán…
Trò chuyện cùng với Nhịp sống doanh nghiêp BizLIVE, ông Khánh kể, "Trước thời điểm thị trường chứng khoán chính thức hoạt động một vài năm, tôi có nghiên cứu sách vở, xem phim về huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhìn thấy hình ảnh các chủ tịch doanh nghiệp thấy oách và rất ngưỡng mộ"
Từ ngưỡng mộ và rồi đến háo hức tới mất ngủ vài đêm trước ngày thị trường chính thức mở cửa, ông Dũng nhớ lại, "Vào ngày 28/7 tôi phi xe lên trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM (sau này là Sở GDCK TP.HCM) với cảm xúc lẫn lộn, trào dâng như lần đầu tiên được hẹn gặp bạn gái. Đó là cảm xúc ban đầu."
Ông Khánh tiếp câu chuyện: "Mặc dù kiến thức về chứng khoán của tôi lúc đó rất tệ so với thời điểm bây giờ, nhưng vào thời điểm đó tôi lại là người có nhiều kiến thức trên sàn. Tôi làm quen với một số cổ đông, đặc biệt là một chị cổ đông của hai công ty đầu tiên niêm yết REE và SAM. Chị cầm sổ cổ đông trên tay và người ta nói muốn mua bán thì lên sàn giao dịch, chị ấy còn không hiểu sàn giao dịch là gì. Tôi giải thích với chị, nếu trước đây cầm sổ trên tay thấy chắc ăn và giờ chị lên sàn để canh cổ phiếu.
Những ngày sau, cổ phiếu của chị ấy giữ liên tục tăng trần và chị ấy cũng không ngờ rằng có thể kiếm lượng tiền khủng trong thời gian ngắn. Chị có tặng cho tôi lô cổ phiếu để hai chị em đầu tư chung cho vui vì chị ấy thấy "thằng em" có vẻ hiểu biết khá về lĩnh vực này. Cổ phiếu của hai chị em chúng tôi tiếp tục lên tăng lên hàng chục lần sau đó. Rất vui và thực sự bị cuốn hút.
Rồi một ngày, lên sàn tôi thấy chị ấy ôm bảng điện khóc. Điều lạ là tôi thấy giá cổ phiếu lên vù vù. Thì chị cho biết chị đã bán cổ phiếu và sau khi bán xong thì giá cổ phiếu lên tiếp. Chị ấy lao đi mua lại nhưng không mua được vì giá lên cao.
Sau vài tháng chị ấy mua được thêm cổ phiếu tuy nhiên lần này chị ấy lại rớt nước mắt thêm lần nữa. Vì khi đó thị trường quay ngược trở lại một xu hướng giảm, thậm chí giá giảm xuyên qua luôn trước thời điểm cổ phiếu được niêm yết."
Câu chuyện đầu tư của anh tiếp theo đó ra sao?
Đến năm 2008 khi thị trường rớt mạnh sau khủng hoảng kinh tế thế giới, tôi cũng đã rơi vào tình cảnh phá sản. Đó là giai đoạn khủng khiếp, kiếm được tiền vui vẻ bao nhiêu thì mất tiền nó còn tệ gấp nhiều lần. Nhưng cảm giác mất tiền vẫn không tệ bằng cảm giác bị phá sản. Lúc đó tôi ước như mình chưa bao giờ sinh ra.
Tôi bắt đầu việc lo toan trả nợ. Ngoài việc sáng chiều đi làm công ty, buổi tối tôi làm nhiều nghề khác, dính dáng đến chuyên môn như dạy học về đầu tư, giúp nhà đầu tư tránh lặp lại tình trạng như tôi, ngoài ra tôi còn làm những công việc chân tay.
Tuy nhiên nợ tài chính nó khác với ngành nghề khác, bởi vì những cục nợ đó không thể nào làm công ăn lương bình thường, hay đi dạy thì phải mất cả trăm năm tôi mới trả hết được.
Nợ đầu tư thì chỉ có đầu tư mới trả được. Sau này nhờ những trải nghiệm của mình, cộng với những người giúp đỡ bằng những phương pháp cách thức tiếp cận với thị trường một cách chuẩn xác, ra quyết định đúng hơn, tôi đã vượt qua được giai đoạn đó, trả được hết cục nợ. Mất khoảng thời gian 8 năm. Đó là khó khăn tôi từng gặp phải và vượt qua được.
Anh nghiệm ra được những gì khi đầu tư trên thị trường?
Sự cô đơn trên thị trường là điều tôi cảm nhận lớn nhất, bài học lớn nhất. Hầu như bạn không gặp lại người quen, tất cả đều chết, ở đây theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Theo số liệu thống kê không chỉ ở TTCK Việt mà trên thế giới thì tỷ lệ thất bại là trên 90%.
Thứ hai đó là thị trường luôn luôn đúng, dù bạn tích phân phân tích thế nào thì thị trường vẫn có thể ngược lại những gì bạn suy nghĩ. Chúng ta cho rằng tin tốt sẽ giúp cổ phiếu tăng, TTCK tăng nhưng không phải luôn luôn như vậy. Có thời điểm tin tốt nhưng giá cổ phiếu đi xuống hay có thời điểm tin rất xấu như 3 tháng dịch Covid vừa qua thông tin xấu rất nhiều nhưng thị trường liên tục tăng vọt, hết phá đỉnh này đến đỉnh khác, đặc biệt TTCK thế giới. TTCK Việt dù không đạt được như vậy những cũng có những cổ phiếu mà có sự tăng giá tính bằng lần chỉ trong 2, 3 tháng.
Quy luật duy nhất trong thị trường đó là thị trường không có quy luật. Một khi bạn tìm được quy luật cũng đồng nghĩa với việc bạn đã bị sạch tiền trong tài khoản của mình. Bởi vì việc thị trường vận động không phụ thuộc vào những thông tin, thị trường luôn có lý lẽ, có những lúc tin tốt lên nhưng có lúc tin tốt vẫn không lên, thậm chí là rớt.
Điều duy nhất ảnh hưởng đến thị trường mà tôi học được đó là dòng vốn, chỉ có dòng vốn chính là thứ làm cho thị trường dịch chuyển. Sau khi tôi nhận ra điều này và đi theo dòng vốn thị trường từ đó lấy lại khoản tiền đã mất và kiếm tiền được.
Ông nhận xét thế nào về nhà đầu tư thời điểm này so với 20 năm trước?
Có nhiều người nói nhà đầu tư bây giờ trưởng thành hơn xưa nhưng thật ra theo tôi là không. Trưởng thành ở đây là phải trong nhóm nào? Những nhà đầu tư mới, FO thì vẫn y chang.
Nhà đầu tư F0 dù dễ tiếp cận thông tin hơn tuy nhiên tỷ lệ mất tiền trên thị trường dường như chưa bao giờ thay đổi, số lượng nhà đầu tư F0 luôn là số lượng "chết" cao nhất.
Tôi có người bạn đầu tư 8 năm khoe với tôi là đã mua được 1 chiếc SH sau khi bán mất 1 chiếc Mercedes. Nên trưởng thành ở đây là chúng ta so sánh với cái gì, nếu về mặt kiến thức không thì có thể là những kiến thức về sách vở, quan trọng kiến thức đó phải được ứng dụng trong thực chiến, thực tế mình phải kiếm được tiền, mức đó tăng lên và quan trọng yếu tố đó phải bền vững thì là chưa.
Tuy nhiên, đối với nhóm những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì họ ngày càng chuyên nghiệp hơn, lợi hại hơn, giỏi hơn. Họ trưởng thành thực sự. Bản thân TTCK trưởng thành là có nhưng nhà đầu tư trưởng thành này.
Ông có lời khuyên nào dành cho nhà đầu tư F0?
Yếu tố thất bại quay quanh chữ lòng tham. Ví dụ hiện nay có những bạn gọi điện thoại với lời hứa anh chị đầu tư vào đây với cam kết lãi suất 10%, không phải 1 năm mà 1 tuần. Tỷ phú Warren Buffett đầu tư một năm 50% nhưng ông làm được điều đó trong suốt 50 năm và ông đứng top giàu thế giới. Mà nếu lời được như bạn kia giới thiệu thì chỉ trong vòng vài năm sẽ lên top tỷ phú thế giới rồi nên thông thường điều này là mùi lừa đảo. Nhưng tại sao người ta vẫn bị mắc?.
Có những nhà đầu tư F0 có kiến thức chứng khoán, nhưng lòng tham làm cho những kỷ luật, nguyên tắc trong đầu tư họ được dẹp sang một bên.
Tiếp theo là sự sợ hãi. Nhà đầu tư cần giữ sự cân bằng ngay trong trường hợp bạn quá sợ bạn vẫn tìm được hướng thoát ra, nhưng nếu bạn quá sợ đôi khi bị lún vô sâu hơn.
Đây là thời kỳ của những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chiến thắng nhà đầu tư lớn với tỷ số 1-0. Số liệu thống kê cho thấy, cổ phiếu bluechips có tỷ trọng tăng giá thấp so với các nhóm cổ phiếu midmap, smallmap hay penny, nhóm cổ phiếu mang lại tỷ trọng lợi nhuận tốt hơn cho nhà đầu tư.
P/E của nhóm cổ phiếu bluechips hiện cao hơn các nhóm còn lại, nhưng tiềm năng cổ phiếu nhóm kia còn rất cao, nghĩa là nhà đầu tư F0 cá nhân nhỏ lẻ trong ngắn hạn thậm chí còn cơ hội kiếm được tiền. Nhưng quan trọng là cần phải tỉnh táo, cuối cùng là anh có rút được tiền đó ra hay không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận