Quý I/2023, lợi nhuận Sao Mai lao dốc và nợ vay vượt 10.000 tỷ đồng
CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã ASM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu giảm 5%, nhưng lợi nhuận giảm 73,5% trong quý đầu năm 2023, nguyên nhân hụt doanh thu tài chính và chi phí tài chính tăng cao.
Tập đoàn Sao Mai vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2023. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.050,41 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 85,89 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,2% về còn 12,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 26,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 138,54 tỷ đồng, về 379,83 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 71%, tương ứng giảm 72,17 tỷ đồng, về 29,53 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 82,4%, tương ứng tăng thêm 90,62 tỷ đồng, lên 200,54 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 23,9%, tương ứng giảm 36,61 tỷ đồng, về 116,69 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, lợi nhuận quý đầu năm lao dốc bên cạnh lợi nhuận gộp giảm, Công ty hụt doanh thu tài chính và đặc biệt chi phí tài chính tăng cao.
Lý giải cho chi phí tài chính tăng đột biến, Công ty cho rằng đã vay thêm để trả đầu tư Nhà máy điện năng lượng mặt trời An Hảo giai đoạn 3, 4.
Xét về cơ cấu lợi nhuận gộp trong quý I/2023, lĩnh vực cá xuất khẩu giảm 50,1%, về 116,44 tỷ đồng; lĩnh vực bất động sản giảm 62,3%, về 27,37 tỷ đồng; lĩnh vực thức ăn chăn nuôi giảm 46,3%, về 39,28 tỷ đồng… Ngược lại, lĩnh vực điện năng lượng mặt trời tăng 39,3%, lên 147,17 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại tăng 54,4%, lên 32,36 tỷ đồng…
Trong năm 2023, Tập đoàn Sao Mai đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 15.250 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 545 tỷ đồng, giảm 43,4% so với thực hiện trong năm 2022.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận đạt 85,89 tỷ đồng, Tập đoàn Sao Mai mới hoàn thành 15,8% so với kế hoạch năm.
Nợ vay vượt 10.000 tỷ đồng
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Sao Mai tăng 1,9% so với đầu năm, lên 19.442,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 6.769,1 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.496,8 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 3.118,2 tỷ đồng, chiếm 16% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 2,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 226,9 tỷ đồng, lên 10.047,3 tỷ đồng và bằng 126,8% vốn chủ hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 5.610,9 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 4.436,4 tỷ đồng.
Không trả cổ tức năm 2022 và hủy kế hoạch chào bán cổ phiếu
Về chính sách cổ tức, năm 2022, Tập đoàn Sao Mai thông qua kế hoạch không trả cổ tức, dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến từ 5% đến 10%.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Tập đoàn Sao Mai thông qua kế hoạch cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và dự kiến cổ tức năm 2022 từ 20% đến 30% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, thực tế năm 2022 đã không trả cổ tức tiền mặt như kế hoạch ban đầu.
Một nội dung đáng chú ý, Tập đoàn Sao Mai cũng thông qua việc hủy phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, lý do được đưa ra do Tập đoàn Sao Mai đã tìm được nguồn từ các tổ chức tín dụng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Tập đoàn Sao Mai thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 12.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến triển khai trong năm 2022.
Số tiền huy động dự kiến 2.019,2 tỷ đồng, Tập đoàn Sao Mai dự kiến dùng 1.615,8 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; 253,4 tỷ đồng đầu tư vốn vào CTCP Phát triển Du lịch An Giang; 80,5 tỷ đồng đầu tư vốn vào CTCP Du lịch An Giang; và 69,4 tỷ đồng đầu tư vốn vào CTCP Du lịch Đồng Tháp.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu ASM giảm 90 đồng về 8.460 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận