24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Hạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quy hoạch xây dựng các Khu đô thị phải gắn với an ninh quốc gia

Vụ việc các chiến sỹ của Bộ Công an xông vào “sào huyệt” đánh bạc hơn 10 nghìn tỷ do một băng nhóm người nước ngoài tổ chức tại một Khu đô thị ven biển thuộc TP Hải Phòng, cách sân bay Cát Bi không quá 5 km đã làm cho nhiều người choáng váng.

Câu chuyện về quản lý xã hội chưa bao giờ được nhân dân quan tâm, lo ngại như hiện nay. Cần đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và đất nước về những vấn đề này.

Khu đô thị Our City nằm ở vị trí quan trọng về mặt chiến lược của TP Hải Phòng. Dự án này có tổng diện tích là 43,46 ha đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1538/QĐ-UB ngày 13/7/2006. Sau 3 lần điều chỉnh; lần 3 vào ngày 01/10/2013 Quyết định số 1899/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án nói trên. Dự án này do Cty TNHH Hiệp Phong Việt Nam thuộc Tập đoàn Hiệp Phong Hồng Kông, Trung Quốc làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 85.000.000USD; thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày cấp giấy phép đầu tư. Giấy phép đầu tư số 2484/GP ngày 31/5/2005 do Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp.

Theo Luật Xây dựng năm 2003, Điều 19 của Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 thì dự án này được miễn cấp giấy phép xây dựng. Tiến độ dự án mà chủ đầu tư đã đăng ký thì dự án này chia thành 5 giai đoạn: Giai đoạn 1 là từ năm 2012 – 2014; giai đoạn 2 từ năm là 2015 – 2017; giai đoạn 3 từ năm 2018 – 2020; giai đoạn 4 từ năm 2021 - 2023; giai đoạn 5 từ năm 2024 – 2026… Trong mỗi giai đoạn đăng ký đều đăng ký xây dựng các công trình cụ thể trong dự án. Nhưng đến nay (năm 2019) dự án này chưa hoàn thành các công trình đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 1. Nếu nhìn vào việc phân giai đoạn dự án người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao dự án lại phân ra quá nhiều giai đoạn, giai đoạn đầu tư bằng ½ thời gian còn lại của dự án để kinh doanh? Việc xây dựng kéo dài làm xấu bộ mặt thành phố, gây ô nhiễm kéo dài trong khu vực.

Có một thực tế xảy ra, đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên đất Việt Nam, thì việc thanh tra, kiểm tra dự án là rất khó khăn, đa phần họ luôn trốn tránh với lý do ông chủ đi vắng để gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành ở các địa phương đối với các dự án này là rất khó thực hiện, kể cả các cơ quan cấp Bộ (trừ những cơ quan cấp giấy phép đầu tư và trường hợp cần thiết thì phải có ý kiến của UBND tỉnh).

Với dự án này, trong một thời gian dài (từ năm 2006 - 2019), việc đầu tư xây dựng công trình chính trong giai đoạn 1 chưa được thực hiện. Vậy họ đã làm những gì trong đó? Dư luận lo ngại, liệu họ có xây những kho chứa ngầm, đường hầm… Và nếu như không chỉ thuần túy là ổ đánh bạc thì với ba trăm đến bốn trăm người có thể biên chế thành vài đại đội. Khi cần thiết có thể gây hấn từ bên trong…

Những sơ hở trên là do đâu? Phải chăng là do hệ thống pháp luật trong đầu tư, xây dựng thiếu chặt chẽ?

Trở lại hệ thống pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng. Luật Xây dựng năm 2013 và sửa đổi năm 2014 mặc dù chỉ đối với các nhà thầu nước ngoài khi trúng thầu các công trình ở Việt Nam, Luật cũng đã quy định phải xin giấy phép. Trong nội dung giấy phép, ngoài những quy định về năng lực hoạt động xây dựng còn một số quy định khác làm cơ sở để chúng ta quản lý các nhà thầu này trong quá trình xây dựng công trình tại Việt Nam. Mặt khác, họ chỉ là những nhà thầu, còn việc giám sát của chủ đầu tư, giám sát chất lượng công trình phải thường xuyên có mặt trên công trường xây dựng.

Luật Nhà ở năm 2014 cũng đã quy định tương đối chặt chẽ điều kiện mua nhà của người nước ngoài; quy định chặt chẽ về điều kiện, số lượng nhà ở mà người nước ngoài được mua. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 chưa quy định cụ thể điều kiện kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt, Luật Đầu tư 2014 đã mở tung cánh cửa để mời gọi các nhà đầu tư kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam, kể cả việc kinh doanh nhà ở, bất động sản khác. Luật này cũng không quy định các điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh nhà ở và bất động sản tại Việt Nam.

Một số năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đã có dự án đầu tư làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhân dân lên tiếng và Thủ tướng Chính phủ đã từng nói: “Không thể đánh đổi kinh tế bằng mọi giá để phá hủy môi trường và từ đó vấn đề quan tâm bảo vệ môi trường trong đầu tư đã được chú trọng, bước đầu đã có những kết quả nhất định”. Có lẽ từ bài học của dự án Our City chúng ta cần thiết phải đặt công tác an ninh quốc gia lên hàng đầu trong việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh nhà ở, bất động sản tại Việt Nam.

Nước Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền xét thấy tình trạng nước ngoài sử dụng tình báo để ăn cắp những bí mật khoa học, quân sự, can thiệp và trật tự an ninh quốc gia… Tổng thống đã thành lập một Ủy ban để kiểm tra tư cách các nhà đầu tư nước ngoài trước khi cấp có thẩm quyền cho phép vào nước Mỹ đầu tư.

Tại Liên Xô, lúc M. Gorbachev làm Tổng thống chỉ vì một chiếc máy bay thể thao của nước ngoài hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ (?) mà Tổng thống đã cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó với lý do về an ninh quốc gia.

Với chúng ta, một đô thị hàng vài chục, hàng trăm ha đất không chỉ nằm trong đồ thị mà còn nằm ở nhiều vị trí khác có giá trị về mặt an ninh quốc phòng, thế mà chỉ do Bộ Kế hoạch Đầu tư, Sở Kế hoạch Đầu tư và người đứng đầu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/500 là có thể triển khai được. Các ngành chức năng như: Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố và một số cơ quan chức năng khác hầu như không được tham gia từ ban đầu. Vậy những người đã ký thực hiện những dự án này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật ở mức độ nào? Pháp luật cần phải quy định rõ để tránh tình trạng một số Bộ, ngành có sáng kiến viết Luật chỉ nhằm ôm đồm quyền hành và lợi ích về mình, nhưng không chịu trách nhiệm. Điều đó sẽ còn gây ra nhiều hậu quả không lường cho đất nước.

Không chỉ những nhà đầu tư nước ngoài mà một vài “đại gia” trong nước đăng ký hàng trăm dự án, mỗi dự án vài trăm ha, giá trị đầu tư hàng nhiều ngàn tỷ đồng; dự án rải từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ ven biển đến hải đảo; kể cả nhưng nơi sung yếu về chiến lược quân sự quốc gia như: Khu Côn Sơn, Chí Linh (Hải Dương), Vân Đồn (Quảng Ninh), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)... Đăng ký nhưng không đủ năng lực đầu tư, họ luôn rao bán các dự án. Nếu theo Luật Đầu tư thì nhà đầu tư này hoàn toàn có thể bán các dự án của mình cho bất kỳ ai dưới nhiều hình thức: Bán cả dự án, bán cổ phiếu… Giả thiết rằng, nếu có một tổ chức nào đó là nhà đầu tư nước ngoài (dạng như nhà đầu tư Our City) mua được những dự án ở những vị trí trọng yếu của đất nước, không chỉ đánh bạc, mà còn làm nhiều việc khác nguy hại đến an ninh quốc gia, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Chúng tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, quy định những điều kiện cần thiết, chặt chẽ trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở và bất động sản ở Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề này là rất cần thiết và phải làm ngay. Luật cần có quy định Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ huy quân sự các tỉnh thành phố phải có ý kiến trước và trong khi lập, phê duyệt quy hoạch dự án chi tiết 1/500.

Kinh doanh nhà ở, bất động sản ở Việt Nam những năm trước đây có thể cần đến sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài vì một số lý do; nhưng trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tiếp theo tình trạng nhà ở, chung cư, các khu nghỉ dưỡng, nghỉ mát ở nhiều nơi đã bắt đầu dư thừa. Những Tập đoàn xây dựng của Việt Nam đã lớn mạnh đủ sức xây dựng nhà ở và kinh doanh bất động sản. Một bằng chứng cho thấy, cũng khu đất gần đó, kề cận sông Cầu Rào, với diện tích lớn hơn diện tích Khu đô thị Our City nhưng Tập đoàn Vincom chỉ xây dựng trong một năm đã hoàn thành một đô thị hiện đại, khang trang đúng như thiết kế ban đầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả