menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Như

Quỹ ETF sẽ là xu hướng khi thị trường chứng khoán được nâng hạng

Các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra ưa thích hơn trong việc đầu tư vào các quỹ thụ động ở Việt Nam hơn là các hình thức đầu tư chủ động trong một vài năm qua.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Minh Hạnh - Giám đốc Quỹ ETF của Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) khi trao đổi với phóng viên TBTCO về xu hướng phát triển của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại Việt Nam.

- Thưa ông, cùng với các quỹ ETF ngoại, thì từ đầu năm tới nay, 3 quỹ ETF nội đã và sắp niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Vậy, tại sao lại có sự xuất hiện liên tục của các quỹ ETF nội như vậy? Phải chăng đây là xu thế của các TTCK quốc tế?

- Xu thế các quỹ đầu tư thụ động lên ngôi đã có từ những năm 2000 và ngày càng bùng nổ từ sau khủng hoảng tài chính 2007 - 2009. Ngày nay tài sản nằm tại các quỹ thụ động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng phân bổ tài sản cổ phiếu ở các nước đã phát triển.

Quỹ ETF sẽ là xu hướng khi thị trường chứng khoán được nâng hạng

​"Số lượng quỹ ETF như hiện nay là còn quá ít với tiềm năng TTCK Việt Nam cũng như vị thế quỹ ETF cần có. Đặc biệt, trong tương lai khi Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi thì dòng tiền vào các quỹ ETF sẽ là dòng tiền chính vào Việt Nam thay vì các quỹ chủ động".

Hầu hết các quỹ chủ động có quy mô càng lớn thì tỏ ra càng kém hiệu quả hơn các quỹ thụ động, nên dòng tiền càng đổ dồn nhiều hơn vào các quỹ thụ động. Lãi suất được giữ ở mức thấp suốt hơn 10 năm qua càng thúc đẩy các nhà đầu tư dịch chuyển tài sản từ tiền gửi tiết kiệm sang các quỹ đầu tư cổ phiếu nhiều hơn để tìm kiếm lợi nhuận, qua đó cũng đóng góp đáng kể vào xu hướng này ở hầu hết các nước trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong năm 2020 này đã có 2 quỹ ETF mới được thành lập và 2 quỹ đang trong quá trình IPO, từ đó sẽ đưa tổng số quỹ ETF nội địa lên 6 quỹ và còn có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

Các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tỏ ra ưa thích hơn trong việc đầu tư vào các quỹ thụ động ở Việt Nam hơn là các hình thức đầu tư chủ động trong một vài năm vừa qua. Chúng tôi tin tưởng đó sẽ là xu hướng trong thời gian tới khi TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai.

- Tại thị trường Việt Nam, bên cạnh 2 ETF ngoại lớn là FTSE ETF, VNM ETF, thì các ETF nội cũng đã xuất hiện và cũng khá nổi bật là ETF VFMVN30, ETF VFM VNDIAMOND. Riêng SSIAM thì cũng đã có ETF VNFINLEAD, ETF VNX50 và sắp tới sẽ là ETF SSIAM VN30. Ông nghĩ thế nào về sự cạnh tranh dòng tiền của các ETF này?

- Hiện nay trên TTCK Việt Nam đang có khoảng hơn 40 quỹ mở nội địa và hàng trăm quỹ nước ngoài đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào Việt Nam. Các quỹ chủ động này có số lượng và quy mô còn lớn hơn rất nhiều so với các quỹ ETF hiện tại, nên khó có thể nói rằng quỹ ETF là quá nhiều cho TTCK Việt Nam hiện nay. Theo đánh giá của chúng tôi, số lượng quỹ ETF như hiện nay là còn quá ít với tiềm năng TTCK Việt Nam cũng như vị thế quỹ ETF cần có. Đặc biệt, trong tương lai khi Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi thì dòng tiền vào các quỹ ETF sẽ là dòng tiền chính vào Việt Nam thay vì các quỹ chủ động.

Bên cạnh đó, cạnh tranh luôn tốt cho tất cả để cùng nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và thu hút NĐT tham gia nhiều hơn vào thị trường, từ đó giúp thị trường tài chính Việt Nam phát triển. Các sản phẩm tài chính tại Việt Nam vẫn còn đơn sơ và hầu như không thu hút được người dân quan tâm. NĐT hiện nay cũng chỉ quan tâm 2 kênh chính là tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng và đầu cơ bất động sản, nên rõ ràng là cần đa dạng hóa đầu tư nhiều hơn nữa.

Quỹ ETF sẽ là xu hướng khi thị trường chứng khoán được nâng hạng
Nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn các quỹ ETF. Ảnh: DM.

- Trước đây, SSIAM đã có quỹ ETF dựa trên chỉ số HNX30, nhưng không thành công. Vậy với ETF dựa trên VN30-Index lần này, ông kỳ vọng điều gì về sự lớn mạnh của quỹ, đặc biệt, tại thị trường Việt Nam cũng đã có 1 quỹ ETF xây dựng trên chỉ số này và cũng khá thành công?

- Trước đây, chúng tôi đã vận hành quỹ ETF SSIAM HNX30 (hiện nay đã đổi thành ETF SSIAM VNX50) nhưng chưa thành công. Đại đa số NĐT tin tưởng vào tiềm năng TTCK Việt Nam trong dài hạn nhưng họ cũng cần các công cụ phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn. Các chỉ số tham chiếu HNX30 và VNX50 không có các công cụ phòng ngừa rủi ro cung cấp cho họ, nên chưa thật sự thu hút được dòng tiền tham gia.

Trong khi đó, chỉ số VN30 có công cụ hợp đồng tương lai (futures contract) giúp các NĐT chủ động hơn trong việc bảo hiểm danh mục khi cần thiết và NĐT tự tin đầu tư hơn so với các quỹ còn lại.

- Trong khi việc nới room và một số sản phẩm khác vẫn chưa thành hiện thực, thì ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút trở lại dòng vốn nước ngoài của các quỹ ETF, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm suy yếu dòng vốn vào ròng hiện nay?

- Hiện nay, nhìn chung dòng vốn nước ngoài vẫn chưa thật sự quay trở lại thị trường mà mới ở trạng thái dừng rút so với giai đoạn trước đây. Mặc dù có dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ ETF nội địa trong thời gian qua, nhưng các quỹ ETF ngoại vẫn chưa thật sự thu hút được dòng tiền.

Các quỹ ETF nội thu hút được dòng tiền chủ yếu là các quỹ ETF dạng smart beta (một dạng quỹ cung cấp các lựa chọn thay thế cho đầu tư chỉ số thụ động và tìm cách cung cấp hiệu quả cao nhất được điều chỉnh theo rủi ro) khi các quỹ ETF này có các câu chuyện riêng như nhiều cổ phiếu hết room ngoại hay tập trung vào một ngành nghề hấp dẫn của nền kinh tế và thu hút được dòng tiền của các NĐT đã bán ra trong giai đoạn trước đang quay trở lại thị trường. Dòng tiền mới từ các NĐTNN dường như chưa thực sự nhập cuộc tại Việt Nam.

- Ngoài một số quỹ ETF và một số quỹ khác đã được thành lập, tuy nhiên, trên thực tế ngành quỹ tại thị trường Việt Nam vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng, NĐT cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư. Vậy ông có suy nghĩ gì về điều này? Chúng ta cần thêm những gì để thúc đẩy ngành quỹ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới?

- Ngành quản lý quỹ nói riêng cũng như thị trường tài chính Việt Nam nói chung hiện nay vẫn tương đối đơn giản và rất ít công cụ để đầu tư nên chưa đáp ứng đủ dải sản phẩm cho mọi NĐT tham gia vào thị trường.

Ngoài ra, các công cụ phòng vệ cũng chưa thật sự hiệu quả do còn khá nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, nên khi thị trường sụt giảm, các quỹ tương đối bị động và các NĐT rút tiền rất mạnh. Thị trường có sự biến động lớn do các NĐT cá nhân giao dịch chiếm tới gần 80% giá trị giao dịch hàng ngày và mức biến động của thị trường là rất lớn. Khi thị trường tăng mạnh, dòng tiền từ các NĐT cá nhân vào rất mạnh và khi suy giảm lại rút ra rất ồ ạt gây mất niềm tin lớn cho các NĐT khi tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng quá cao tại Việt Nam so với lạm phát và tăng trưởng kinh tế đã ngăn cản phần lớn nhu cầu đầu tư của NĐT nội địa khi chỉ cần gửi tiền, NĐT cũng đã có được mức lợi nhuận tương đối tốt, rất an toàn và không kém so với các kênh đầu tư khác quá nhiều.

Với tình hình lạm phát hiện nay, tôi cho rằng, dư địa để hạ lãi suất nhằm kích thích các kênh đầu tư khác là rất lớn để giúp TTCK Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại