menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Giang

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Tại sao nên giữ?

Việc giữ hay bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu.    

Nếu như năm 2019, tình hình kinh tế ổn định, không có quá nhiều yếu tố gây bất lợi nên CPI được kiểm soát tương đối dễ dàng thì bước sang năm 2020, hàng loạt những yếu tố bất thường như dịch Covid-19, giá thịt lợn neo cao, giá xăng dầu biến động tăng giảm đan xen… khiến chỉ số CPI khó dự báo và không dễ dàng kiềm chế theo mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá vẫn đang được điều hành linh hoạt để không đặt áp lực quá lớn lên CPI.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về mặt hàng xăng dầu, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương khẳng định, dù giá xăng dầu được điều chỉnh theo tăng giảm của giá thế giới, song liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành nhằm kiềm chế không để mặt hàng thiết yếu này tăng giá quá cao.

Đơn cử, trong kỳ điều hành ngày 13/7, để giữ ổn định giá xăng dầu sau 4 lần tăng trước đó theo đà tăng của giá thế giới, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng mức chi Quỹ Bình ổn xăng dầu. Cụ thể, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 961 đồng/lít (kỳ trước chi 900 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 526 đồng/lít, dầu diesel ở mức 167 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu hỏa ở mức 88 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu mazut ở mức 254 đồng/kg (kỳ trước không chi).

Đây là một trong những lần Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng linh hoạt để kiểm soát giá mặt hàng này sao cho không tăng quá cao theo giá xăng dầu thế giới. Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này vận hành theo giá thế giới. Song, Tờ trình của Bộ Công Thương gửi Chính phủ mới đây về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 chỉ rõ, xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13. Do vậy, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, quản lý của nhà nước.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là cơ chế gắn với giá cơ sở để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi vẫn đặt ra việc phải quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ không phù hợp bởi sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng theo đúng mục tiêu yêu cầu đề ra.

Trên cơ sở diễn biến chung của mặt bằng giá cả, mục tiêu đặt ra cho lạm phát, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đột ngột, tác động làm giá cơ sở tăng cao dẫn đến việc tăng giá xăng dầu có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Liên bộ Công Thương, Tài chính đã sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá để bù đắp hết hoặc một phần chênh lệch này. Khi đó, giá trong nước hoặc là không điều chỉnh tăng, hoặc là chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán; phần chênh còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá.

“Suốt thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá đã được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phát huy hiệu quả tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một bước đệm nhằm góp phần bình ổn giá trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng quá mạnh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội” – Tờ trình nêu rõ.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được hạch toán và theo dõi riêng bằng một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nơi thương nhân đầu mối có giao dịch, góp phần công khai, minh bạch quỹ và quản lý quỹ hiệu quả hơn. Bộ Tài chính cũng thực hiện định kỳ công tác kiểm tra việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối theo quy định tại Nghị đinh 83/2014/NĐ-CP. Tình hình trích lập, sử dụng quỹ Bình ổn giá của từng doanh nghiệp kinh daonh xăng dầu đầu mối từ năm 2013 đến nay được Bộ Tài chính và Bộ Công Thương công khai thường xuyên để người dân biết, giám sát.

Khi đánh giá kết quả đạt được của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tại Báo cáo Kiểm toán nhà nước về trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu và công tác quản lý, điều hành xăng dầu giai đoạn 2015-2016 có nêu: “Quy định về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo chế độ hiện hành là cần thiết bởi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đóng vai trò là một trong những công cụ để Nhà nước bình ổn giá xăng dầu trong nước trong trường hợp xăng dầu thế giới có biến động tăng/giảm bất thường nhằm ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thuế nhập khẩu xăng dầu”.

Đánh giá về vai trò của Quỹ, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã nêu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng phù hợp với quy định, nhằm góp phần bình ổn giá bán xăng dầu trong nước hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội; đồng thời giảm tần suất tăng giá bán xăng dầu trong nước.

Để tăng cường hơn tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc thực hiện trích lập, sử dụng và quản lý số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn cơ chế báo cáo, theo dõi (số dư tài khoản Quỹ Bình ổn giá tại ngân hàng), trách nhiệm công bố công khai số dư Quỹ Bình ổn giá, cách tĩnh lãi suất tiền gửi đối với số tiền quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại, cách tính lãi suất vay ngân hàng khi Quỹ Bình ổn giá âm…

Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể về chế tài xử phạt trong các trường hợp vi phạm liên quan đến trách nhiệm trong hình thành, quản lý, hạch toán và sử dụng quỹ. Dự thảo tiếp tục giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc trích lập, sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá và thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại