Quốc lộ 28B được phê duyệt chủ trương đầu tư hơn 1.435 tỷ đồng, đang lập dự án
Quốc lộ 28B, từng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng được đầu tư hơn 1.435 tỷ đồng nâng cấp nhưng chưa triển khai
Cần sớm thi công nâng cấp Quốc lộ 28B và đèo Đại Ninh
Ngày 25/7, đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây Sở có tham gia đoàn của Bộ GTVT đi khảo sát toàn tuyến Quốc lộ 28B để phối hợp cùng các cơ quan của Bộ GTVT thực hiện lập dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường này theo phê duyệt chủ trương của Bộ GTVT.
Cũng theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, dự án này do các cơ quan trực thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư, nên Bình Thuận chỉ tham gia khảo sát và đóng góp ý kiến theo trách nhiệm và nhiệm vụ địa phương; hiện thủ tục pháp lý liên quan đến dự án này đang được các cơ quan chuyên môn tích cực hoàn thiện để trình Bộ GTVT trong thời gian tới để Bộ phê duyệt dự án...
Đèo Đại Ninh, cung đường đẹp, tài xế lái xe qua khu vực này hết sức cẩn thận. Ảnh: Bùi Phụ
Trước đó, vào tháng 10/2021, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B, qua 2 tỉnh Bình Thuận-Lâm Đồng với tổng vốn khoảng 1.435 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2025.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, Quốc lộ 28B điểm đầu giao với Quốc lộ 1A thuộc huyện Bắc Bình (Bình Thuận dài 51km) và điểm cuối giao với Quốc lộ 20 thuộc huyện Đức Trọng (Lâm Đồng khoảng hơn 18km) với tổng chiều dài khoảng 69 km. Tuyến đường này có vai trò liên kết vùng, kết nối giao thông Bình Thuận - Lâm Đồng và Quốc lộ 1A đi các tỉnh Nam Trung bộ rất thuận tiện.
Tuyến đường này trước đây là đường Lương Sơn- Đại Ninh, được khởi công xây dựng vào tháng 5/2003 và hoàn thành vào tháng 3/2008. Ban đầu chủ yếu phục vụ cho cho xe tải chở vật liệu xây dựng thi công nhà máy thủy điện Đại Ninh. Sau khi công trình thủy điện hoàn thành, chủ đầu tư đã bàn giao lại cho Bộ GTVT quản lý và đến tháng 3/2014, chuyển thành Quốc lộ 28B.
Cung đường này nhỏ hẹp, rộng chỉ 5,5m. Hiện, nền mặt đường đã hư hỏng, xuống cấp, trên tuyến còn một số đường cong bán kính nhỏ, nên việc vận chuyển hàng hóa container, xe chuyên dùng, vận chuyển hành khách không đảm bảo an toàn giao thông. Do đó, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường là hết sức cấp thiết.
Thời gian qua, nhiều du khách và các loại xe khách, xe tải chọn cung đường này đi lại giữa 2 tỉnh nhưng hiện đã xuống cấp. Vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở, dễ mất an toàn giao thông nên việc nâng cấp là hết sức cần thiết...
Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã đầu tư làm mới lại một số hạ tầng giao thông trên đèo Đại Ninh như: Biển báo, taluy, hộ lan cứng bên phía vực, gương lồi quan sát xe ngược chiều. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các phương tiện vi phạm giao thông và nhắc nhở tài xế khi điều khiển phương tiện qua đèo Đại Ninh phải cẩn thận.
Theo Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, các vụ tai nạn, va chạm gần đây, không ít tài xế chỉ mới đi lần đầu, chưa quen đi đường đèo dốc, dẫn đến sai quy trình thao tác lái xe nên xảy ra tai nạn, nhiều nhất là mất phanh. Ngoài ra ban đêm và rạng sáng tuyến đường đèo thường hay có sương mù.
Để tránh rủi ro tai nạn đường đèo dốc, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận khuyên các tài xế mới đi lần đầu qua cung đường này, ít có kinh nghiệm cần phải trang bị kỹ năng cần thiết trước khi đi đường đèo dốc, phải hết sức cẩn thận, tỉnh táo kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ xảy đến...
Cung đường đẹp qua đèo Đại Ninh và Quốc lộ 28B
Theo nhiều chuyên gia du lịch, cung đường từ phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng) về phố biển Phan Thiết (Bình Thuận) qua đèo Đại Ninh là một trong những cung đường tuyệt đẹp băng qua núi rừng, ghềnh thác. Nếu gặp trời nắng, từ trên đèo, du khách sẽ thấy toàn cảnh thơ mộng, hữu tình của hồ nước thủy điện Đại Ninh.
Ánh nắng đã làm bật lên vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng và suốt đoạn đường đèo, du khách sẽ say đắm trước vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh núi non trùng trùng, điệp điệp… Nếu gặp trời mù sương, du khách cảm nhận như mình đang đi trong rừng mây trắng xóa…
Chúng tôi cùng từng nhiều lần xuyên qua đèo Đại Ninh và lần nào cũng ngất ngây trước vẻ đẹp độc đáo, đầy thú vị ở cung đường này. Nhất là khi xe vừa vượt qua một khúc cua cùi chỏ, có tí gập ghềnh, uốn lượn với một bên là vách đá, một bên đầy hoa dại. Nếu đi từ chân đèo hướng Bình Thuận lên tới đỉnh đèo, chúng tôi dường như cảm nhận được sự phấn chấn, rạo rực và tràn đầy niềm tin khi chinh phục con đèo với nhiều khúc cua cam go này…
Chính vì cung đường này đẹp nên mấy năm vừa qua khách du lịch rất thích đi cung đường này để thưởng ngoạn.
Tuy nhiên, do đường xuống cấp nên thời gian qua, cung đường đẹp này lại là nơi "ám ảnh" của giới tài xế khi lái xe qua tuyến đường này lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông. Cộng thêm đó, thời gian qua đèo Đại Ninh đã xảy ra mấy vụ sạt lở đất khiến nỗi lo càng lớn hơn.
Đèo Đại Ninh ở khu vực có đường ống dẫn nước xuống Nhà máy thủy điện Đại Ninh. Ảnh: Bùi Phụ
Hơn 1.435 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 28B
Nắm bắt được việc này, tháng 10/2021, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận và Lâm Đồng. Theo đó, dự án có điểm đầu tại Km 0+00, giao Quốc lộ L1A tại Km 1656+900 (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) và điểm cuối tại Km 68+100 – ngã ba Tahine giao với Quốc Lộ 20 tại Km 185+690 (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 69km được đầu tư quy mô đường cấp III, đạt vận tốc thiết kế 60 – 80km/h; chiều rộng nền đường là 12m và mặt đường là 11m. Khổ cầu bằng khổ nền đường, riêng đoạn qua đèo Đại Ninh, nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất khó khăn, đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Dự án với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; tiến độ thực hiện hoàn thành năm 2025.
Dự kiến bố trí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước cho dự án là gần 1.300 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành được kỳ vọng từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng theo quy hoạch. Cùng đó, tăng cường liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông – Tây kết nối khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung và giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.
Cung đường này hoàn thành góp phần nâng cao hiệu quả khai thác du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận