Quay cuồng vì vàng
Gần đây, khi giá vàng ở Việt Nam bứt tốc, tăng phi mã, tôi thấy nhiều người mới nháo nhào quan tâm, bàn tán, hối thúc nhau mua. Chứ trước đó thì sao? Tôi dám chắc chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện đổ xô đi mua vàng. Bạn thử ngẫm xem, lần cuối cùng mình biết đến giá vàng là cách đây bao lâu rồi?
Thời của tôi, nhiều người lấy vàng làm hệ quy chiếu đo lường giá cả. Hồi đó, bất cứ thứ gì, chúng tôi cũng đều quy ra vàng, chủ yếu là vàng 9999. Mua nhà hay bán nhà, chúng tôi cũng đều quy ra thành "mấy chục cây vàng"?
Một chiếc xe Dream thùng đập hộp, giá dứt khoát phải là 7 cây vàng. Chiếc xe DD (hàng secondhand) đầu tiên mà tôi mua sau khi ra trường để làm phương tiện đi làm, sau mấy chục năm tôi không hề nhớ giá chính xác của nó là bao nhiêu tiền, nhưng con số 3,4 cây vàng có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên.
Có thể nói, mọi thứ giá trị lúc đó đều mặc định quy đổi ra vàng. Nhà ai sắm được chiếc tivi màu JVC 1480 M thì hàng xóm khỏi phải hỏi giá, vì nó sẽ phải là 7 chỉ vàng. Tủ lạnh, đầu máy Funai... cũng tương tự, toàn cây vàng, chỉ vàng mà tính. Vàng thịnh hành đến nỗi, thời tôi luyện thi đại học, thầy dạy Hóa nổi tiếng mà có nhận kèm học sinh con nhà khá giả ôn luyện, thì học phí luôn là 2 chỉ vàng.
Vì đa số dùng vàng là thước đo quy đổi, nên mặc định những gì liên quan tới tiền bạc, tài sản, lời lỗ, lương bổng... người ta thường hay quy về vàng. Mượn nợ cũng vàng, góp vốn làm ăn cũng vàng, đến lương lãnh ra cũng quy theo vàng... Và những lao động phổ thông, làm công ăn lương thường tìm ra phương thức bảo toàn vốn bằng cách... mua vàng về cất. Ít thì phân, khá hơn thì chỉ, nhiều chút thì hóa thành cây (lượng) vàng. Và đây được xem là phương thức tích lũy tài sản khả quan, an toàn và thông minh.
Theo thời gian, vàng đã không còn được nhắc nhiều như là điều kiện tiên quyết trong các giao dịch mua bán, góp vốn, vay mượn nữa. Mua bán nhà cửa, tài sản cố định trên các trang báo rao vặt, từ vàng chuyển sang tiền đồng. Người mua, người bán cũng hầu như không còn thói quen nhẩm tính sang vàng như trước nữa. Nếu có, người ta cũng chỉ chuyển sang ngoại tệ mạnh như USD, Euro...
Người làm công ăn lương thì khỏi nói, không còn nhiều người còn có thói quen tích lũy từng phân vàng sau mỗi kỳ lãnh lương nữa. Với các hàng hóa tiêu dùng, xe cộ... cũng đã thấy rõ nét chuyện không màng tới định giá bằng vàng. Nhiều người nói vui, có lẽ vì giá vàng tăng cao nên bây giờ mua sắm đồ đỡ ngán. Điển hình như một chiếc xe tay ga mới cáu cạnh, so ra giá chỉ chưa tới một cây vàng, chứ những thứ vặt vãnh như điện thoại, tủ lạnh, máy lạnh, tivi LED Internet cũng không đáng là bao nếu quy ra vàng. Khác hẳn với hồi xưa.
Giờ thì người ta lại nhao nhao vì vàng. Dĩ nhiên, so sánh nào cũng khập khiễng và chỉ mang tính tương đối của nó. Giá vàng, ngoại tệ tăng hay giảm đều có tác động đến nền kinh tế vĩ mô, và phần nào đó ảnh hưởng rõ rệt tới những toan tính đầu tư của những ai có tích lũy kha khá (và cả các yếu tố lạm phát). Chứ với đại đa số những người làm công ăn lương, buôn bán nhỏ, thì giá vàng xét ra cũng khó mà chạm đến những ngưỡng chịu đựng của mỗi người.
Vậy, hãy sống tích cực, bằng cách tự an ủi mình rằng: nhờ giá vàng lên, mà ta có cơ hội mua hàng hóa 'rẻ hơn' chút xíu (theo giá vàng). Chỉ tội nghiệp cho những ai đã vô tình mượn nợ quy ra vàng, hoặc những chàng trai đang chuẩn bị vàng cưới vợ mà thôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận