Quan chức hàng đầu của Fed: Chương trình mua tài sản quy mô lớn hiện không còn phù hợp với kinh tế Mỹ
Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp của Fed không phù hợp với một nền kinh tế bị kìm hãm bởi các hạn chế về nguồn cung, thay vào đó đẩy nhanh kết thúc các chương trình kích thích để tránh gánh nặng nợ nần và áp lực lạm phát.
Cảnh báo trên đã được một quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra mới đây.
Eric Rosengren, Chủ tịch Fed Boston và cũng là thành viên biểu quyết của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thiết lập chính sách vào năm tới nói với Financial Times rằng, ông sẽ ủng hộ việc Fed thông báo vào tháng 9 tới sẽ bắt đầu giảm quy mô mua tài sản hàng tháng vào mùa thu này và đi đúng hướng để cắt giảm chương trình hoàn toàn vào giữa năm 2022.
Ông Rosengren cho biết, việc Fed mua trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp không còn là biện pháp khắc phục đúng đắn trong môi trường thiếu hụt nghiêm trọng các nguyên liệu thiết yếu và nhân công.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 16/8, ông cho biết tình hình hiện tại khác với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi Fed phải đối mặt với sự thiếu hụt nhu cầu và giải quyết bằng cách giảm chi phí đi vay.
“Vấn đề lớn của chúng tôi lúc này không phải là mọi người không sẵn sàng mua hàng hóa và dịch vụ mà vấn đề là rất khó để có thể tìm được lao động và tìm được nguyên liệu để thực sự sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, trong môi trường đó, chúng tôi sẽ nhận thấy nhiều tác động hơn đến sự gia tăng tạm thời của giá cả và ít tác động hơn đến việc cố gắng trở lại toàn dụng lao động và tỷ lệ lạm phát cao sẽ kéo dài hơn”, ông cho biết.
Ông Rosengren nói rằng, giá cả gia tăng và khối lượng nợ được thúc đẩy một phần bởi việc mua tài sản có thể sẽ gây rủi ro cho sự phục hồi kinh tế nói chung.
“Tôi lo lắng rằng đòn bẩy quá mức và sự tăng giá có khả năng làm suy yếu mục tiêu toàn dụng lao động của chúng tôi theo thời gian”, ông cho biết.
“Phân tích về mối quan hệ giữa chi phí và lợi ích xung quanh chương trình mua tài sản đã thay đổi do đại dịch tạo ra những hạn chế về nguồn cung này. Tôi không chắc chúng ta đang nhận được lợi ích giống như chúng ta đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính”, ông nói thêm.
Giá tài sản là một điểm đáng quan tâm khác vì nhiều nhà đầu tư ngày càng chấp nhận rủi ro nhiều hơn.
“Một trong những tác dụng phụ của việc đẩy lãi suất xuống khá thấp là khuyến khích mọi người sử dụng nhiều đòn bẩy hơn. Mục tiêu là không làm cho giá tài sản tăng vọt”, ông cho biết.
Rosengren cũng là người có quan điểm tương đồng với các thành viên có quan điểm diều hâu khác của Fed (hướng chính sách tiền tệ thắt chặt), bao gồm Robert Kaplan của Fed Dallas và James Bullard của Fed St Louis đã cân nhắc ở một bước ngoặt đối với chính sách của Fed từ kích cầu sang từng bước thắt chặt.
Các quan chức đã thống nhất trong những tuần gần đây xung quanh ý tưởng rằng Fed có thể bắt đầu thu hẹp quy mô mua tài sản của mình trong năm nay khi đạt được “tiến bộ đáng kể hơn nữa” hướng tới mục tiêu lạm phát trung bình 2% và toàn dụng lao động.
Nhiều quan chức tại Fed, bao gồm cả ông Rosengren tin rằng Fed đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong số những mục tiêu này với báo cáo việc làm mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ duy trì trong những tháng tới.
Trong khi đó, lạm phát vừa phải vượt quá 2% trong một thời gian và tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn nữa xuống khoảng 4% hoặc ít hơn có thể tạo tiền đề cho Fed tăng lãi suất sớm nhất vào năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận