Quá thời hạn, dự án nuôi lợn 1.200 tỷ của BAF ở Nghệ An vẫn 'trên giấy'
Mặc dù hàng năm CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam báo lãi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên, sau gần 2 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án nuôi lợn hơn 1.200 tỷ ở Nghệ An, doanh nghiệp này vẫn chưa thể khởi công dự án.
Dự án chậm tiến độ
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án chăn nuôi cho Công ty Cổ phần (CTCP) Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) ở huyện Tân Kỳ gồm, dự án Trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt thương phẩm theo quy mô trại lạnh khép kín (tại khu vực Bàu Vạn, xóm Nước Xanh, xã Giai Xuân) được đầu tư trên diện tích đất dự kiến 52,07 ha, công suất thiết kế 5.000 lợn nái sinh sản (2,5 phối/năm) và 60.000 lợn thịt thương phẩm/lứa, với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng;
Và dự án Trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm theo mô hình trại lạnh khép kín (tại khu vực Thung Mảng, xã Tân Hợp) được đầu tư trên diện tích đất dự kiến 32,56 ha, công suất thiết kế 60.000 lợn thịt thương phẩm/lứa, với tổng mức đầu tư 440 tỷ đồng.
Theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An, hai dự án trên sẽ hoàn thành vào quý I/2023 và thời gian hoạt động là 50 năm. Dự kiến là vậy, tuy nhiên, đến nay đã hết thời hạn thực hiện dự án nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể khởi công xây dựng hai dự án trên.
Trao đổi với Nhadautu.vn qua điện thoại, ông Hồ Lê Đức, đại diện của BAF ở Nghệ An cho biết, dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 6 hoặc tháng 7/2023.
Theo ông Đức, do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng nên hết thời gian thực hiện dự án. "Hiện, chúng tôi đã xin gia hạn thời gian thực hiện dự án và đang chờ quyết định từ các cơ quan chức năng. Khi được gia hạn thời gian thực hiện dự án, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng dự án ở Giai Xuân trước vì ở đây đã giải phóng xong mặt bằng", ông Đức nói.
Ông Phan Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thông tin, 2 dự án trên chưa thể khởi công xây dựng vì đã hết thời hạn thực hiện dự án.
Theo ông Giáp, thời gian qua huyện luôn bám sát và đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để khởi công dự án. Tuy nhiên, do việc thoả thuận giá cả đền bù của nhà đầu tư với các hộ dân mất nhiều thời gian, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã dẫn đến dự án chậm tiến độ đề ra.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, BAF Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn từ năm 2017. Thương hiệu BAF (Feed - Farm - Food) cũng là chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến.
Vốn điều lệ của BAF ở thời điểm này là hơn 1.435 tỷ đồng, trong đó, CTCP Siba Holdings, doanh nghiệp liên quan ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF nắm giữ 40,5% vốn điều lệ; bà Bùi Hương Giang, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (3,2%) và các cổ đông khác (56,3%).
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long và ông cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Siba Holdings.
Tập đoàn Tân Long của ông Trương Sỹ Bá được biết đến nhiều ở Nghệ An khi doanh nghiệp này tiếp quản CLB Bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA) từ Tập đoàn TH vào ngày 1/6/2021, với pháp nhân vận hành mới là CTCP Thể thao Sông Lam Nghệ An.
BAF làm ăn ra sao?
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) vừa có báo cáo tài hợp nhất quý I/2023, theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2023, BAF có doanh thu thuần về bán hàng đạt hơn 817,3 tỷ đồng, đạt 11,8% kế hoạch năm (giảm hơn 722 tỷ đồng so với năm 2022), lãi ròng ở mức hơn 3,1 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của BAF đạt hơn 5.989,9 tỷ đồng, trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho hơn 1.424,8 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.686 tỷ đồng; tài sản cố định hơn 1.070,3 tỷ đồng và các khoản mục khác.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của BAF ở mức 4.089,9 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn hơn 2.919,3 tỷ đồng; nợ dài hạn hơn 1.170,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 1.900 tỷ đồng gồm: vốn góp chủ sở hữu 1.435,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 301,6 tỷ đồng, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu hơn 153,4 tỷ đồng…
Trong giai đoạn 2019-2022, doanh thu thuần của BAF giảm mạnh, từ 17.288 tỷ đồng năm 2019 xuống 12.846 tỷ đồng năm 2020, xuống 10.434 tỷ đồng năm 2021 trước khi giảm sâu xuống 7.083 tỷ đồng năm 2022. Lãi ròng (công ty mẹ) của doanh nghiệp này lại tỷ lệ nghịch với doanh thu khi báo lãi 13 tỷ đồng năm 2019, tăng lên 46 tỷ đồng năm 2020 và đạt đỉnh năm 2021 với hơn 311 tỷ đồng trước khi giảm xuống 287 tỷ đồng năm 2022.
Năm 2023, BAF dự kiến đạt doanh thu hơn 6.913,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 301,4 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận