‘Quả bom’ SCB và cảnh báo đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Khâu quản lý yếu kém từ vụ SCB dẫn đến đại án; Công bố 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán chính thức; Tranh luận nóng về rút bảo hiểm xã hội một lần; Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
Vụ SCB: ‘Nếu như không có 3 thùng xốp đựng 5 triệu USD…’
Ông Trịnh Xuân An - đại biểu chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh - cho biết, nhắc đến SCB, phải nói đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với rất nhiều những “kỷ lục” xảy ra: Kỷ lục về số tiền bị chiếm đoạt; kỷ lục về thời gian diễn ra vụ việc; kỷ lục về số lượng các bị can; kỷ lục về số lượng người bị tác động; rồi kỷ lục gây ra hệ lụy vô cùng lớn với nền kinh tế và niềm tin của người dân, khách hàng.
"Có thể nói, trong tất cả các vụ việc đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa mới là khâu quan trọng hơn cả. Trong vụ việc này, nếu chúng ta làm tốt khâu phòng, khâu kiểm soát, xử lý được từ sớm, từ xa thì chắc hệ quả không ghê gớm như vậy", ông An chia sẻ.
Nói về giải pháp gì để kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng này, ông An cho biết, tiêu cực trong thanh, kiểm tra qua việc nhận 5 triệu USD như công bố là hệ lụy dẫn đến hậu quả thảm khốc. Nếu như không có chuyện ba thùng xốp đựng 5 triệu USD kia, nếu SCB được xử lý ngay khi nó manh nha, đưa vào diện kiểm soát đặc biệt thì đến bây giờ sẽ không xảy ra hậu quả như vậy.
Do vậy, phải có cơ chế để kiểm soát lẫn nhau. Muốn vậy, chúng ta cần phải có cơ chế đánh giá độc lập, kiểm tra chéo, chứ nếu để đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng” thì hậu quả sẽ rất lớn. Tôi đã phát biểu nhiều lần, là phải có một cơ quan kiểm tra, giám sát ngân hàng độc lập để phòng ngừa được từ xa.
Vụ SCB cũng là bài học kinh nghiệm để chúng ta xử lý câu chuyện về kiểm soát sớm. Chúng ta phải có một hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực. Đồng thời, phải thiết kế một mô hình giám sát, kiểm tra đủ mạnh, có thể độc lập, cũng có thể nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, nhưng xin nhấn mạnh là nó phải đủ mạnh.
"Vụ SCB vừa là sự cố, vừa là vụ việc không ai muốn, nhưng lại đặt ra cho chúng ta rất nhiều bài học" |
Tranh luận nóng về rút bảo hiểm xã hội một lần
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Nội dung rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum), Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu BHXH một lần. Đại biểu bày tỏ băn khoăn tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình?
Vì vậy, ông Tám đề nghị tiếp tục làm rõ vấn đề này, đảm bảo sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống. Nếu áp dụng phương án 1, đại biểu lo ngại rằng người lao động không đồng tình; còn phương án 2 thì cho phép người lao động được rút tối đa “không quá 50%” tổng số thời gian đóng. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa.
Hiến kế về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) đề xuất giải pháp: Nên cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng cần có “phương án trung gian”. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng.
“Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH”, ông Thịnh nêu, đồng thời nhấn mạnh, nên thu hút người lao động bằng các lợi ích chứ không nên giữ chân bằng cách hạn chế.
Công bố 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán chính thức
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung vừa ký văn bản Thông báo về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024, lịch nghỉ này đã được Thủ tướng thông qua trước đó. Lịch nghỉ Tết này áp dụng với khu vực nhà nước, gồm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. |
Cụ thể, người lao động khu vực nhà nước nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 từ ngày 8-14/2/2024, tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão tới hết mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Tổng thời gian nghỉ Tết năm nay là 7 ngày liên tục, trong đó có 5 ngày nghỉ Tết chính thức và 2 ngày nghỉ bù do trùng vào cuối tuần.
Xuất khẩu rau quả vượt 5 tỷ USD, hé lộ khách hàng 'sộp' nhất
Theo thống kê sơ bộ mới nhất Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính đến ngày 15/11, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã chính thức vượt mốc 5 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số các thị trường lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng mạnh, chiếm hơn 66%, đạt hơn 3,3 tỷ USD.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam dự báo đạt kỷ lục 5,5 - 5,6 tỷ USD trong năm nay. |
Cụ thể, xuất khẩu rau quả đến giữa tháng 11 đạt 5,01 tỷ USD. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với số liệu sơ bộ này đơn vị đã tính toán kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu rau quả trong cả tháng.
Theo đó, tháng 11 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt hơn 375 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 10, nhưng tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch 11 tháng ước đạt hơn 5,2 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng mạnh, chiếm hơn 66% (đạt hơn 3,3 tỷ USD), Mỹ chiếm 4,4%, Hàn Quốc chiếm 3,9%, Nhật Bản 3,12%...
Phát lộ loạt doanh nghiệp tỷ USD, dự án đình đám của Vạn Thịnh Phát
Cơ quan điều tra cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã thành lập hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước có liên quan chặt chẽ với nhau. Đáng chú ý, một số lượng lớn công ty “ma” được thành lập chỉ để rút tiền Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để bà Lan sử dụng.
Trụ sở Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. |
Các công ty này được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, nhóm định chế tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó có Ngân hàng SCB, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Công ty CP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Riêng SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Nhóm thứ 2 gồm các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... và có số vốn điều lệ tỷ USD.
Nhóm thứ 3 là các công ty được gọi công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công …
Nhóm cuối cùng là mạng lưới công ty tại nước ngoài sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Lan tại nước ngoài.
Từ ngày 1/12, giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo
Theo Quyết định 11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Quyết định này quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền (Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ).
Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022
Một tuyến đường ở TPHCM giá thuê đắt thứ 13 thế giới
Theo báo cáo Đại lộ bán lẻ thế giới từ công ty nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield, 5 đường phố có giá thuê mặt bằng cao nhất thế giới (theo thứ tự từ trên xuống) là Đại lộ Số 5 (New York, Mỹ), Via Montenapoleone (Milan, Italy), Tsim Sha Tsui (Hong Kong, Trung Quốc), New Bond (London, Anh) và Avenues des Champs-Élysées (Paris, Pháp).
Đường Đồng Khởi tại TPHCM. |
Năm nay, đường Đồng Khởi (TPHCM, Việt Nam) tăng một hạng so với năm trước, hiện đứng thứ 13 trong danh sách con đường có giá thuê mặt bằng đắt nhất thế giới.
Giá thuê đường Đồng Khởi đang ở mức 390 USD/feet vuông/năm (khoảng 101 triệu đồng/m2), tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận