PVS dự kiến ngừng chia cổ tức tiền mặt, dồn vốn xuất khẩu điện gió sang Singapore
Từ 2024-2030, PVS cần thêm 70.600 tỷ đồng phục vụ vốn xây dựng cơ bản cho các khoản đầu tư, trong đó lớn nhất là dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Sembcorp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC; mã PVS, sàn HNX) xác định tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tham gia đầu tư, thi công các dự án năng lượng tái tạo, hợp tác với nhà đầu tư tiềm năng, xây dựng chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và khu vực.
Hiện thực hóa chủ trương này, PVS đã lên kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư với yêu cầu vốn xây dựng cơ bản lên tới 70.640 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm chi tiêu cho mảng mua bán và sáp nhập; mở rộng công suất hệ thống căn cứ cảng; đầu tư kho dầu nổi cho dự án Lạc Đà Vàng và Lô B (khoảng 10.000 tỷ đồng) và trang trại gió ngoài khơi (khoảng 60.000 tỷ đồng).
Trong tổng nhu cầu vốn đầu tư của PVS giai đoạn 2024 – 2030, nhu cầu vốn chủ sở hữu là 17.641 tỷ đồng (bao gồm 4.720 tỷ đồng giai đoạn năm 2024 - 2025 và 12.921 tỷ đồng giai đoạn năm 2026 - 2030).
Về nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu giai đoạn 2024 – 2030, PVS dự kiến sẽ lấy từ vốn chủ sở hữu chưa sử dụng để đầu tư 1.149 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.586 tỷ đồng; thu hồi các khoản đầu tư dài hạn 776 tỷ đồng; nguồn từ khấu hao ở mức 5.077 tỷ đồng; các khoản phân bổ tài sản dài hạn khác 689 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp cần cân đối thêm khoảng 8.920 tỷ đồng vào vốn chủ sở hữu giai đoạn 2024 – 2030.
Với số vốn chủ sở hữu cần tăng thêm, Ban lãnh đạo PVS dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt, phát hành cổ phiếu chào bán hoặc trả cổ tức trong giai đoạn 2025 - 2030 để giữ lại lợi nhuận.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc PVS cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ quyết tâm đầu tư phát triển theo 2 lĩnh vực chính là trở thành nhà cung cấp dịch vụ quốc tế về điện gió ngoài khơi và dịch vụ dầu khí truyền thống. Ngoài ra, PVS đã được PV OIL trao thầu FSO tính bằng đơn vị hàng trăm triệu USD và các dự án FSO trong thời gian tới, lĩnh vực thứ 3 này cũng cần vốn đầu tư lớn.
“PVS đang có kế hoạch xây dựng nhu cầu vốn chủ sở hữu với nhiều kịch bản, đang phải tính toán cẩn thận bởi đây là chiến lược trung dài hạn nên cần sự phê duyệt của các bên liên quan”, ông Cường thông
Nguồn: Kế hoạch kinh doanh của PVS và dự báo của Vietcap.
Kỳ vọng tăng trưởng từ các dự án mở rộng đầu tư
Các dự án đầu tư lớn của PVS trong thời gian tới, gồm: Hợp đồng cho thuê kho chứa dầu nổi (FSO) cho các dự án Lạc Đà Vàng và Lô B; gia hạn hợp đồng đối với các FSO hiện tại của công ty là Ruby II và Lam Sơn; mở rộng căn cứ cảng Vũng Tàu lên 230ha, công suất tăng 4 lần; đầu tư thêm vào đội tàu dịch vụ chuyên dụng phục vụ ngành dầu khí; hợp đồng EPCIC cung cấp giàn xử lý trung tâm cho giàn LDV-A ở mức 250 triệu USD.
Đáng chú ý, PVS đang tiến hành khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, hướng tới xuất khẩu điện sang Singapore thông qua đường cáp điện cao áp đặt dưới biển. Dự án này chiếm nhiều vốn nhất trong cơ cấu đầu tư của PVS giai đoạn 2024 – 2030, với số vốn xây dựng cơ bản vào khoảng 47.595 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 9.520 tỷ đồng.
Dự án được PVS đồng phát triển với Sembcorp, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu chưa được công ty công bố. Dự án ước tính có công suất lắp đặt là 2.300 MW, công suất thương mại hữu dụng được tính toán vào khoảng 1,2 đến 1,4 GW (tỷ suất hiệu dụng 45-50%).
PVS dự kiến dự án sẽ tạo ra thu nhập đáng kể từ năm 2032 trở đi và cho rằng cơ chế thí điểm của dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển mà không cần có luật, nghị định hoặc quy định.
Theo phân tích của Chứng khoán Vietcap, các dự án đầu tư là tiềm năng điều chỉnh tăng nhẹ dự báo lợi nhuận dài hạn của PVS. Trong đó, Vietcap có niềm tin mạnh mẽ vào việc PVS sẽ trúng thầu các dự án FSO Lạc Đà Vàng và Lô B hay tiếp tục gia hạn hợp đồng cho FSO Ruby II và FPSO Lam Sơn.
Công ty chứng khoán này cũng nhận thấy tiềm năng doanh thu tăng trưởng cao hơn kỳ vọng của PVS từ đội tàu dịch vụ chuyên dụng phục vụ ngành dầu khí để tận dụng nhu cầu toàn cầu đang gia tăng. Những yếu tố này có thể lấn át chi phí khấu hao có khả năng tăng do vốn xây dựng cơ bản cao hơn dự kiến dựa trên kế hoạch đầu tư đã công bố của PVS.
Vietcap kỳ vọng công suất của hoạt động mua bán và sáp nhập căn cứ cảng Vũng Tàu được dự báo tăng lên 1 tỷ USD vào năm 2025 (so với 500 triệu USD vào cuối năm 2022) và 1,5 – 2 tỷ USD trong dài hạn. Về dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Sembcorp, Vietcap ước tính tỷ lệ sở hữu của PVS sẽ vào khoảng 40%.
Về kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của PVS đạt 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 573 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 50% so với cùng kỳ 2023. Mức tăng trưởng của PVS chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động mua bán và sáp nhập, sau khi hoàn thành 4 trong số 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án Greater Changhua 2a&4 (Đài Loan, Orsted Client).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, PVS đã quyết định sáp nhập Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Khảo sát Công trình ngầm PTSC – công ty con do PVS là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ (300 tỷ đồng).
Đại hội cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt 7% từ lợi nhuận kinh doanh 2023. Năm 2024, PVS đặt mục tiêu doanh thu 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 465 tỷ đồng, thực hiện đầu tư 1.823 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận