PNJ phiêu lưu với kế hoạch lợi nhuận tăng 15%
Kế hoạch lợi nhuận của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu PNJ có phiêu lưu khi vừa trải qua một năm sụt giảm lợi nhuận.
Kế hoạch giàu tham vọng
Theo kế hoạch kinh doanh dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 trong tháng 4, PNJ nhắm tới mục tiêu lợi nhuận sau thuế lên đến 1.230 tỷ đồng. So với kết quả lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp này đạt được trong năm 2020, thì mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay sẽ tăng tới 15%.
Công ty PNJ cho biết, trong năm 2020, Công ty đã điều tiết tốc độ mở cửa hàng do ảnh hưởng của Covid-19, chủ yếu tập trung khai thác thêm các địa điểm có vị thế tốt, đón đầu xu hướng khi thị trường hồi phục sau dịch.
Cụ thể, Công ty đã mở mới 29 cửa hàng PNJ Gold và đóng 36 cửa hàng (đa phần là PNJ Silver) để tái cơ cấu vị trí cửa hàng và có được mức chi phí thuê tốt hơn.
Tại thời điểm cuối năm 2020, PNJ có 299 cửa hàng PNJ Gold, 33 cửa hàng PNJ Silver, 4 cửa hàng Cao Fine Jewellery, 3 cửa hàng PNJ Art, trong đó có 66 cửa hàng PNJ Watch theo mô hình S-i-S.
Với các chỉ tiêu kinh doanh khác, PNJ đặt tham vọng doanh thu thuần 21.006 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.048 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.533 tỷ đồng, tăng 14%.
Đây là mục tiêu khá thử thách cho đại gia ngành vàng bạc - đá quý, bởi PNJ vừa trải qua một năm kinh doanh 2020 với tăng trưởng lợi nhuận âm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của PNJ năm 2020 đạt 1.069 tỷ đồng, tuy vượt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn bị sụt giảm 10,4% so với thực hiện năm 2019.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 1.349 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm 2019; lợi nhuận gộp đạt 3.435 tỷ đồng, giảm 0,8%. Doanh thu tuy tăng trưởng 3%, đạt 17.511 tỷ đồng, nhưng sự tăng trưởng này cũng không mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm.
Đánh giá sơ bộ tình hình kinh doanh năm 2020 trong nội dung báo cáo của Hội đồng Quản trị, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ cho biết, mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty tiếp tục tăng trưởng.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ của PNJ vẫn đạt mức 10% so với cùng kỳ, tỷ trọng doanh thu bán lẻ theo đó tăng mạnh, chiếm 59,7% tổng doanh thu cả năm của Tập đoàn, đạt mức cao nhất trong các năm gần đây.
“Soi” chất lượng kinh doanh
Đi sâu vào chất lượng kinh doanh của PNJ, các chỉ số cơ bản về lợi nhuận của công ty này trong năm 2020 đều sụt giảm hơn so với năm 2019.
Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản giảm từ 13,88% trong năm 2019, xuống còn 12,61% trong năm 2020; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần giảm từ 7,02% xuống còn 6,11%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giảm từ 26,08% xuống còn 20,40%.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận sụt giảm là do Công ty bị suy giảm nguồn thu từ hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2019 ghi nhận 16,8 tỷ đồng, nhưng sang năm 2020 chỉ thu được gần 2,4 tỷ đồng từ nguồn này. Sự sụt giảm thu nhập tài chính của PNJ trong năm 2020 chủ yếu do ảnh hưởng từ các biến động chênh lệch tỷ giá. Do đó, biến động tỷ giá sẽ vẫn còn tiếp tục là một ẩn số khó lường làm cho một phần thu nhập của PNJ cũng “chông chênh” theo.
Trong khi đó, các khoản chi phí cơ bản như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… của PNJ đều tăng trong năm 2020. Từng khoản chi phí này tăng thêm không nhiều, nhưng việc tăng “toàn diện” hầu hết các khoản chi phí cơ bản cũng tạo ra một hiệu ứng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung. Đây cũng sẽ là áp lực không nhỏ cho đại gia ngành vàng bạc trong năm 2021 khi vừa phải đẩy mạnh kinh doanh, mở rộng thị trường, vừa phải giải bài toán tiết giảm chi phí để tăng hiệu quả lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận