PMI Trung Quốc hồi mạnh, chứng khoán đại lục ăn theo
Chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch chiều 31/3 do thị trường vẫn nặng tâm lý lo sợ dịch Covid-19 ngày càng lan rộng.
Đón tin vui ngành sản xuất chế tạo khởi sắc trong tháng 3, chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay ghi nhận sắc xanh, với chỉ số Shanghai Composite nhích 0,42% còn Shenzhen Composite tăng 0,806%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng mạnh hơn với 1,09%.
Trung Quốc hôm nay 31/3 công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực chế tạo trong tháng 3 đạt 52,0 điểm. Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động chế tạo của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mở rộng và trái với dự đoán chỉ số PMI lĩnh vực này sẽ sụt giảm. Trước đó, các nhà phân tích dự báo với Reuters rằng chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc chỉ đạt 45 điểm trong tháng 3.
Kênh truyền hình CNBC dẫn lời các chuyên gia kinh tế tập đoàn ngân hàng ANZ cho biết, dù các chỉ số PMI tháng 3 của Trung Quốc (PMI lĩnh vực chế tạo: 52,0 điểm và PMI lĩnh vực phi chế tạo: 52,3), nhưng các chỉ số như sản xuất công nghiệp và bán lẻ trong tháng 3 có thể vẫn giảm lần lượt 11,6% và 6,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chỉ số PMI tháng 3 của Trung Quốc vượt lên mức 50 điểm là điều không đáng ngạc nhiên nếu nhớ lại PMI tháng 2 lao dốc rất kịch tính xuống mức thấp trong 15 năm qua, các chuyên gia ANZ bình luận.
Triển vọng chỉ số PMI trong quý II/2020 của Trung Quốc mới đáng ngại khi nhu cầu nội địa mờ nhạt còn nhu cầu bên ngoài giảm mạnh do dịch Covid-19 đang càn quét trên toàn cầu.
Trong tháng 2, chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo đã lao đáy kỷ lục còn 35,7 điểm khi nước này vật lộn với dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và buộc phải “khóa chặt” các hoạt động kinh tế.
Giới đầu tư hiện nay tiếp tục theo dõi sát sao các số liệu kinh tế Trung Quốc để đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế nước này.
Trở lại với thị trường chứng khoán, Hàn Quốc dẫn đầu sóng tăng điểm trong phiên giao dịch chiều nay 31/3 với chỉ số Kospi tăng 1,71% còn chỉ số Kosdaq vọt lên 4,14%.
Trong khi đó, chứng khoán Australia ngược sóng với khu vực với chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,91%, còn thị trường Nhật Bản chiều nay rơi vào vùng tiêu cực với chỉ số Nikkei 225 giảm 0,63% còn chỉ số Topix giảm 1,78%. Tuy nhiên, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn tăng 1,08%.
Sau phiên trượt dốc hôm 30/3, giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đã quay đầu với dầu thô Brent giao kỳ hạn quốc tế tăng giá 1,67% lên 23,14 USD/thùng, còn giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ bật tăng 5,79% lên 21,29 USD/thùng. Trước đó, giá dầu trượt sâu chưa từng thấy trong gần 2 thập kỷ qua khi dầu thô Brent trượt giá tới 8,7% về 22,76 USD/thùng và dầu thô Mỹ giảm 6,6% xuống 20,09 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002.
Thị trường tiền tệ hôm nay ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt nhẹ từ mốc 100 thiết lập cuối tuần trước về 99,345. Đồng yên Nhật Bản mất giá và giao dịch ở mức 108,38 JPY/USD; trái lại, đô la Australia lên giá và trao tay ở mức 1 AUD/0,6178 USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận