24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

PMI thấp xuống tháng thứ hai liên tiếp, chỉ còn 50,6 điểm trong tháng 1/2020

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam vừa được công ty cung cấp dữ liệu thị trường toàn cầu IHS Markit công bố, cho thấy xu hướng mất điểm vẫn tiếp diễn trong tháng đầu năm 2020.

“Tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến sự cải thiện khiêm tốn về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng với tốc độ vừa phải, nhưng sản lượng đã giảm và số lượng nhân công chỉ tăng nhẹ. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã lấy lại được đà tăng nhưng vẫn còn thấp, trong khi giá cả đầu ra tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp,” báo cáo của IHS Markit khái quát.

PMI tháng 1 đạt 50,6 điểm

Tuy nhiên, PMI của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 1 vẫn ở mức cao hơn ngưỡng không thay đổi 50 điểm khi đạt mức 50,6 điểm sau khi đạt 50,8 điểm trong tháng 12 năm ngoái.

“Chỉ số này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất vào đầu năm 2020 tiếp tục cải thiện ở mức khiêm tốn”, báo cáo đánh giá.

Nhân tố hỗ trợ cải thiện các điều kiện kinh doanh tổng thể là số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng ở mức vừa phải. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong tháng 12.

Nhưng mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, sản lượng ngành sản xuất giảm trong tháng 1. Sản lượng đã giảm bốn tháng trong năm tháng qua, nhưng tốc độ giảm vẫn là nhẹ.

“Sự kết hợp của số lượng đơn đặt hàng mới tăng và sản lượng giảm đã làm cho một số công ty sử dụng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng các đơn đặt hàng mới. Kết quả là, hàng tồn kho sau sản xuất đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng”, theo IHS Markit.

Mặc dù vậy, các công ty vẫn báo cáo tăng lượng công việc tồn đọng. Đây là lần tăng thứ năm trong năm tháng, mặc dù chỉ là nhẹ.

Số lượng nhân công tăng nhẹ trong tháng 1, với tốc độ tạo việc làm là chậm nhất trong thời kỳ tăng việc làm kéo dài ba tháng gần đây.

Các nhà sản xuất đã mở rộng hoạt động mua hàng với tốc độ nhanh hơn một chút trong tháng 1. Mặc dù mua hàng đầu vào tăng, tồn kho hàng mua hầu như không thay đổi khi một số người trả lời khảo sát hạn chế hàng tồn kho tương ứng với nhu cầu sản lượng thấp hơn.

Giá cả đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất trong tám tháng, mặc dù mức tăng là vẫn chậm. Chi phí hàng hoá nhập khẩu tăng và tình trạng khan hiếm nguồn cung được cho là nguyên nhân cho lần tăng mới đây.

Những vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu cũng góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp lần thứ hai liên tiếp, mặc dù mức độ chỉ là nhỏ.

Với chi phí đầu vào tăng, các công ty đã tăng giá cả đầu ra tương ứng. Giá bán hàng tăng được ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng khiêm tốn gần như ngang bằng với mức tăng trong tháng 12.

Đáng chú ý, mức độ lạc quan về triển vọng sản xuất 12 tháng vào đầu năm đã cải thiện và là mức cao nhất trong ba tháng. Thái độ tích cực chủ yếu phản ánh dự đoán số lượng đơn đặt hàng mới tăng và việc đưa ra các sản phẩm mới.

“Chỉ số PMI mới nhất của Việt Nam tiếp tục cho thấy những tin tức tích cực về số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất. Mặc dù vậy, các công ty có vẻ như có mức tăng sản lượng bị chững lại, từ đó họ muốn sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng của khách hàng. Tuy nhiên, tình trạng này dường như sẽ thay đổi sớm nếu số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục nằm trong kênh tăng”, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam.

“Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có vẻ như sẵn sàng tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong năm 2020, từ đó giúp hỗ trợ tăng trưởng ấn tượng trong toàn bộ nền kinh tế. IHS Markit dự báo sản xuất công nghiệp tăng 7,9% trong năm 2020”, Andrew Harker nói thêm.

PMI lĩnh vực sản xuất ASEAN vẫn dưới 50 điểm

“Lĩnh vực sản xuất ASEAN vẫn khó khăn trong giai đoạn suy thoái vào đầu năm 2020 khi chỉ số PMI cho thấy các điều kiện hoạt động suy giảm tháng thứ tám liên tiếp”, Lewis Cooper, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, nói.

Tuy nhiên, tốc độ giảm là chậm nhất kể từ khi giai đoạn suy thoái gần đây bắt đầu vào tháng 6/2019 và nhìn chung chỉ là nhẹ.

Theo dữ liệu của IHS Markit, chỉ số PMI toàn phần ASEAN đã tăng từ 49,7 điểm trong tháng 12/2019 lên 49,8 điểm trong tháng 1/2020, báo hiệu sức khỏe lĩnh vực sản xuất ASEAN tiếp tục suy giảm - mức điểm sát với 50 nhất trong thời kỳ suy giảm kéo dài tám tháng gầy đây.

PMI thấp xuống tháng thứ hai liên tiếp, chỉ còn 50,6 điểm trong tháng 1/2020

Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng góp phần làm tăng kết quả chỉ số PMI, với sản lượng tăng lần đầu tiên kể từ tháng 6 trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng liên tục.

Tuy nhiên, nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số là số lượng nhân công tiếp tục giảm, tồn kho hàng hóa đầu vào giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, và thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã được cải thiện nhẹ.

Với từng nước, Myanmar có kết quả hoạt động tốt nhất trong số bảy quốc gia được khảo sát, như đã diễn ra trong suốt 12 tháng qua. Chỉ số toàn phần của Myanmar (52,7 điểm) cho thấy các điều kiện hoạt động cải thiện mạnh mẽ sau khi mất đà tăng vào tháng 12.

Philippines cũng ghi nhận có tăng trưởng khi chỉ số toàn phần (52,1 điểm) đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2019, từ đó báo hiệu sức khỏe của lĩnh vực sản xuất cải thiện ở mức vừa phải dưới tác động của số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.

Trong khi đó, Việt Nam dù có tháng thứ ba liên tiếp cải thiện điều kiện hoạt động trong tháng 1 nhưng chỉ số toàn phần (50,6 điểm) cho thấy mức tăng trưởng chỉ là nhẹ và là thấp nhất trong vòng sáu năm qua.

Các điều kiện sản xuất ở Thái lan gần như đình trệ vào đầu năm, với chỉ số toàn phần giảm còn 49,9 điểm trong tháng 1.

Indonesia tiếp tục suy thoái tháng thứ bảy liên tiếp, mặc dù chỉ số toàn phần (49,3 điểm) cho thấy tốc độ giảm chỉ là nhẹ.

Trong khi đó, Singapore có các điều kiện hoạt động tiếp tục suy giảm trong tháng 1, mặc dù tốc độ giảm là chậm nhất trong thời kỳ 18 tháng gần đây (chỉ số toàn phần là 49,2 điểm), cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất chỉ suy giảm nhẹ.

Malaysia có tốc độ suy giảm mạnh nhất trong bảy quốc gia khảo sát. Chỉ số toàn phần (48,8 điểm) là thấp nhất kể từ tháng 9/2019, mặc dù nó chỉ cho thấy một tốc độ suy giảm nhẹ.

“Nhìn chung, dữ liệu tháng 1 cho thấy kết quả hoạt động giảm sút của lĩnh vực sản xuất ASEAN. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy triển vọng tốt lên, với sản lượng tăng lần đầu tiên trong bảy tháng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng liên tục”, theo IHS Markit.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả