Phương án đầu tư Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Dư địa khá lớn cho nhà đầu tư trong nước
Chính phủ vẫn để dư địa khá lớn cho các nhà đầu tư trong nước tiếp tục tham gia Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP.
Đề xuất nâng số dự án thành phần đầu tư công tại Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông lên 6, nhưng Chính phủ vẫn để dư địa khá lớn cho các nhà đầu tư trong nước tiếp tục tham gia theo hình thức PPP.
Phương án hợp lý
Liên quan đến phương án đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông) vừa được Chính phủ trình Quốc hội cuối tuần trước, PGS-TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI) đánh giá: “Phương án 6 dự án thành phần nhận vốn đầu tư công và 5 dự án còn lại tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP sẽ giúp Chính phủ đạt được mục tiêu kép là giải quyết được khó khăn về huy động vốn tín dụng, đẩy nhanh khối lượng vốn đầu tư công, nhưng vẫn giữ được dư địa đáng kể cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp Dự án theo hình thức xã hội hóa”.
Trước đó, giữa tháng 6/2020, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương để đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó có 8 dự án thành phần được Quốc hội xác định là sẽ đầu tư theo hình thức PPP.
Được biết, tại Tờ trình số 282/TTr-CP gửi Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện 3 dự án thành phần đầu tư công gồm các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và 5 dự án thành phần theo hình thức PPP là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo tinh thần Nghị quyết số 52/2017/QH14.
Các dự án thành phần xin chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư 100% vốn đầu tư công gồm 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và 2 dự án quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63 km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, phương án này đã được Chính phủ cập nhật theo đúng ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 29/5/2020 và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45.
Trên cơ sở cập nhật các chi phí đầu tư, loại bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng (với các dự án chuyển đổi sang đầu tư công), cập nhật chi phí giải phóng mặt bằng, tổng mức đầu tư Dự án theo phương án đầu tư mới là 100.861 tỷ đồng, giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với phương án được duyệt trong bước nghiên cứu tiền khả thi.
Tính toán sơ bộ cho thấy, vốn huy động ngoài ngân sách thực hiện Dự án là 22.355 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia là 78.461 tỷ đồng, bao gồm 55.000 tỷ đồng thuộc Kế hoạch Đầu tư vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 52; phần còn thiếu (23.461 tỷ đồng) sẽ được Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng Luật Đầu tư công.
Tại thời điểm tháng 10/2020, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần (3 dự án đầu công, 8 dự án PPP) theo phương án đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52. Tổng mức đầu tư Dự án lúc đó là 102.513 tỷ đồng, giảm 16.203 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được xác định tại Nghị quyết số 52.
“Suất vốn đầu tư và tổng mức đầu tư của Dự án cao tốc Bắc - Nam sau thiết kế kỹ thuật sẽ tiếp tục giảm so với dự toán ban đầu do giá nhiều loại vật liệu đầu vào đã giảm, đặc biệt là chi phí nhiên liệu và một số loại vật tư chiếm tỷ trọng lớn, có giá tri cao như nhựa đường. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư Dự án cũng sẽ giảm do áp dụng định mức mới, bản vẽ thiết kế ở các bước sau ngày càng chặt chẽ hơn”, ông Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết.
“Khẩu vị lạ” của nhà đầu tư nội
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, ngoài đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư, trong quá trình lựa chọn dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công, cơ quan chức năng đã bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các yêu cầu: tính cấp thiết, cấp bách; đảm bảo tính kết nối liên tục, trong đó ưu tiên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu thành công.
Nếu xét theo nhu cầu vận tải và tính kết nối với các đầu tàu kinh tế, các dự án PPP thành phần được lựa chọn ưu tiên từ cao xuống thấp là Dầu Giây - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Diễn Châu - Bãi Vọt; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Nha Trang - Cam Lâm và Nghi Sơn.
“Các đoạn tuyến kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, TP.HCM thường có nhu cầu vận tải rất lớn, cần ưu tiên đầu tư nhằm tạo động lực, sức lan tỏa cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải.
Quá trình sơ tuyển quốc tế và sơ tuyển trong nước tại 8 dự án PPP thành phần cho thấy, “khẩu vị” của nhà đầu tư quốc tế và nhà đầu tư trong nước có sự khác biệt rất lớn. Các nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực về tài chính quan tâm đến việc kinh doanh vốn qua các dự án có nhu cầu vận tải cao (mức vốn tham gia của Nhà nước thấp), trong đó đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có mức vốn góp từ ngân sách nhà nước là 17%, nhưng có đến 9 nhà đầu tư tham gia; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có mức vốn ngân sách nhà nước khoảng 24% nhưng có 11 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
Ngược lại, các nhà đầu tư trong nước lại dồn sự chú ý về các dự án thành phần có mức vốn nhà nước tham gia lớn như đoạn Nha Trang - Cam Lâm (vốn ngân sách nhà nước chiếm 66%), Cam Lâm - Vĩnh Hải (ngân sách nhà nước chiếm 68%) có từ 5 - 9 nhà đầu tư quan tâm. Các nhà đầu tư nội gần như không quan tâm đến các dự án có vốn ngân sách nhà nước thấp như Mai Sơn - Quốc lộ 45- Phan Thiết - Dầu Giây.
“Phần lớn các nhà đầu tư nội là các nhà thầu xây lắp không mạnh về năng lực tài chính. Họ sẽ rất rụt rè tại các dự án thành phần phải vay vốn thương mại nhiều, nhất là trong bối cảnh việc tiếp cận vốn tín dụng dài hạn hiện rất khó khăn”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết.
Trên thực tế, không có nhà đầu tư trong nước nào tỏ ra quá tiếc nuối với việc mất cơ hội tham gia đầu tư tại 3 dự án PPP thành phần dự kiến chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
“Dù việc thay đổi chủ trương đầu tư đối với 3 dự án này có thể gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư các dự án PPP, nhưng về phía nhà đầu tư, tôi khẳng định, không bị thiệt hại gì về tài chính. Bởi thực chất, các dự án cao tốc Bắc - Nam đang ở bước sơ tuyển, chúng tôi chỉ mất công tìm hiểu, nghiên cứu hồ sơ. Chỉ khi nào các dự án bước vào giai đoạn đấu thầu, nhà đầu tư phải huy động tiền để đặt cọc và Nhà nước thay đổi chủ trương thì lúc đó nhà đầu tư mới bị thiệt hại về tài chính”, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết.
Cũng tại Tờ trình số 282, Chính phủ trình Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ các dự án thành phần tuân thủ quy định pháp luật, trong đó các dự án thành phần đầu tư công hoàn thành trong năm 2022, riêng Dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023, các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP hoàn thành trong năm 2023; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án PPP thành phần trong trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng kể từ thời điểm ký kết hợp đồng, nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án.
Dù không đề cập trực tiếp việc hình thức lựa chọn nhà thầu cho 3 dự án PPP chuyển đổi sang đầu tư công, nhưng Chính phủ cho biết, sẽ triển khai các dự án theo đúng quy định pháp luật. Hiện Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm cần đấu thầu rộng rãi trong nước đối với toàn bộ các gói thầu xây lắp sử dụng vốn đầu tư công tại Dự án, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch.
Được biết, trong văn bản gửi Thủ tướng cuối tháng 4/2020, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng, nếu chỉ định cho doanh nghiệp quốc phòng, sẽ không đảm bảo cạnh tranh về giá và cũng không có gì đảm bảo là công trình về đúng tiến độ, không đội giá thành.
Ngoài ra, công trình đường cao tốc, mỗi đoạn dài hàng trăm km, đồng loạt triển khai, sẽ cần lực lượng lao động, thiết bị rất lớn, buộc các doanh nghiệp quốc phòng cũng phải thuê lại các doanh nghiệp dân sự làm thầu phụ. “Chính công đoạn thuê thầu phụ này là khâu khó kiểm soát, có thể là kẽ hở gây thất thoát, tăng vốn công trình, chậm tiến độ”, lãnh đạo Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho biết.
Sẽ thu phí sử dụng đường bộ 6 dự án thành phần đầu tư công
Trong Tờ trình số 282, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước tại các dự án thành phần đầu tư công để có vốn tái đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn khác, giảm áp lực về nguồn vốn quản lý, bảo trì và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên Quốc lộ 1 và tuyến song hành.
Trong Báo cáo kết quả thẩm định số 3052/BC - HĐTĐNN ngày 11/5/2020, Hội đồng Thẩm định nhà nước cho rằng, trên thế giới, việc bán, nhượng quyền thu phí có kỳ hạn các tuyến đường cho nhà đầu tư tư nhân là xu thế tất yếu và đã trở nên khá phổ biến. Hội đồng đề nghị Bộ GTVT sơ bộ xác định mô hình và phương án thu hồi vốn nhà nước. Trong bước tiếp theo, thực hiện xây dựng cơ chế chính sách thu hồi vốn nhà nước phù hợp, bảo đảm hợp lý đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và ý kiến chỉ đạo của Quốc hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận