menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
TS Hồ Quốc Tuấn

Phục hồi kinh tế: Hãy xem lại “mục tiêu kép”

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, Việt Nam vẫn kiên định chống dịch với mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội". Tuy nhiên, những diễn biến hiện tại có lẽ đang khiến nhiều người nghĩ lại vì có dấu hiệu dịch đã lây lan âm thầm vào cộng đồng, nhất là ở những thành phố lớn.

Nhìn từ nước Anh

Ở Anh nơi tôi đang sinh sống, thực tế mở ra cho tôi góc nhìn khác. Đây là vài con số: 80% người dân Anh đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine (Astrazeneca, Pfizer và Moderna). Trên 55% người dân đã tiêm 2 liều ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6, bất chấp tỷ lệ tiêm vaccine cao như vậy, số người mắc bệnh vượt quá 10.000 ca/ngày.

Như vậy người ta dễ đi đến kết luận vaccine không hiệu quả, chích vaccine rồi vẫn bệnh thì có tác dụng gì? Khoan hãy kết luận như vậy đã. Hãy nhìn vào số tử vong bất thường (excess death) trong đồ thị, cho thấy số người chết cao hơn mức bình thường ước tính trong điều kiện không có Covid.

Điều đáng chú ý, con số này đã trở lại âm trong tháng 5, có nghĩa là số người chết hiện tại ở Anh thấp hơn cả trong tình trạng bình thường không có Covid, mặc cho số ca đã tăng lại từ 2.000 lên đến hơn 10.000 ca/tuần hiện tại. Vì sao?

Có mấy nguyên nhân: (1) Người tiêm vaccine nhiễm bệnh nhưng không bị trở nặng.

(2) Hệ thống y tế của Anh đã được nâng cấp, bao gồm sử dụng lực lượng y tế dự phòng và những người rời khỏi ngành y giờ quay lại, đồng thời ngân sách tăng chi cho hệ thống y tế công (NHS).

(3) Những người sức khỏe yếu, dễ bị nhiễm bệnh nằm trong số 128.000 người thiếu may mắn, hoặc số tử vong bất thường không được tính do Covid.

(4) Anh vẫn duy trì giãn cách xã hội nhất định, nhiều nơi vẫn yêu cầu đeo khẩu trang. Nhờ 4 yếu tố này, dù số ca bệnh ở Anh tăng cao nhưng số người chết do Covid vẫn chỉ hơn chục người/ngày.

Cái giá phải trả để đạt đến mức này ở Anh dĩ nhiên rất lớn. Ngoài 128.000 người chết, Anh bị đánh tụt hạng tín nhiệm về an toàn tài chính, thâm hụt ngân sách lại tăng cao, ước tính tổn thất GDP làm mất tăng trưởng khoảng nửa thập niên.

Vì vậy, có thể nói dù số ca nhiễm Covid tăng cao, Anh đang có vẻ đi đúng đường để quay lại trạng thái gần bình thường, với cái giá về nhân mạng và kinh tế khổng lồ.

Từ đó có thể thấy, khi con virus có dấu hiệu lây lan vào cộng đồng một cách âm thầm, Việt Nam không thể không trả giá gì mà chống dịch được nữa. Có nghĩa chúng ta không thể kiên trì hô hào khẩu hiệu “mục tiêu kép” một cách mù quáng nữa.

Một số người quen của tôi cho rằng Việt Nam phải chống dịch kiểu khác, nếu không kinh tế sẽ không chịu nổi. Tình trạng doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp đáng báo động. Nhiều người nói hệ thống y tế công cộng Việt Nam ngày thường đã căng thẳng, nay chống dịch không siết chặt, cho mở “hé hé” làm kinh tế, lỡ lây ra các cơ sở y tế nhiễm bệnh phải phong tỏa, tổn thất nhân mạng khi đó sẽ rất lớn.Lựa chọn khó khăn

Bên cạnh đó, Việt Nam mới có mấy trăm ngàn liều vaccine, trong khi Anh và một số nước đã tiêm chủng gần xong cho dân, đang đặt tiếp cả trăm triệu liều vaccine cho vòng tiêm tiếp theo. Họ đã đặt những lô hàng bổ sung này nhiều tháng trước. Chúng ta đi sau mà hy vọng sẽ lấy được vaccine trước họ?

Tóm lại, hy vọng Việt Nam có đủ số vaccine để tiêm chủng 80% dân trở lên trong 1-2 tháng nữa là không thực tế. Tiêm chưa đủ số, tác động của vaccine sẽ rất hạn chế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có 2 lựa chọn. Thứ nhất, mở cửa hoạt động kinh tế trong điều kiện giãn cách xã hội nới lỏng nhất định. Số ca bệnh nhiều khả năng tăng nhanh. Nhưng ít ra người dân có đồng ra đồng vô để sống, nhất là giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế xã hội cũng như sức khỏe tinh thần của người dân.

Giãn cách xã hội chặt kéo dài nhiều khả năng sẽ gây tổn thương lên sức khỏe tinh thần của người dân như nhiều nghiên cứu ở các nước đã chỉ ra.

Thứ hai, giãn cách xã hội chặt trong thời gian đủ dài để đảm bảo không quá tải hệ thống y tế. Việt Nam có mật độ dân số cao, khó tổ chức làm việc tại nhà hiệu quả cho nhiều ngành (thí dụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động), nên đây là giải pháp có thể kiểm soát số ca nhiễm trong khả năng chống chịu của hệ thống y tế. Đánh đổi lại là tổn thất kinh tế lớn.

Không có giải pháp đạt “mục tiêu kép” lúc này, bởi Việt Nam đã đi qua giai đoạn đó khi các nguồn lây nhiễm từ cộng đồng ngày càng khó kiểm soát. Quan trọng lúc này là chọn mức điều chỉnh liều lượng cân bằng ra sao, ưu tiên cái gì.

Theo thông tin trên truyền thông, giải pháp hiện tại của Việt Nam có vẻ đang nghiêng về cách thứ 2, là giãn cách xã hội chặt chẽ trong tầm chịu đựng của hệ thống, hệ lụy đi kèm là tổn thất kinh tế ngày một lớn. Nhưng nếu “bung” ra để nền kinh tế "sống được", chắc chắn số ca sẽ tăng lên mạnh.

Vấn đề là không có giải pháp đạt “mục tiêu kép” lúc này nữa. Việt Nam đã đi qua giai đoạn đó khi các nguồn lây nhiễm từ cộng đồng ngày càng khó kiểm soát. Quan trọng lúc này là chọn mức điều chỉnh liều lượng cân bằng ra sao, ưu tiên cái gì.

Kinh nghiệm của Anh, Mỹ, EU là thực thi các gói chi tiêu công của chính phủ, thực hiện giãn cách xã hội đủ để kiểm soát dịch trong khả năng ứng phó của hệ thống y tế, đồng thời có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do giãn cách xã hội.

Nhưng muốn làm vậy phải tăng chi tiêu công, tăng vay nợ công và trong tương lai phải tăng thuế. Việt Nam nếu không muốn tăng gánh nặng nợ công, cũng không muốn hy sinh kinh tế thì phải hy sinh sức khỏe cộng đồng (và ngược lại). Mức độ hy sinh tùy liều lượng tính toán. Đây quả là sự lựa chọn khó khăn.

Nếu được lựa chọn, tôi sẽ bỏ phiếu cho tăng vay nợ, tăng chi tiêu công qua hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp (miễn thuế, vay ưu đãi) để giảm bớt sức ép phải nới lỏng giãn cách xã hội. Nhưng tôi nghe nói người ta vừa đánh thêm một số loại thuế.

Cụ thể từ 1-8 tới theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính, các ngành cắt tóc, gội đầu, giặt là, may đo... nằm trong danh sách chịu 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Khi dịch qua đi tất nhiên phải tăng thu thuế để lấy lại an ninh tài chính. Nhưng tuyệt đối không nên tăng thuế lúc này.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
TS Hồ Quốc Tuấn

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.
3 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại