PHP - Thời thế chưa đến
CTCP Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định và tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, giới phân tích dự kiến phải đến năm 2022 khi Cảng Lạch Huyện bắt đầu đi vào hoạt động thì PHP mới thực sự trở nên hấp dẫn đối với cộng đồng đầu tư.
Triển vọng ngành khá tích cực
Dù có tác động của dịch Covid-19, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển không bị tác động nhiều, vẫn có xu hướng tăng, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với trung bình của thời gian trước. Đây được xem là tín hiệu tốt cho ngành cảng biển.
Cụ thể, theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, từ đầu năm đến hết tháng 4, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 218.5 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 57.2 triệu tấn, tăng 15%; hàng nhập khẩu đạt gần 67 triệu tấn, tăng 7%; hàng nội địa đạt gần 92 triệu tấn, bằng với cùng kỳ năm 2019.
Khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 4 tháng đạt hơn 6.7 triệu TEUs, tăng 11% so với năm 2019. Trong dó, hàng xuất khẩu đạt hơn 2.2 triệu TEUs, tăng 9%; hàng nhập khẩu đạt 2.2 triệu TEUs, tăng 6%; hàng nội địa đạt gần 2.3 triệu TEUs, tăng 18%.
Mặt khác, việc Hiệp định EVFTA được thực thi trong thời gian tới cũng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu trở nên sôi động hơn. Đồng thời giúp sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Tình hình các cảng của PHP
Cụ thể, theo đề án di dời khu cảng Hoàng Diệu, giai đoạn 1, việc di dời sẽ thực hiện theo tiến độ cầu Hoàng Văn Thụ, các cầu cảng số 9, 10, 11 hiện đã tạm ngừng khai thác do xây dựng cầu. Hiện tại, lượng hàng hóa tại ba cầu cảng này đang được dồn về bốc dỡ tại cầu cảng từ 1-8 và một phần bến cảng Chùa Vẽ.
Giai đoạn 2 được tiến hành theo tiến độ cầu Nguyễn Trãi. Cây cầu này được dự kiến sẽ đầu tư xây dựng sau năm 2021 và hoàn thành năm 2024, và ảnh hưởng đến các cầu cảng từ 1-8, sản lượng hàng dự kiến sẽ sụt giảm 8 triệu tấn/năm. Lượng hàng hóa sẽ được dịch chuyển về bến cảng Chùa Vẽ và về các bến khác trên sông Cấm.
Dự án gồm 2 bến container số 3, 4 với tổng chiều dài 750m, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải 100,000 DWT. Xây dựng 1 bến sà lan tiếp nhận tàu với sức chứa 100-160 TEUs, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 1.1 triệu TEUs/năm. Tổng mức đầu tư dự án rơi vào khoảng 6,946 tỷ đồng, trong đó 45% là vốn của doanh nghiệp, còn lại là vốn vay tín dụng.
Dự án sẽ được khởi công xây dựng từ năm 2020 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2025. Trong đó, bến số 3 dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2022. Giới phân tích đánh giá cảng Lạch Huyện sẽ là cảng chủ lực của PHP trong tương lai do cảng này sở hữu vị trí khá đắc địa.
Kết quả kinh doanh không có nhiều biến động
Năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PHP đạt 2,117 tỷ và 388 tỷ, chỉ tăng nhẹ 3.47% và 5.72% so với năm 2018. Xét trong giai đoạn 2015-2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này gần như đi ngang. Đây cũng là lý do khiến cho PHP chưa thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.
Kết quả kinh doanh quý 1/2020, PHP ghi nhận doanh thu thuần đạt 446.5 tỷ giảm 8.1%; trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt 97.3 tỷ, tăng 26% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân chủ yếu là bởi PHP thay đổi cách hạch toán, ghi nhận lãi dự thu tiền gửi tiết kiệm ngân hàng theo tháng thay vì hạch toán 6 tháng/lần như trước đây.
Định giá cổ phiếu
Mức P/E trung bình của nhóm cổ phiếu cùng ngành là 7.72 lần. Mặt khác, P/E của PHP hiện cũng đang giao động quanh mức này.
Với tỷ trọng tương đương giữa hai phương pháp P/E và DDM, chúng ta tính được mức định giá hợp lý của PHP là 11,073 đồng.
Như vậy, nhà đầu tư có thể canh mua cho mục tiêu đầu tư dài hạn nếu giá cổ phiếu rớt xuống dưới mức 8,800 (chiết khấu 20% so với giá trị định giá).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận