Phồng tôm Bích Chi lên sàn, giá bao nhiêu hợp lý?
Sau nhiều lần đánh tiếng, thậm chí chờ “VN-Index lên 800 điểm” sẽ lên sàn chứng khoán, mới đây Phồng tôm Bích Chi đã gửi hồ sơ niêm yết hơn 18 triệu cổ phiếu lên HNX.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, mới nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 18 triệu cổ phiếu của CTCP Thực phẩm Bích Chi (Bich Chi Food Company).
Tính tới cuối quý II/2019, tổng tài sản Bích Chi đạt 280 tỷ đồng, vốn điều lệ công ty đạt 183,34 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Phạm Thanh Bình nắm giữ trực tiếp 14,2% vốn điều lệ công ty.
Trước đó, trong năm 2018, doanh thu Bích Chi đạt 490 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 39 tỷ đồng.
Sản phẩm Bích Chi hiện không chỉ ở trong nước mà đã xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Trong năm 2018, hoạt động xuất khẩu mang về 61% doanh thu cho Bích Chi.
Bích Chi đã từng nộp hồ sơ niêm yết lên HNX từ năm 2010 nhưng sau đó “bặt tin”, cũng từng nhiều lần cho biết về kế hoạch lên sàn chứng khoán, thậm chí còn chờ "VN-Index lên 800 điểm" sẽ lên sàn chứng khoán.
Doanh nghiệp này cũng từng đánh tiếng mua cổ phần đối thủ cùng ngành là Sa Giang (mã SGC) khi nhà nước thoái vốn, tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa được Bích Chi thực hiện khi SCIC công bố thoái vốn khỏi Sa Giang mới đây.
Cụ thể, tháng 7/2019, SCIC đã đăng ký bán 3,5 triệu cổ phiếu, tương đương 49,89% vốn điều lệ tại Sa Giang tuy nhiên không có nhà đầu tư nào quan tâm đăng ký mua.
Thời điểm này, cổ phiếu SGC giao dịch quanh mức 129.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá khởi điểm của SCIC đưa ra (111.700 đồng/cổ phiếu). Tính theo giá khởi điểm, vốn hóa Sa Giang xấp xỉ 800 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, Sa Giang, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 71 tỷ đồng là đối thủ cùng phân khúc, quy mô khá tương đồng với Bích Chi. 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Sa Giang ghi nhận 157 tỷ đồng, tăng 13%, lợi nhuận sau thuế đạt được tăng mạnh từ 9,8 tỷ lên 16,1 tỷ đồng, tăng 64%.
Lý giải về việc lợi nhuận tăng cao, Sa Giang cho biết, quý II/2019 giá nguyên vật liệu chính thấp hơn quý II/2018 dẫn đến giảm giá thành, làm tăng lợi nhuận. Đồng thời do Sa Giang áp dụng giá bán mới, cùng với tỷ giá USD tăng làm tăng doanh thu hàng xuất khẩu nên tăng lợi nhuận.
Sa Giang xuất khẩu sản phẩm tới hơn 40 quốc gia và tỷ trọng xuất khẩu hiện chiếm 55% cơ cấu doanh thu. Lãnh đạo Sa Giang từng cho biết sẽ chú trọng hơn thị trường trong nước bởi đây là thị trường có biên lợi nhuận tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận