Phố Wall “all-in” vào xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm 2024
Sau vài năm gần đây có lập trường đối lập, giới giao dịch trên Phố Wall và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giờ lại đồng thuận rằng sắp diễn ra xu hướng đảo chiều lớn trong chính sách tiền tệ, khi nền kinh tế lớn nhất chuẩn bị cho một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng chưa từng có.
Đó là viễn cảnh được vẽ ra sau khi Fed phát đi tín hiệu rất rõ ràng rằng chu kỳ thắt chặt chính sách lịch sử của họ đã kết thúc thông qua việc dự kiến giảm mạnh lãi suất vào năm 2024. Tín hiệu này đã giúp thị trường chứng khoán có một trong những đợt tăng mạnh mẽ, nhất sau mỗi lần Fed họp chính sách.
Hầu như không có ngóc ngách nào của thị trường tài chính là không tăng giá trong phiên 13/12: Cổ phiếu toàn cầu tăng vọt, trái phiếu chính phủ Mỹ ghi nhận ngày tăng mạnh nhất kể từ tháng 3, tiền tệ thế giới tăng giá so với đồng USD và trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng giá.
Với tâm lý phấn khích, các nhà giao dịch phần lớn đều tuyên bố ông Jerome Powell đã thành công đẩy lùi lạm phát mà vẫn đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng. Điều này trở thành động lực thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư vào cả tài sản an toàn và rủi ro.
Adam Sarhan, nhà sáng lập của 50 Park Investments, cho biết: “Đây là một sự thay đổi rất lớn ở Phố Wall, với chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ sắp kết thúc và Fed không còn coi lạm phát là kẻ thù số 1 nữa”.
Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng đợt tăng giá ngày 13/12 sẽ kéo dài. Các thị trường đã nhiều lần đặt cược Fed cắt giảm lãi suất trong hai năm qua, và cuối cùng họ bị mắc kẹt khi Fed mãi không thay đổi chiến lược.
Trong cuộc họp mới nhất, các quan chức nhất trí giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5.25 – 5.5%, và ông Powell cho biết các quan chức sẵn sàng tăng lãi suất trở lại nếu lạm phát đi lên.
Không khó để tưởng tượng rằng sẽ có một vài bất ngờ về dữ liệu lạm phát hoặc việc làm trong những tháng tới và khiến các nhà giao dịch phải đảo ngược hướng đi. Song, có rất ít người ở Phố Wall bận tâm vì những lo ngại như vậy vào chiều phiên 13/12.
Chỉ số Dow Jones lên cao kỷ lục, trong khi S&P 500 tăng 1.4% trong phiên 13/12. Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc Dow Jones đang giao dịch trên mức giá trung bình 50 ngày của họ là khoảng 89%, cao nhất kể từ tháng 7. Trong khi đó, chỉ số Russell 2000, theo dõi giá của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, tăng hơn 3.5%, mức tăng lớn nhất trong một tháng qua. Xa hơn, chứng khoán khu vực Mỹ Latinh cũng tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 8.
Trong phiên giao dịch ngày 14/12 ở châu Á, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 4% kể từ tháng 8, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm 5 điểm cơ bản sau khi đã giảm hơn 30 điểm cơ bản trong phiên trước đó. Còn tại thị trường Mỹ, giá trái phiếu chính phủ Mỹ ghi nhận ngày tăng mạnh nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hồi tháng 3.
Kathy Jones - Giám đốc chiến lược về tài sản có thu nhập cố định của Charles Schwab, cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đã có một bữa tiệc. Trong triển vọng năm 2024, tôi khá lạc quan về trái phiếu”.
Tất cả loại tiền tệ trong nhóm G10 đều tăng giá so với đồng đôla Mỹ trong phiên 13/12, và tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ở châu Á vào ngày 14/12. Đồng forint của Hungary và rand của Nam Phi - những loại tiền tệ thường được coi là đại diện cho khẩu vị rủi ro ở các thị trường mới nổi - cũng tăng giá.
Các quỹ ETF theo dõi trái phiếu doanh nghiệp cấp đầu tư, trái phiếu rác và hàng hóa cũng tăng.
Nhìn chung, ngày 13/12 đánh dấu ngày tốt nhất sau cuộc họp chính sách của Fed đối với các loại tài sản trong gần 15 năm qua, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Các thị trường trên khắp thế giới sẽ có thêm nhiều cơ hội để đặt cược vào xu hướng trục xoay tiền tệ trong thời gian tới, với các cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh sẽ diễn ra vào ngày 14/12.
Tuy nhiên, với các dự báo hàng quý của Fed cho thấy ngân hàng trung ương kỳ vọng sẽ hạ lãi suất 75 điểm cơ bản vào năm tới, cuộc tranh luận giờ đây có thể trở thành: Phải chăng các nhà giao dịch đã đi quá xa, quá nhanh?
Chuyên gia Jeffrey Gundlach của DoubleLine Capital không nghĩ như vậy khi nói trên CNBC vào ngày 13/12 rằng ông kỳ vọng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ giảm xuống mức thấp 3% vào năm tới. “Chúng ta sẽ thấy đường cong lợi suất đảo ngược. Chúng ta sẽ thấy trái phiếu tiếp tục tăng giá”, ông nói.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận