Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng: Cơ sở để giãn 215.000 dân khỏi nội đô lịch sử
Giãn dân cư tại khu vực lõi nội đô ra các khu vực bên ngoài luôn là một bài toán khó. Hà Nội đã thực hiện giãn dân phố cổ từ cách đây 2 thập kỷ, nhưng đến nay số dân dời đi là một con số rất nhỏ. Đó là lý do khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi của việc giảm 215.000 dân ra khỏi nội đô lịch sử mà quy hoạch phân khu nội đô tại 4 quận đã đề ra.
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng xung quanh vấn đề này.
Một trong những mục tiêu chính của 6 đồ án quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô vừa được TP công bố là kéo giảm dân số tại khu vực này từ 887.411 người hiện tại xuống dự kiến còn 672.000 người vào năm 2030. Theo ông tính khả thi của mục tiêu này nằm ở đâu?
Cùng với đó, việc di dời các trụ sở bộ, ngành, trường học sẽ kéo theo một bộ phận người dân khoảng 100.000 người di chuyển theo. Ngoài ra, việc hình thành các khu đô thị mới bên ngoài khu vực nội đô cũng thu hút người dân di chuyển ra. Thực trạng, trên toàn bộ địa bàn quận Hoàn Kiếm trong 10 năm (từ năm 2009 đến 2019) dân số giảm gần 12.000 người; trong đó, khu vực thuộc ranh giới khu vực nội đô lịch sử (trong đê) 6 năm trở lại đây là một minh chứng rõ ràng nhất. Dân số trong khu vực này đã giảm mạnh với khoảng 20.000 người. Đây là sự di dời tất yếu trong quá trình phát triển đô thị, người dân đô thị có xu hướng chuyển dần ra khu vực bên ngoài nội đô...
Tuy nhiên, hiện có nhiều người vẫn băn khoăn cho rằng trong khi Đề án giãn dân phố cổ với việc di dời khoảng 27.000 người nhưng qua gần hai thập kỷ vẫn dậm chân tại chỗ. Vậy trong khoảng 10 năm tới mục tiêu di dời 215.000 dân liệu có hoàn thành, thưa ông?
- Như ta đã biết, khu vực 4 quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) có giá trị lịch sử lâu đời. Trong đó, khu vực quận Hoàn Kiếm và một phần quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng đã mang cấu trúc đô thị ổn định, có giá trị đặc trưng riêng và được xác lập bởi hệ thống HTXH và HTKT phục vụ cho một số lượng cư dân nhất định. Cùng với quá trình phát triển đô thị đã hút dân cư bên ngoài tập trung, tăng nhanh chóng trong khu vực này. Tạo áp lực, quá tải nghiêm trọng lên hệ thống HTXH và HTKT hiện hữu, trong khi không còn quỹ đất để phát triển. Mặt khác, do lịch sử để lại, tình trạng lấn chiếm, dân ở xen lẫn các di tích, trụ sở cơ quan, nhiều hộ dân chung sống trong một biển số nhà ngày càng tăng...
Tất cả yếu tố trên, dẫn tới nguy cơ phá vỡ giá trị cốt lõi di sản đô thị của Hà Nội. Do vậy, trong định hướng của các đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ở từng giai đoạn cụ thể, đều xác định việc kiểm soát quy mô dân số thích hợp là một trong các giải pháp chủ yếu, quan trọng để đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị khu nội đô lịch sử. Chính vì thế, Đề án giãn dân khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm được hình thành và triển khai thực hiện theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 27/6/1998 và quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên trong giai đoạn trước đây. Đề án này đã được nghiên cứu, luận giải, phân tích, rút ra những kinh nghiệm, bài học để đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát quy mô dân số trong quá trình nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị lần này. Như đã nêu ở trên, một phần quận Hoàn Kiếm, thuộc ranh giới khu vực nội đô lịch sử, trong 6 năm trở lại đây đã giảm khoảng 20.000 người (bình quân giảm trên 3000 người/năm), là một minh chứng rõ nét nhất về xu thế giảm dân số trong khu vực nội đô lịch sử.
Việc tính toán dự báo quy hoạch, kiểm soát giảm 215.000 người trong khu vực nội đô lịch sử trong vòng 10 năm, từ nay đến năm 2030 là có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đó là, việc quán triệt, xây dựng chính sách, thực hiện các giải pháp cụ thể, triển khai đồng bộ hiệu quả các Chương trình công tác lớn của Thành ủy Khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Trong thực tiễn, sẽ giảm số dân cơ học do việc di dời, định cư dân đến ở tại các khu đô thị mới nằm phía ngoài khu nội đô lịch sử, khi thực hiện GPMB để triển khai đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị trong khu vực nội đô lịch sử. Nhất là việc di dời GPMB phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông trong khu vực theo quy hoạch; di dời GPMB dân cư sử dụng, lấn chiếm các di sản, đất công… Số dân là công chức, viên chức sẽ có xu hướng tự dịch cư khi Chính phủ quyết tâm di dời trụ sở làm việc một số bộ, ngành Trung ương di dời đến khu vực mới tại Khu đô thị Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Đi đôi với việc hình thành các khu đô thị mới khang trang, hiện đại với đầy đủ hệ thống HTXH, tiện ích đô thị bên ngoài tuyến đường Vành đai 2 và bên tả ngạn Sông Hồng, sẽ tạo nên sức hút mạnh mẽ việc dịch cư của người dân ra ngoài khu vực nội đô lịch sử.
Với các giải pháp căn bản như vậy, thì việc giảm 215.000 người trong khu vực nội đô lịch sử trong vòng 10 năm là khả thi.
Để thu hút người dân dịch chuyển ra bên ngoài, thời gian tới TP cần chú trọng điều gì thưa ông?
- Trước nhất, cả hệ thống chính trị của TP cần triển khai thực hiện tốt các Chương trình công tác lớn của Thành ủy Khóa XVII, nhất là triển khai thực hiện Chương trình 03 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình 05 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, đẩy mạnh công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, tập trung triển khai phát triển mới hệ thống HTKT nói chung và các tuyến đường giao thông theo quy hoạch để tăng chỉ tiêu đất và giảm ách tắc giao thông. Đồng thời triển khai tạo quỹ đất và nhà để sẵn sàng tiếp nhận việc di dời, GPMB các hộ dân đến nơi ở mới, đảm bảo có đầy đủ hệ thống HTXH - HTKT, các tiện ích đô thị cũng như khả năng giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.
Thứ nữa là TP cần tập trung phát triển các khu đô thị mới ngoài vành đai 2. Trong đó, kiểm soát và có chế tài thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các khu đô thị mới đã giao cho các nhà đầu tư thực hiện mà chậm triển khai. Tiếp tục đẩy mạnh, kêu gọi đầu tư, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại. Đôn đốc, triển khai thực hiện tiếp nhận quỹ nhà ở bàn giao cho TP tại các dự án đầu tư khu đô thị mới theo quy định. Tập trung phát triển quỹ nhà ở xã hội, được xây dựng đồng bộ, hiện đại gắn với tạo kế sinh nhai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.
Cuối cùng là phát triển hệ thống giao thông kết nối hướng tâm và đường vành đai, phát triển hệ thống đường sắt đô thị, tạo lập đô thị theo mô hình TOD gắn với ga đường sắt. Phát triển hệ thống giao thông công cộng và triển khai các bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận