Phó Tổng giám đốc EVNFinance xin từ nhiệm sau hơn 1 năm ngồi "ghế nóng"
Ngày 7/3, Công ty cổ phần Tài chính Điện lực (EVNFinance, mã chứng khoán: EVF) cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân của ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn – Phó Tổng giám đốc.
Hồi đầu tháng 2/2023, HĐQT EVNFinance đã có quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn - Giám đốc Chi nhánh TP.HCM. Trước khi gia nhập EVNFinance, vị doanh nhân này từng có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng TMCP An Bình và Ngân hàng TMCP Quốc dân.
Về EVNFinance, theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, doanh nghiệp này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 585 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 54.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 43% và 10% so với năm 2023.
Căn cứ chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024, các tổ chức tín dụng được khuyến khích chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất. Do đó, HĐQT EVNFinance trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%. Số cổ phiếu phát hành để chi trả cổ tức dự kiến là 56,33 triệu cổ phần.
Ngoài ra, EVNFinance còn muốn phát hành thêm 7,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Nếu thực hiện thành công hai phương án trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng thêm 638,4 tỷ đồng lên 7.680,9 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2023, EVNFinance báo lãi sau thuế 328,3 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm 2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần cả năm là 709 tỷ đồng, giảm 23%. “Điểm sáng” là hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lãi 316 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 78 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của EVNFinance ở mức 49.221 tỷ đồng, tăng 16,6% so với số đầu năm. Cho vay khách hàng là 33.553 tỷ đồng, tăng 38,7%. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, EVNFinance chủ yếu cho vay các tổ chức kinh tế (31.681 tỷ đồng), bao gồm các công ty TNHH (19.123 tỷ đồng), công ty cổ phần (9.187 tỷ đồng), công ty TNHH Nhà nước (3.177 tỷ đồng) và còn lại là các công ty cổ phần Nhà nước.
Về cơ cấu ngành nghề cho vay, tính đến cuối năm 2023, EVNFinance đang cho vay nhiều nhất ba lĩnh vực là “sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí” (6.293 tỷ đồng), lĩnh vực xây dựng (5.527 tỷ đồng) và “bán buôn, bán lẻ, sữa chữa mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” (6.806 tỷ đồng)
Về chất lượng nợ cho vay, nợ có khả năng mất vốn của EVNFinance tính đến cuối năm 2023 là 194,7 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Nợ có khả năng mất vốn tăng song nợ nghi ngờ và nợ dưới tiêu chuẩn đều giảm, lần lượt ghi nhận ở mức 167,4 tỷ đồng và 73 tỷ đồng. Nợ xấu qua đó giảm 20%, xuống còn 435 tỷ đồng.
EVNFinance thành lập năm 2008 với chức năng là đơn vị thu xếp vốn cho EVN và các đơn vị thành viên. Năm 2018, theo quy định của Chính phủ, EVN đã thoái vốn tại EVNFinance.
Hiện Chủ tịch HĐQT EVNFinance là ông Phạm Trung Kiên. Vị trí Tổng giám đốc do ông Mai Danh Hiền đảm nhiệm. Nên biết, một thành viên HĐQT của EVNFinance là ông Lê Mạnh Linh từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo tại CTCP Amber Capital, CTCP Bánh kẹo Hải Hà. Một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Trung Thành cũng đồng thời là thành viên HĐQT tại CTCP Amyo Holdings.
Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính quý IV/2023, hiện CTCP Quản lý quỹ Amber đang có số dư tiền gửi tại EVNFinance là 271,4 tỷ đồng. Đồng thời, EVNFinance đang cho Amya Holdings vay 235,4 tỷ đồng.
Hiếu Nguyễn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận