Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phản ứng nhanh nhạy, điều hành giá hiệu quả
Năm 2023, Ban Chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành phải sát sao, nắm bắt nhanh nhạy tình hình thực tế, diễn biến thị trường, đo được phản ứng của dư luận,… để đưa ra các giải pháp điều hành giá chính xác, hiệu quả, kịp thời, thống nhất trong chỉ đạo xử lý, phù hợp với đặc thù của đất nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đặt ra tại cuộc họp tổng kết Ban Chỉ đạo, diễn ra sáng 28/12.
Phản ứng nhanh, thống nhất trong chỉ đạo xử lý
Theo Phó Thủ tướng, năm 2022, trước những diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, đảo chiều rất nhanh của tình hình thế giới và khu vực, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt, chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra nhiều giải pháp, phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ số CPI kiểm soát dưới 4%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý điều hành giá năm 2022 vẫn còn một số tồn tại cần rút kinh nghiệm, trong đó có việc đôi lúc chưa sát sao, phản ứng chưa kịp thời trước diễn biến thị trường, công tác phối hợp có lúc, có nơi còn chuệch choạc, một số thời điểm, một số vấn đề truyền thông chưa kịp thời…
Ví dụ điển hình được Phó Thủ tướng chỉ ra là tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương. “Nếu chúng ta có giải pháp sớm hơn, phối hợp tốt hơn, thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn, với trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, tôi nghĩ xử lý sẽ nhanh hơn”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Nhấn mạnh, điều hành giá là việc khó, đòi hỏi phải nắm bắt nhanh, đánh giá tương đối sát, số liệu phải trung thực, đo được phản ứng của dư luận, đặc biệt là nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thẳng thắn nhìn rõ những khuyết điểm, tồn tại để khắc phục trong thời gian tới; phải hết sức sát sao nắm bắt tình hình thực tế, phản ứng một cách nhanh nhạy hơn, thống nhất trong chỉ đạo xử lý.
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến
Cho rằng, năm 2023, dự kiến có một số áp lực lên mặt bằng giá đến từ bối cảnh thế giới và tình hình trong nước, Phó Thủ tướng cho biết, trên cơ sở dự báo tình hình quốc tế, trong nước, Quốc hội đã xác định chỉ tiêu lạm phát năm 2023 khoảng 4,5%. Theo đó, áp lực đối với công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ “không đơn giản”. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, cũng như những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành giá để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra.
Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để chủ động có phương án, hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.
Đối với công tác quản lý dịch vụ vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu đi lại của bà con tăng cao để tăng giá vé bất hợp lý, sai quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính kịp thời đề xuất việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ… không để nhân dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính rà soát lại các sắc thuế sắp hết hiệu lực để tham mưu giải pháp phù hợp cho cấp có thẩm quyền quyết định sớm. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đối với những mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát thực tế, chủ động tính toán, đánh giá kỹ tác động, chuẩn bị các phương án để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, lâu dài, bền vững.
Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tổ chức, theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là khi có các biến động bất thường về giá cả những mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân.
Năm 2023 tiềm ẩn nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đồng tình với những đánh giá trong báo cáo, nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.
Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh nhiều khó khăn, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đề ra, giá các mặt hàng thiết yếu ổn định… Đây là đóng góp rất lớn của cả hệ thống chứ không phải của riêng bộ, ngành, địa phương nào. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với công tác quản lý, điều hành giá, mà còn có ý nghĩa thiết thực, sát sườn đối với đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Nhận định năm 2023 tiềm ẩn rất nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi đối với công tác quản lý, điều hành giá, nhất là trong nửa đầu năm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, phát huy bài học kinh nghiệm quyết liệt, hiệu quả, kịp thời, linh hoạt trong công tác điều hành giá; tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, cũng như công tác thông tin, truyền thông về điều hành giá…
Thứ trưởng cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể liên quan đến điều hành giá xăng dầu, giá điện và một số mặt hàng thiết yếu khác năm 2023 và công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu (gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, đồ uống…) dịp Tết Nguyên đán Quý Mão…
Nêu bài học kinh nghiệm trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp điều hành giá để kịp thời giải quyết ngay những khó khăn xuất hiện trong thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, việc tổ chức thông tin truyền thông về công tác điều hành giá cần phải được thực hiện chủ động, kịp thời.
Thứ trưởng Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, nhìn lại chặng đường năm 2022, “mọi chuyện đều nằm trong tầm kiểm soát, thành tích đã đạt được nhờ chúng ta đã điều hành công khai, minh bạch về giá; phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các bộ, ngành kiểm soát vật liệu xây dựng, xăng dầu và lãi suất ngân hàng - 3 yếu tố làm cho công tác điều hành giá rất đau đầu”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận