Phó Thống đốc: Tăng trưởng tín dụng 2022 khoảng 14%, nợ xấu cả tái cơ cấu 8,2%
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tái cơ cấu ước tính 8,2%.
Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022.
Tại buổi họp báo, đại diện NHNN cho biết, công tác điều hành CSTT phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN đã đảm bảo hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2021.
Cụ thể, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,97% so với cuối năm 2020. Dự kiến cả năm tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.
Các ngân hàng đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Năm 2021, NHNN đã 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD. Đến 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi lũy kế đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng.
Thị trường tiền tệ ổn định; lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ TCTD giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.
Về công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc cho biết, tiếp tục dược triển khai quyết liệt, hiệu quả. Các mục tiêu tại Đề án 1058 cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 về cơ bản đã đạt được. Chỉ có một số chỉ tiêu chưa đạt được do ảnh hưởng từ nguyên nhân khách quan như tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại do tác động từ dịch COVID-19.
Đại diện NHNN cho biết, theo số liệu được thống kê, nợ xấu nội bảng tính đến hiện tại là 1,9% (cuối 2020 là 1,69%); nợ nội bảng, nợ tiềm ẩn, nợ VAMC là khoảng 3,79%. Tuy nhiên, nếu tính toán đầy đủ hơn, cẩn trọng và xét đoán tới tác động của dịch bệnh trong các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01, 03 nợ xấu dự báo khoảng 8,2%.
Phó Thống đốc nhấn mạnh con số nợ xấu này là của nền kinh tế, do tác động từ dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn và trách nhiệm xử lý nợ xấu là của ngành ngân hàng, cũng như toàn nền kinh tế, để cùng nhau xử lý nợ xấu. Và nợ xấu còn có thể tăng cao hơn nếu dịch tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế.
Định hướng xử lý nợ xấu trong năm 2022, đại diện NHNN cho biết, "cục máu đông phải giải quyết rất nhanh để không gây tắc đường". Bản thân ngành ngân hàng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đây là vấn đề dài hạn và rất cần sự đồng hành của nền kinh tế; cần có những hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ xấu.
Chia sẻ về định hướng chính sách tiền tệ năm 2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ cố gắng đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Tiếp tục coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu, có biện pháp ngăn chặn rủi ro; cung ứng tiền đảm bảo kiểm soát được lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối.
Năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% và có thể tăng cao hơn trong bối cảnh thuận lợi, để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận