Phó Chủ tịch Đèo Cả tiết lộ lý do khiến ‘Vua đào hầm’ HHV càng 'đào' càng nợ lớn
Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, các khoản nợ của doanh nghiệp được bảo đảm thanh toán bởi các nguồn thu. Đèo Cả tự tin có nguồn trả nợ ổn định, đảm bảo lợi ích cho cổ đông và thực hiện các dự án mới trong thời gian tới.
Khi Đèo Cả làm dự án Đèo Cả, bao gồm: Hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân và tham gia giải cứu dự án Bắc Giang - Lạng Sơn đều không có sự tham gia nào của vốn Nhà nước.
Do vậy, đối với 2 dự án này, khi ngân hàng cho vay và dừng giải ngân, Đèo Cả bắt buộc phải bơm tăng vốn chủ lên. Hiện nay, vốn chủ sở hữu ở các dự án này lên đến 24%, vượt 14% so với quy định. Để mục tiêu, khi ngân hàng không giải ngân tiếp, doanh nghiệp có thể tăng khả năng hoàn thành dự án.
“Mục đích để dự án đi vào, phục vụ người dân là chính. Đó là quan điểm của Đèo Cả, khó khăn vẫn phải làm”, ông Hùng nói rõ.
Với tỉ lệ như thế, rõ ràng nhìn trên sổ sách khoản vay Đèo Cả rất lớn. Nhưng có một quy định trong hợp đồng BOT ký với Nhà nước: Lợi nhuận của nhà đầu tư luôn luôn đảm bảo với tỉ suất khoảng 11 - 11,5%. Đồng thời, các khoản vay bao gồm lãi, gốc, của ngân hàng, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi nhà đầu tư được hoàn trả bằng tiền thu phí.
Trên sổ sách có nợ, thế nhưng nếu nhìn vào trên thực tế đặc trưng của các dự án BOT, giai đoạn đầu doanh thu còn bé, lãi suất rất cao do chưa trả được tiền gốc. Việc này đã có sự thoả thuận theo phương án tài chính với ngân hàng.
“Tức là mình thu bao nhiêu sẽ có phương án trả nợ đi kèm. Nhờ vậy, dù số nợ rất lớn nhưng Đèo Cả không có nợ xấu, không chậm lãi. Bởi nguồn trả nợ đến từ nguồn thu phí, hàng ngày một. Đó là nợ theo kế hoạch và có nguồn trả nợ rõ ràng”, Phó Chủ tịch Đèo Cả nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình Đèo Cả làm các dự án nói trên, không có sự tham gia vốn của Nhà nước, ngược lại Nhà nước thực hiện không đúng một số cam kết.
Đơn cử, với dự án Đèo Cả, khi Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn hơn 1.180 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, thế nhưng sau đó lại thu hồi hơn 10 năm nay. Chỉ tính riêng lãi vay 1.180 tỷ đồng với thời gian đó thì chi phí đã là con số không nhỏ.
Chưa kể, với dự án Đèo Cả đã bị cắt giảm 2 trạm thu phí từ vài năm trước, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp, đáng lẽ số tiền phí thu được sẽ hỗ trợ công ty trong việc thanh toán nợ và chi phí vay.
Chính vì thế, vừa qua, trong việc tháo gỡ khó khăn và cắt giảm BOT, do các yếu tố khách quan, dự án Đèo Cả được Nhà nước quan tâm. Nguồn vốn 1.180 tỷ đồng đã được Chính phủ thông qua và thực hiện giao vốn. Còn 2.280 tỷ đồng đang lấy ý kiến trình Quốc hội để bù đắp lại trạm La Sơn - Tuý Loan.
Đối với dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, Nhà nước cũng cắt giảm 1 trạm thu phí. Ngoài ra, việc miễn giảm xung quanh trạm thu phí phạm vi lên đến 10km. Bên cạnh đó, việc tăng vé theo hợp đồng BOT 3 năm sẽ được tăng vé 1 lần.
“Lịch trả nợ đã được thống nhất bằng hợp đồng, thoả thuận giữa ngân hàng và các bên, theo nguồn thu phí. Ngoài ra, khi Đèo Cả có các nguồn hỗ trợ đã đề cập phía trên, chắc chắn nguồn tài chính của HHV sẽ ổn định, bền vững”, ông Hùng khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hùng, làm hạ tầng giao thông, đầu tư theo BOT, càng đầu tư sẽ càng nợ lớn. Nhưng đầu tư BOT một phần vốn chủ bỏ ra, vốn chủ một phần lấy từ lợi nhuận hoạt động thi công xây lắp, các hoạt động huy động vốn trên thị trường... phần còn lại đi vay.
Một năm Đèo Cả hoàn thành một dự án, nợ sẽ đi lên thế nhưng tài sản cũng tăng lên. Và quan trọng hơn, nợ được bảo bởi nguồn thu, có sự đảm bảo của Nhà nước. Đèo Cả tự tin có nguồn trả nợ ổn định, đảm bảo lợi ích cho cổ đông và thực hiện trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận