'Phình' công suất khai thác khoáng sản dẫn đến tranh mua, tranh bán
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam Nguyễn Đức Thu, công suất khai thác, chế biến của một số loại khoáng sản theo quy hoạch của địa phương lớn hơn nhiều so với quy hoạch của Trung ương, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh.
Sáng 1/12, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo cấp Bộ về “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của KTNN”.
Quy hoạch chồng chéo
Theo Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ, thời gian qua, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán môi trường, như: Kiểm toán dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; kiểm toán quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021; kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM…
Ông Doãn Anh Thơ cho biết, qua kiểm toán đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường, tuy nhiên vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kết quả kiểm toán chưa đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, hội thảo này nhằm làm rõ một số vấn đề về thực trạng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời tập trung làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường góp phần vào việc phát triển bền vững của quốc gia.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Thu - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoáng sản, Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhấn mạnh, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về khoáng sản với trên 5000 điểm mỏ của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. “Đến nay, Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt 17 quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng cho hơn 40 loại khoáng sản của cả nước”, ông Thu thông tin.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Đức Thu, mức độ điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản còn thấp nên căn cứ để xây dựng các quy hoạch thăm dò khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn.
“Sau khi quy hoạch được duyệt, việc công bố công khai nội dung quy hoạch cũng như hướng dẫn thực hiện quy hoạch gần như chưa thực hiện và do thiếu sự phối hợp trong quá trình lập quy hoạch nên Quy hoạch của cả nước và Quy hoạch của địa phương có nhiều chồng chéo”, ông Thu cho hay.
Bên cạnh đó, công suất khai thác, chế biến của một số loại khoáng sản theo quy hoạch của địa phương lớn hơn nhiều so với quy hoạch của Trung ương, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh do không cân đối được nguồn nguyên liệu, điển hình như nhà máy luyện chì - kẽm tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn; luyện gang thép tại Thanh Hóa, Lạng Sơn; luyện xi titan, ilmenit hoàn nguyên tại Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận, Thái Nguyên…
Tài nguyên đất của doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích
Cũng tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp, KTNN Lê Thị Thanh Thuỷ cho biết, qua 9 cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý nhà nước đối với đất đai, đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập. Đáng lưu ý, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao rất lớn song chưa được bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ; nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng.
Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo cấp Bộ về “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ngày 1/12
Với tài nguyên khoáng sản, theo bà Thuỷ, giai đoạn 2018-2022, KTNN đã thực hiện 3 cuộc kiểm toán chuyên đề. Đặc biệt, năm 2022, cuộc kiểm toán về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ TN&MT, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố đã được triển khai.
Bất cập được chỉ ra sau kiểm toán là tiến độ thực hiện một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu. Bộ TN&MT chưa thực hiện công tác khoanh định các khu vực có khoáng sản độc hại, chưa có ý kiến khi có đề nghị của địa phương… Bên cạnh đó, còn tình trạng dự án đã đi vào khai thác (vận hành) nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. “Công tác thanh tra, kiểm tra tại Bộ TN&MT (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Tổng cục Môi trường) và tại các địa phương chưa được thường xuyên theo quy định”, bà Thuỷ cho hay.
Từ những bất cập trên, lãnh đạo Vụ này đề xuất, cần tiếp tục tập trung ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu trong quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong kế hoạch kiểm toán những năm tới; đồng thời có kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về môi trường; xác định kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2030.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận