24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tuấn Việt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam

Philippines là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam khi chiếm khoảng 35% thị phần. Trong 11 tháng năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 2,63 triệu tấn gạo, tương ứng 1,41 tỷ USD; tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Ngày 13/12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 diễn ra Hội thảo quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới”.

Việt Nam có nhiều giống lúa chất lượng, năng suất cao

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) - cho biết, diện tích lúa năm nay khoảng 7,1 triệu ha, năng suất 60,8 tạ/ha, sản lượng hơn 43 triệu tấn, tăng 420.000 tấn so với năm 2022. Tỷ trọng các giống thơm, đặc sản hiện chiếm phần lớn và được giữ xuyên suốt qua các vụ.

Về thị trường, Philippines tiếp tục là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam khi chiếm khoảng 35% thị phần. Trong 11 tháng năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 2,63 triệu tấn gạo, tương ứng 1,41 tỷ USD; tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Theo ông Hòa, dự báo đến hết năm 2023, Philippines sẽ nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó 90% là từ Việt Nam.

Với xu hướng chuyển đổi sản xuất bền vững, phát triển xanh, tiêu dùng xanh của thị trường lúa gạo, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khuyến cáo các doanh nghiệp tập trung vào vấn đề chất lượng thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như trước đây.

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam

Bộ trưởng Nông nghiệp hai nước Việt Nam và Venezuela ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, vấn đề biến đổi khí hậu, ảnh hưởng El Nino cùng với động thái dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ góp phần làm thị trường gạo khó đoán định hơn trong năm 2024. Nhưng hiện nay, giá gạo ngày càng tăng, là cơ hội của lúa gạo Việt Nam khi ngày càng có nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng, năng suất cao.

Việt Nam cũng có nhiều chính sách giúp nông dân linh hoạt hơn trong việc lựa chọn đối tượng canh tác. Các diện tích bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn có thể canh tác tôm xen lúa, đem lại lợi ích gấp 4 lần so với trồng lúa đơn thuần. Điều này cùng với những công trình thủy lợi đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có thể đối phó, sống chung với biến đổi khí hậu.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, nếu năm 2024 nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu, Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ 1 năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Điều này không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn đủ để chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Mỗi năm Việt Nam dư khoảng 13-14 triệu tấn lúa

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường lớn tại hai khu vực chính là Đông Nam Á và châu Phi; có ưu thế cạnh tranh với những nguồn cung khác trong khu vực nhờ giá cả phù hợp.

Theo Chủ tịch VFA, vùng ĐBSCL nên tiếp tục ưu tiên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm chủ lực để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường. Chú trọng đầu tư nghiên cứu và phân phối giống lúa thuần chủng đến nông dân để đạt được mục tiêu ổn định về cả sản lượng lẫn chất lượng trong dài hạn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Chính phủ vừa phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giúp các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân có cái nhìn đúng đắn, nhận thức rõ hơn về canh tác lúa trong thời điểm hiện tại.

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Nam cho biết, thời gian qua nhân loại phải gánh chịu nhiều vấn đề từ biến đổi khí hậu, xung đột chính trị. Ngoài ra, có thêm 2 khía cạnh nữa ảnh hưởng tới nguy cơ mất an ninh lương thực, là sự di dân và sự điều chỉnh cục bộ của một số quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.

Theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ NN&PTNT tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13-14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

“Các bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân” - Thứ trưởng Nam nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả