menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vũ Lương

Phía sau động thái chưa có tiền lệ

Quyết định hủy giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC hôm 10/1/2022, hoàn tiền cho nhà đầu tư đã được thực thi. Dù vậy, dư âm của nó sẽ còn kéo dài và để lại nhiều vấn đề cần suy ngẫm.

Kẻ khóc, người cười

“Tới tối nay (12/1) không nhận được tin nhắn từ công ty chứng khoán hoàn tiền, thì mình chắc đen đủi không mua đúng lô cổ phiếu anh Quyết bán rồi”, một nhà đầu tư F0 rầu rĩ than vãn trong những ngày cận Tết khi trót lỡ FOMO đu đỉnh cổ phiếu FLC.

Đây là một trong rất nhiều nhà đầu tư đã mua cổ phiếu FLC với giá trần trong phiên sáng 10/1/2022. So với giá mua 24.100 đồng/cổ phiếu, hàng về tài khoản ngày 12/1/2022, có thể giao dịch từ 13/1/2022, giá cổ phiếu FLC đã mất 30% và không phải nhà đầu tư nào cũng bán được. Phiên 13/1/2022, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này chưa đến 1 triệu đơn vị, trong khi chỉ nhìn từ đầu tháng 12/2021 trở lại đây, hầu như mỗi phiên đều khớp từ 20 - 40 triệu đơn vị.

Thanh khoản cổ phiếu FLC phiên 10/1 chiếm gần 10% giá trị giao dịch trên HOSE. Các phiên tiếp theo, FLC liên tục chất dư sàn hàng chục triệu cổ phiếu. Không chỉ FLC, các cổ phiếu "họ FLC" như ROS, AMD, KLF, ART cũng xanh lơ.

Tình trạng đổ đèo, gần trắng bên mua của FLC đến từ tính chất FOMO quá lớn của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Ghi nhận của người viết cho thấy, khi giá cổ phiếu FLC thiết lập vùng đỉnh lịch sử 2x (vùng được nhiều nhà đầu tư, môi giới thiên về phân tích kỹ thuật đã nhận định sẽ đạt được từ khoảng vài tháng trước đó) đã tuân thủ kỷ luật, rất nhiều tài khoản cầm hàng trăm ngàn, đến vài triệu cổ phiếu FLC tiến hành bán chốt lãi.

Nhưng không phải ai cũng có “kỷ luật” và kinh nghiệm khi mua những cổ phiếu có tính đầu cơ cao như họ FLC và lòng tham chiến thắng mọi sự - cái giá phải trả là quá đắt. Thậm chí, có nhiều room tư vấn đã đưa ra lời khuyên bán cổ phiếu FLC ngay từ thứ 3 thứ 4 tuần trước nữa, nhưng cuối cùng, khi hai phiên cuối tuần FLC vẫn tăng trần khiến họ nghĩ rằng “mình đã bán hớ” và dĩ nhiên là lao vào mua lại ngay ở vùng đỉnh cao.

Rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia vài tháng, nghe theo nhà đầu tư đi trước mua những cổ phiếu có cơ bản, có câu chuyện, nhưng không chịu đựng nổi diễn biến tăng nóng của cổ phiếu bất động sản, trong khi “hàng” mình cứ đứng yên đã quyết định bán sạch cổ phiếu tốt, để mua hầu như toàn hàng đầu cơ như LDG, FLC, ROS… Việc lãi ngay 10 - 20% khi hàng chưa về tài khoản khiến họ cho rằng đây là quyết định đúng đắn, là hiệu quả đồng vốn đầu tư. Nhưng chua chát thay, hàng về tài khoản thì chỉ kịp bán huề vốn lô 1, còn lô 2 đu mua vùng đỉnh phiên 10/1 thì thắt ruột nhìn tài khoản bốc hơi.

Giải pháp chưa có tiền lệ đã giúp 19.600 tài khoản mua đối ứng các lệnh bán ra của ông Quyết không bị thiệt hại, những nhà đầu tư còn lại chỉ biết cám cảnh về sự “không may” của mình khi cổ phiếu FLC tiếp tục rớt với tốc độ “thang máy” cho đến phiên cuối tuần qua.

Những câu hỏi còn lại

Quyết định chưa từng có tiền lệ như trên được cho là có tác dụng răn đe lớn, khiến cho cổ đông nội bộ của các doanh nghiệp từ nay không dám làm liều. Theo một thống kê của cơ quan quản lý, từ trước đến nay số vụ "bán chui" cổ phiếu lên tới hàng trăm, tất nhiên mức độ ảnh hưởng và độ lớn về giá trị của các vụ việc khác là nhỏ hơn. Trên thị trường, các nhà đầu tư cũng thường xuyên đọc được các thông tin về việc cổ đông nội bộ và người có liên quan ở các doanh nghiệp niêm yết bị phạt vì bán cổ phiếu mà không công bố thông tin đúng quy định.

Nhiều nhà đầu tư, thành viên thị trường đề xuất “đóng băng kỹ thuật” các tài khoản chứng khoán của cổ đông nội bộ và người có liên quan.

Câu hỏi đặt ra là, tới đây, các vụ "bán chui" cổ phiếu, dù cố ý hay vô tình (viện dẫn lý do thiếu hiểu biết) xảy ra, cơ quan quản lý có tiếp tục áp dụng quyết định hủy giao dịch và trả tiền lại cho các nhà đầu tư. Trong những trường hợp nào thì quyết định này được áp dụng?

Giao dịch khớp lệnh trên thị trường chứng khoán hiện nay được thực hiện theo phương thức bù trừ đa phương, tức là người mua và người bán đều không biết mình mua của ai và bán cho ai. Bằng kỹ thuật, các công ty chứng khoán và VSD có thể bóc tách được các giao dịch như trường hợp đã làm với ông Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, điều này thực sự mệt mỏi, tốn nhiều công sức và thậm chí có thể có nhầm lẫn như chia sẻ của một số lãnh đạo công ty chứng khoán. Chưa kể, các nhà đầu tư sẽ rơi vào cảm giác “không công bằng”.

Câu hỏi thứ hai cần sớm được xem xét liên quan đến tính thời điểm và các kỹ thuật, dịch vụ mà hiện nay các công ty chứng khoán đang cung cấp cho khách hàng. Thực tế, ngay khi lệnh mua bán được khớp, nhiều nhà đầu tư đã ứng tiền bán chứng khoán để mua cổ phiếu khác, hoặc ứng tiền rút khỏi tài khoản và sử dụng theo các mục đích cá nhân của mình, chứ không đợi đến ngày T+3, tiền về tài khoản mới quyết định sử dụng. Trong những trường hợp như vậy mà giao dịch bị hủy, tiền công ty chứng khoán đã ứng sẽ được xử lý như thế nào? Rủi ro sẽ là rất lớn với các công ty chứng khoán trong những trường hợp như vậy.

Một kịch bản khiến không ít công ty chứng khoán e ngại liên quan đến giao dịch hôm 10/1/2022 của ông Quyết, nếu một lượng tiền lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã được ứng ra để rút khỏi tài khoản hoặc mua cổ phiếu khác. Các công ty chứng khoán sẽ phải ứng xử và theo đuổi để lấy lại số tiền trên như thế nào? Khi công ty chứng khoán và các nhà đầu tư bị mắc kẹt vào mớ bòng bong như vậy, mất thanh khoản cổ phiếu và hiệu ứng tuyết lở là tình trạng nhãn tiền.

Với mức độ phức tạp, vòng quay mua bán cổ phiếu nhanh cũng như quy mô giao dịch rất lớn của thị trường như hiện nay, ảnh hưởng qua lại giữa các cổ phiếu và thị trường là rất lớn, đặc biệt với những cổ phiếu vốn hóa lớn, được nhiều nhà đầu tư tham gia mua bán. Những suy nghĩ “đó là chuyện riêng của cổ phiếu FLC, sẽ không ảnh hưởng đến mình” đã bị thực tế thị trường tuần qua phủ nhận. Khi hiệu ứng tuyết lở xảy ra, cổ phiếu tốt xấu nhiều khả năng đều bị bán tháo và thị trường diễn biến phi phân tích kỹ thuật.

Để hạn chế những hệ lụy mà chưa ai có thể lường được tới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần “làm chuồng” trước, tức là ngăn chặn sớm tình trạng “cố tình” giao dịch không đúng quy định công bố thông tin của cổ đông nội bộ và người có liên quan? Với công nghệ hiện nay, nhiều nhà đầu tư, thành viên thị trường đề xuất “đóng băng kỹ thuật” các tài khoản chứng khoán của cổ đông nội bộ và người có liên quan. Khi họ có nhu cầu mua/bán cổ phiếu và thực hiện quy định công bố thông tin, gửi văn bản đúng quy định lên HOSE, HNX và SSC, mới “giải phóng” tài khoản để các cổ đông này thực hiện giao dịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại