Phí logistics đè lên nông sản
Chi phí logistics với giá “trên trời” đang đè nặng lên nông sản, vậy nhưng nhiều năm qua các cơ quan chức năng, nhất là ngành Công Thương vẫn chưa khắc phục được. Đây được cho là nguyên nhân không nhỏ gây giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Phí logistics cao gấp 300 lần Singapore
Ở Việt Nam, giá sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng cao gấp nhiều lần so với các nước khác. Trong đó một phần rất lớn là chi phí cho logistics. Hiểu một cách tổng quát, logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: Lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan... nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Ví dụ, như câu chuyện đưa quả xoài sang Nhật Bản, vì sao giá xoài Thái Lan, Philippines lại rẻ hơn xoài Việt? Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Shiotani Yuichiro lý giải: Xoài Việt Nam chất lượng tương đương xoài Thái Lan, Philippines, nhưng khi đưa vào thị trường Nhật Bản giá bán lại đắt hơn gần 20% nên lượng tiêu thụ không cao. Một trong những nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics của Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines.
Tương tự với thị trường nội địa, mới đây tại một hội nghị về giải pháp cắt giảm chi phí logistics, nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Minh Phú thông tin: Chi phí chuyển 1 container tôm từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, trong khi chi phí chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 40 triệu đồng.
Ông Quang đặt vấn đề: Vì sao chi phí vận chuyển nội địa có quãng đường ngắn hơn rất nhiều so với việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ mà giá lại đắt gấp đôi? Còn Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận lại cho hay, chi phí vận chuyển lúa trong nội địa bằng đường bộ lên tới gần 900 đồng/kg, chiếm tới 1/5, 1/6 giá 1kg lúa.
Hay trường hợp của Công ty TNHH nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (Đà Lạt), trung bình mỗi ngày DN giao khoảng 10-12 tấn nông sản cho các đầu mối tiêu thụ là siêu thị, cửa hàng tại TP HCM.
Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc công ty này cho biết, dù vận chuyển hàng bằng xe nhà, chi phí rẻ hơn so với thuê ngoài nhưng tính ra, mỗi kg rau củ phải chịu 1.000-1.500 đồng chi phí logistics do phí cầu, đường, xăng, dầu... Chỉ riêng phí cầu đường, mỗi lần lên xuống đã mất khoảng 600.000 đồng. Tiền dầu có lúc tăng lúc giảm nhưng lương tài xế, bốc xếp, kiểm định xe… chỉ tăng chứ không giảm nên dù muốn chúng tôi vẫn không thể kéo chi phí logistics xuống thấp hơn.
Đó là chưa kể các loại chi phí không chính thức như phí lót tay, bôi trơn... Có DN “bật mí”, chi phí mà DN thu của khách hàng đều dựa trên các chi phí trong quá trình vận chuyển từ xăng dầu, cầu đường, tài xế và cả chi phí “lót tay” dọc đường nên lợi nhuận DN có được chỉ khoảng 10%.
Còn theo ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo...
“So sánh với các nước trên thế thới, chi phí logistics trong riêng ngành nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore tới 300%...”, ông Minh khẳng định.
Cần nhận diện để tháo điểm nghẽn
Về vấn đề phí logistics của Việt Nam hiện nay đang quá cao so với khu vực và thế giới, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn thừa nhận là đúng. Bộ trưởng đánh giá, ngành logistics Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn chưa giải quyết như: Công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực. Nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đáng lưu ý, đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển logistics Việt Nam, hệ thống văn bản, chính sách logistics chưa hoàn thiện vì thiếu quan điểm, định hướng dài hạn và cơ quan quản lý, thậm chí còn không thống nhất giữa các văn bản.
Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng đường cao tốc, các tuyến quốc lộ nâng cấp, mở rộng nhưng lại không xây dựng các trung tâm logistics, các đường kết nối với hệ thống đường gom và với các phương tiện vận tải khác.
Nêu giải pháp khơi thông điểm nghẽn logistics, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, cần có quy hoạch logistics theo từng vùng, từng loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại.
Mặt khác, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý logistics minh bạch, phù hợp xu thế phát triển hiện nay, tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng để giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí nhằm khơi thông điểm nghẽn tiêu thụ nông sản kéo dài trong nhiều năm qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận