24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Đức Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phát triển thị trường carbon: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Việt Nam với ¾ đất là đồi núi và rừng che phủ hơn 30% diện tích, trung bình 40 USD/tấn phát thải carbon/ha thì thị trường carbon mang lại nguồn thu không nhỏ.

Việt Nam từng bước thực hiện mục tiêu

Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010.

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.

Từng bước thực hiện mục tiêu, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định, được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

Gần đây nhất, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải, hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường carbon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP xác định mục tiêu và lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước được chia làm 2 giai đoạn từ nay đến hết năm 2027 và từ năm 2028 trở đi. Cụ thể, đến hết năm 2027, nước ta tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đồng thời đề ra mục tiêu thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thực kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; đồng thời quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thị trường carbon, cơ hội nào cho Việt Nam?”, do Báo Giao thông tổ chức ngày 20/4, ông Nguyễn Thành Công - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thị trường carbon rất được quan tâm trên thế giới, hạn ngạch trên thị trường châu Âu đang giao dịch từ 80 – 100 euro/tấn. Về hoạt động thị trường kinh doanh hiện có 2 loại hàng hóa, đó là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Trên thế giới, 2 loại hàng hóa này giao dịch khá mạnh mẽ. Thị trường carbon khoảng 40 quốc gia và khu vực đang triển khai công cụ đánh giá với giá trị giao dịch hàng trăm tỉ USD/năm.

Đánh giá về thị trường carbon trong nước và thế giới, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, chủ đầu tư một dự án carbon tại Hà Tĩnh – cho hay: Tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm trên thế giới trong khi Việt Nam có tới ¾ đất là đồi núi và rừng che phủ hơn 30% diện tích. Theo tính toán, nếu chúng ta chặt rừng để trồng keo thì bình quân mỗi năm thu được khoảng 75 triệu đồng/1ha, nhưng nếu làm phát thải carbon ở mức có thể đạt 150 tấn phát thải carbon/ha, với mức thu nhập bình quân 40 USD/tấn thì là 6.000 USD/1 ha/1năm. “Đây là mức trung bình còn hiện chúng tôi đo đạc ở một số khu vực sinh quyển tốt như Hương Sơn (Hà Tĩnh) đạt tới 196 tấn carbon/năm, vùng nghèo ở Hà Tĩnh vào khoảng 110 tấn, đặc biệt rừng cây bản địa còn có giá trị cao hơn”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê, kết thúc năm 2021, giá tín chỉ phát thải carbon tại EU-ETS ở mức hơn 80 euro/tấn, cao hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020, do nhu cầu từ các nhà đầu tư tăng mạnh và EU siết chặt các chính sách về khí hậu cho mục tiêu giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030.

Thị trường carbon toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt được thúc đẩy bởi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon và cơ bản hoàn thiện Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris, bao gồm Điều 6 trực tiếp liên quan đến thị trường carbon.

Mặc dù vậy, tại Việt Nam, thị trường carbon còn khá mới mẻ cả về thông tin, kiến thức, hành lang pháp lý và các bên đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia, giao dịch. Vì vậy, chia sẻ tại hội thảo khách mời cũng đã thảo luận, đề cập đến cơ hội kinh doanh carbon tại Việt Nam; lộ trình phát triển thị trường này trong nước; điều kiện cần và đủ để tham gia thị trường; lợi ích người dân, doanh nghiệp nhận được khi thị trường phát triển; đề xuất, khuyến nghị chính sách, giải pháp và hành động nhằm phát triển thị trường này...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả