Phát triển nhà ở công nhân vẫn gặp khó: Vì sao?
Hiện nay đã có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong đó có nhà ở công nhân (NƠCN), tuy nhiên kết quả mới đạt được khoảng 57% so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân dẫn đến phát triển loại hình nhà ở này còn hạn chế là do thiếu quỹ đất, thiếu nguồn vốn ưu đãi…
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi phỏng vấn ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng để hiểu rõ hơn vấn đề trên.
PV: Theo chiến lược phát triển nhà ở, thì mục tiêu đề ra đến năm 2020 đạt 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Ông có thể cho biết công tác phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân tính đến nay đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Quang Hưng: Theo báo cáo chưa đầy đủ, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000m2. Trong đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000m2.
PV: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp để phát triển NƠXH, đặc biệt là NƠCN khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, NƠXH vẫn chưa thực hiện được, đâu là nguyên nhân thưa ông?
Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá một số nguyên nhân chính của tồn tại này đó là: Thứ nhất là, thiếu quỹ đất để phát triển NƠXH. Theo Luật Nhà ở và các nghị định hướng dẫn, đã yêu cầu các địa phương, các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở đô thị thì phải dành quỹ đất 20% đã đầu tư hạ tầng để đầu tư phát triển NƠXH. Tuy nhiên, trên thực tế có một số địa phương, một số chủ đầu tư đã không thực hiện nghiêm các quy định này.
Thứ hai là, thiếu nguồn vốn cho đầu tư phát triển NƠXH. Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách Nhà nước mới đầu tư, mới bố trí được 2.163 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng nhu cầu của ngân hàng chính sách xã hội để cho các đối tượng khách hàng cá nhân vay để thuê mua, mua NƠXH. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa được tiếp cận nguồn vốn vay do ngân sách Nhà nước chưa bố trí được vốn cấp bù lãi suất để cho các ngân hàng thương mại cho các đối tượng này vay.
Thứ ba là, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các chủ đầu tư các doanh nghiệp chưa thực chất và cũng chưa đủ mạnh để khuyến khích họ đầu tư vào xây dựng NƠXH.
Riêng đối với đối tượng công nhân, người lao động tại KCN thì hiện nay chưa có chính sách riêng để phát triển nhà ở cho họ. Hiện nay đối tượng công nhân, người lao động tại KCN vẫn mới chỉ là 1 trong 10 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở.
PV: Vậy chúng ta cần có những giải pháp nào để khắc phục khó khăn trên, thưa ông?
Vì vậy, trong dài hạn, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó nghiên cứu sửa đổi cơ chế chính sách phát triển NƠXH để đảm bảo phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới cũng như phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân đô thị.
Đối với NƠCN, trong dự kiến sửa Luật nhà ở 2014, chúng tôi cũng dự kiến sẽ tách các cơ chế chính sách của NƠCN thành một cơ chế chính sách riêng để đảm bảo sẽ thúc đẩy được việc phát triển NƠCN trong thời gian tới.
Trước mắt, đề nghị các địa phương trong quá trình quy hoạch và triển khai các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị phải thực hiện nghiêm việc dành quỹ đất để phát triển NƠXH để đầu tư phát triển NƠXH. Bên cạnh đó, phải xây dựng, rà soát việc xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong đó có phát triển NƠXH làm cơ sở bố trí các nguồn lực thực hiện.
Đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn. Trường hợp KCN có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ - thương mại trong KCN chưa được sử dụng hết thì giao Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân để cho thuê; trường hợp quỹ đất dịch vụ - thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND cấp tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch KCN để dành quỹ đất để đầu tư nhà lưu trú công nhân.
Bộ Xây dựng cũng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình phục hồi kinh tế của đất nước hậu Covid-19 một gói chính sách đặc thù để hỗ trợ cho phát triển NƠXH để đảm bảo mục tiêu kép là an sinh nhà ở cho công nhân KCN và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các doanh nghiệp, hồi phục kinh tế.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung 02 gói tín dụng với tổng số là 65.000 tỷ. Gói thứ nhất, triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, bao gồm cấp 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 1.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển NƠXH theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.
Gói thứ 2, đề xuất Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ nhà ở theo một số cơ chế đặc thù khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng NƠXH giai đoạn 2021 – 2025 là 220.000 tỷ đồng) với lãi suất và thời hạn phù hợp để cho các đối tượng thuộc chương trình vay ưu đãi.
PV: Hiện nay, đặc thù của người công nhân là nơi làm việc của họ không cố định ở một nơi và lâu dài, thường chỉ 4 – 5 năm là họ sẽ chuyển đi nơi khác. Vậy theo ông, mô hình nhà ở hiện nay để bán và thuê mua có hợp lý hay không?
Vì vậy, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc sửa đổi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN trong đó có đề xuất nội dung là các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các dự án KCN sẽ phải dành ra một phần trong quỹ đất thương mại - dịch vụ KCN để xây dựng nhà cho công nhân KCN thuê, với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như: nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, văn hóa thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng...
Ngoài ra, trong một khu nhà cho công nhân lưu trú phải đảm bảo cả 02 loại nhà cho công nhân thuê: theo hình thức độc thân ở với 1 – 2 người và theo căn hộ cho gia đình người công nhân thuê.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận