Phát triển hài hòa thủy điện - Bài cuối: Khắc phục các tác động
Một thực tế là hiện nay, các tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện vừa và nhỏ đều đến từ chính đơn vị chủ đầu tư trong quá trình thi công và vận hành công trình. Vì nhiều lý do, một số chủ đầu tư đã không thực hiện đúng quy định, dẫn đến những tác động cho hệ sinh thái và đời sống của người dân vùng hạ du. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần phát triển thủy điện hài hòa để ngành công nghiệp thủy điện phát triển bền vững.
Khắc phục tác động
Quay trở lại với dòng sông Đăk Psi, vụ việc Thủy điện Đăk Psi (bậc 1, 2) và Thủy điện Đăk Psi 5 sai sót trong quá trình vận hành xả lũ trong cơn bão số 9 năm 2020 đã gây hiện tượng lũ chồng lũ, khiến gần 100 hộ dân tại hai xã Đăk Pxi và Đăk Long của huyện Đăk Hà bị ngập lụt. Điều này đã được Sở Công Thương tỉnh Kon Tum nêu rõ tại báo cáo số 296/BC-SCT gửi UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, theo quy định, hai đơn vị này phải thông báo cho chính quyền và nhân dân địa phương trong khu vực công trình thủy điện trước khi vận hành chống lũ, xả lũ. Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 5 cho biết đơn vị đã thực hiện thông báo cụ thể cho người dân.
Tuy nhiên, ông Võ Hữu Thành, thôn Đăk Wét, xã Đăk Pxi - một trong các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cho biết, ông không nhận được thông báo về việc xả lũ của các công trình thủy điện. Vì vậy, khi lũ đổ về, gia đình ông chỉ kịp rời khỏi nhà để bảo vệ tính mạng, còn tài sản gần như bị ngập hoàn toàn làm thiệt hại lớn kinh tế gia đình.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum Lê Như Nhất, việc các chủ đầu tư, chủ đập, hồ chứa thủy điện thực hiện không đúng các quy định, quy trình hồ chứa gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người dân, thì tùy theo quy mô, mức độ gây thiệt hại, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương yêu cầu các chủ thể này phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khắc phục hậu quả theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, Sở sẽ tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Riêng đối với tác động môi trường do các thủy điện mang lại, trước khi đầu tư xây dựng, các dự án thủy điện đã thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường để đánh giá các tác động, ảnh hưởng và đưa ra các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
"Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan kiểm tra, đề nghị chủ đầu tư thực hiện tuân thủ và đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, chương trình giám sát môi trường của dự án theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Lê Như Nhất cho biết thêm.
Phát triển gắn với lợi ích
Theo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện của tỉnh Kon Tum, việc đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch phát triển thủy điện của cả nước, Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lê Như Nhất phân tích, bên cạnh việc phát triển theo quy hoạch, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường quản lý nhà nước đối với các công trình hiện có; đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn, hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Cùng đó, phát triển các công trình thủy điện vừa và nhỏ ít tác động tiêu cực đến sinh kế người dân và môi trường sinh thái, hiệu quả cao và thuận tiện trong quá trình đấu nối lên lưới điện quốc gia. Đặc biệt, tỉnh sẽ kiên quyết loại bỏ các vị trí dự án không đáp ứng được các tiêu chí trên.
Mới đây, việc khảo sát chủ trương xây dựng thủy điện Đăk Bla 3 trên dòng sông Đăk Bla cũng không được người dân tại làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đồng tình do lo ngại trong quá trình xây dựng cũng như đi vào vận hành, thủy điện này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích đất sản xuất của người dân.
Đặc biệt, thủy điện này xây dựng gần làng sẽ gây ảnh hưởng đến cảnh quan, khiến việc phát triển làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu gặp nhiều khó khăn.
"Hiện nay, Thủy điện Đăk Bla 3 vẫn đang trong quá trình khảo sát, chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Sở Công Thương sẽ tiến hành lấy ý kiến người dân, nếu nhân dân không đồng tình, ủng hộ, Sở cũng không trình UBND tỉnh phê duyệt dự án này", ông Lê Như Nhất nói.
Đây được xem là động thái cần thiết của tỉnh Kon Tum nhìn nhận lại việc phát triển hệ thống thủy điện, bởi rõ ràng, những năm qua, các tác động tiêu cực từ một số công trình thủy điện vừa và nhỏ đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong vùng dự án. Vì vậy, việc "trưng cầu dân ý" để đưa ra quyết định có phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy điện hay không sẽ góp phần giảm các tác động tiêu cực mà các thủy điện có thể mang lại cho người dân.
Giữa tháng 8/2022, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có Kế hoạch 2653/KH-UBND về việc ứng phó với thảm họa động đất trên địa bàn để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường. Đây cũng là động thái nhằm ứng phó với những tác động môi trường, được xác định do ảnh hưởng của hoạt động tích nước của các hồ chứa thủy điện gây nên những trận động đất kích thích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận