Phát triển cụm công nghiệp: Tháo gỡ khó khăn về chính sách
Việc phát triển các cụm công nghiệp tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức cần sớm được giải quyết, trong đó vấn đề hành lang pháp lý cũng như các quy định hiện hành đã không còn phù hợp…
Thời gian qua, việc phát triển cụm công nghiệp (CCN) đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và có chuyển biến tích cực trong việc thu hút các doanh nghiệp/nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực, ngành nghề tạo ra giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các CCN nhìn chung còn chậm, đặc biệt ở các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Theo đại diện Bộ Công thương, trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển CCN trên địa bàn theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng CCN.
Là một trong những địa phương có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển CCN để thu hút đầu tư, nhiều năm qua Hà Nội liên tục đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hạ tầng và lấp đầy các CCN. Theo UBND TP. Hà Nội, thành phố hiện có 70 CCN đang hoạt động trên tổng diện tích gần 1.400ha, thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh và hằng năm nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong số các CCN đang hoạt động, đến nay có khoảng 16 CCN phát triển tương đối hoàn thiện, còn lại 54 CCN vẫn cần phải hoàn thiện thêm nữa trong việc đồng bộ hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy. Riêng từ năm 2018 đến nay, Hà Nội đã thành lập được 42 CCN với tổng diện tích hơn 753ha, tổng số vốn đầu tư là 16.150 tỷ đồng. Hà Nội quyết tâm trong năm 2021 sẽ khởi công xây dựng 20 CCN, tập trung phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong năm 2021 Hà Nội đặt mục tiêu xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới 10-15 CCN. Để tạo sự phát triển bền vững cho kinh tế Thủ đô, thành phố sẽ tổ chức rà soát quy hoạch; đồng thời lập phương án phát triển CCN để tích hợp vào quy hoạch TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 tập trung thu hút đầu tư cả doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI trong tất cả các lĩnh vực, nhất là công nghiệp, thương mại và tập trung ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Mặc dù có nhiều chính sách phát triển CNN nhưng trên thực tế thời gian qua công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến các vấn đề như hoàn thiện hạ tầng, giải phóng mặt bằng, lựa chọn chủ đầu tư… Bởi vậy cần có những chính sách tháo gỡ khó khăn và sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ngành liên quan.
Trước mắt, UBND thành phố giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp UBND các huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ các công việc để bảo đảm đủ điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trong quý II/2021 đã được chủ đầu tư, UBND các huyện cam kết; thường xuyên nắm bắt tình hình, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất báo cáo thành phố xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát, báo cáo thành phố điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các CCN đã hết hạn theo đúng quy định.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất đối với các dự án CCN trên địa bàn thành phố đúng quy định; khẩn trương hướng dẫn UBND cấp huyện, các chủ đầu tư có liên quan giải trình, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo thành phố trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha...
Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan có văn bản tháo gỡ khó khăn về công tác quy hoạch, về trình tự thủ tục điều chỉnh trong quy hoạch, bổ sung mới, điều chỉnh cũng như triển khai quy hoạch 1/500 các CCN vì trong giai đoạn hiện nay là sự giao thoa giữa quy hoạch ngành và quy hoạch của các tỉnh, thành phố…
Có thể thấy, việc phát triển các CCN tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức cần sớm được giải quyết, trong đó vấn đề hành lang pháp lý cũng như các quy định hiện hành đã không còn phù hợp… Theo Bộ Công thương, trong thời gian tới các tỉnh, thành phố cần quán triệt thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về phát triển CCN; thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN; đổi mới công tác quản lý, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển CCN trên cơ sở lợi thế địa phương. Đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển CCN trên địa bàn theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng CCN để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng cường xã hội hóa trong đầu tư phát triển CCN, ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình xử lý môi trường chung tại CCN…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận