24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phân bón tăng giá kỷ lục, cổ phiếu đón sóng tăng giá mới

Giá phân bón tăng cao chưa từng có, sóng tăng giá theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022.

Sóng tăng giá còn kéo dài sang năm 2022

Giá phân bón đang ở mức cao nhất mọi thời đại và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đóng cửa cuối tuần qua (10/12), chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên Green Markets đứng ở mức 1.081 USD/tấn, tăng 160% so với đầu năm. Theo dự báo của WB, xu hướng tăng giá của một số loại phân bón sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022.

Tại thị trường Việt Nam, giá phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu các loại (ure, DAP, kali…) cũng tăng 80-150% so với đầu năm.

Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng kỷ lục chủ yếu đến từ giá nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, giá khí tự nhiên tăng gấp đôi, giá than tăng gấp 3-4 lần khiến nhiều nhà máy phân bón ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến nguồn cung cho thế giới.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có thể khiến nhiều nhà máy phân bón phải ngừng sản xuất ngoài dự kiến trong khi các quốc gia tăng cường sản xuất, tích trữ lương thực. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu như Trung Quốc, Nga, Ai Cập ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu khiến cho thị trường càng thêm căng thẳng.

Trong nước, theo nhận định của nhà nhập khẩu phân bón Vinacam, giá phân bón thời gian tới sẽ tiếp tục neo cao theo giá thế giới. Cụ thể, giá Kali bột sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13.000.000-13.500.000 đồng/tấn và xu hướng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 2/2022. Riêng Kali miểng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17.000.000-17.500.000 đồng/tấn và sẽ hướng tới 18.000.000 đồng/tấn vào cuối quý I/2022 do nguồn cung khan hiếm.

Đối với DAP, cùng với quyết định cấm xuất khẩu của Trung quốc, Nga đã có động thái siết lại hạn ngạch đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa nitơ, do vậy DAP sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng và dự kiến DAP nâu sẽ sớm vượt mức 23.000.000 đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc là 24.000.000-25.000.000 đồng/tấn. Phân DAP sản xuất trong nước tiếp tục khan hiếm do tình hình quặng Apatit không được cải thiện.

Các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán BSC dự báo, giá phân bón thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong cuối năm 2021 và đầu 2022 bởi nguyên liệu khí đốt, dầu thô và than biến động khó lường, cước vận tải vẫn chưa hạ nhiệt.

Doanh nghiệp lãi lớn, cổ phiếu ngành phân bón hưởng lợi

Mặc dù chịu tác động bởi cước vận tải và chi phí nguyên liệu tăng cao, song giá thành phẩm cũng tăng mạnh đã giúp các công ty phân bón hưởng lợi. Dự báo, các doanh nghiệp ngành phân bón sẽ có kết quả kinh doanh vượt dự đoán trong quý IV/2021 và tiếp tục tăng trưởng ấn tượng năm 2022.

Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) cho hay, kế hoạch lợi nhuận của Tập đoàn quý IV/2021 là 600 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng trong tháng 10 và 11 đã đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Năm nay, ước lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn sẽ đạt kỷ lục: 2.400 tỷ đồng.

Trong khi đó, hàng loạt công ty thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng lãi lớn. Tiêu biểu là Công ty CP DAP – Vinachem (Mã chứng khoán: DDV), lãi 11 tháng đầu năm đạt 277,3% so với kế hoạch năm. Công ty CP Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao (mã chứng khoán: LAS) lãi đạt gần 228% so với kế hoạch năm. Công ty CP Phân bón Miền Nam (mã chứng khoán: SFG) đạt 768,8%, Hóa chất Việt Trì (mã chứng khoán: HTV) đạt 154,5%, Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán: BFC) đạt 153,6% so với kế hoạch…

“Bão giá” phân bón kéo dài suốt cả năm 2021 và dự kiến kéo dài sang năm 2022 khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành vô cùng sáng sủa. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt cổ phiếu phân bón bứt phá từ đầu năm, điển hình như DPM, DCM, DGC, DDV…

Đặc biệt có thể thấy cổ phiếu DDV tăng 216% từ đầu năm đến nay, từ giá 8.800 đồng/cổ phiếu đã tăng lên 27.800 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch cuối tuần qua. Một loạt cổ phiếu phân bón khác cũng tăng bằng lần so với đầu năm: DPM tăng 180%, DCM tăng 178%, LAS tăng hơn 200%...

Ngoài triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục khả quan, một số cổ phiếu còn có tiềm năng tăng giá mạnh nhờ “game” thoái vốn nhà nước. Đơn cử, cổ phiếu DDV thời gian gần đây được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi thông tin Tập đoàn Hóa chất Vinachem có thể thoái sạch vốn hoặc thoái về dưới 51% (hiện Vinachem nắm 64% vốn tại DDV). Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh của DDV khởi sắc mạnh mẽ, lợi nhuận sau thuế đạt 159 tỷ đồng, vượt 134% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm. Tính đến hết tháng 11/2021, công ty đã vượt 277% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyên gia phân tích Agriseco Research đánh giá ngành phân bón vẫn là một trong số ít ngành được hưởng lợi và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021.

Chính vì vậy, dù nhiều cổ phiếu phân bón đã tăng giá mạnh từ đầu năm, định giá cổ phiếu không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, do thuận lợi của thị trường cũng như kết quả kinh doanh năm 2022 chưa phản ánh hết vào giá cổ phiếu nên cổ phiếu phân bón vẫn còn hấp dẫn. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp giảm điểm của thị trường để tích lũy thêm cổ phiếu phân bón, kỳ vọng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả