Phân bón Bình Điền đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 46%
Điều kiện kinh doanh năm 2022 được đánh giá thuận lợi hơn nhờ giá phân bón đang tăng mạnh trở lại, song Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền vẫn thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm nay.
Kế hoạch lợi nhuận giảm 46%
Theo kế hoạch kinh doanh dự kiến trình đại hội đồng cổ đông tới đây vừa được công bố, năm 2022, Phân bón Bình Điền dự kiến đặt kế hoạch 6.428 tỷ đồng tổng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, giảm 18,4% về doanh thu và giảm 46,1% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2021. Kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ cũng lần lượt giảm 18,8% và 17,5% so với thực hiện năm 2021.
Trước đó, Phân bón Bình Điền đã kinh doanh khá thành công trong năm 2021, với doanh thu đạt 7.882 tỷ đồng, tăng 42,7% so với năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 371,2 tỷ đồng, tăng 85,4% so với năm 2020, vượt 38,5% kế hoạch doanh thu và vượt 123,6% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.
Dù Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhưng hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn hưởng lợi từ việc giá các sản phẩm phân bón tăng mạnh.
Với giá phân bón ở mức cao, việc giảm sử dụng phân bón để tiết kiệm chi phí hoặc lựa chọn phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ sẽ diễn ra ở mức độ rộng và nhanh hơn.
Bước sang năm 2022, giá nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới tăng vọt trở lại từ cuối tháng 2/2022 đến nay do những căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến nguồn cung trên toàn cầu, nhưng lãnh đạo Công ty vẫn thận trọng trên cơ sở đánh giá Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, giá phân bón ở mức cao làm giảm lợi nhuận của nhà nông, nên việc giảm sử dụng phân bón để tiết kiệm chi phí hoặc lựa chọn phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ sẽ diễn ra ở mức độ rộng và nhanh hơn, dẫn đến nhu cầu phân bón vô cơ giảm.
Bên cạnh đó, trên thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất. Việc nhiều doanh nghiệp như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau... triển khai các dự án mở rộng công suất, xây dựng nhà máy mới hướng tới phân khúc NPK chất lượng cao càng khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Trong bối cảnh giá những thành phần chính để sản xuất NPK, gồm nitơ và phốt phát đã tăng đáng kể trước những diễn biến trên thị trường phân bón thế giới, nếu giá bán NPK của Công ty tăng thấp hơn so với mức tăng của giá nguyên liệu đầu vào sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp.
Điểm tựa tồn kho sẽ hỗ trợ lợi nhuận
Mặc dù thận trọng với kế hoạch kinh doanh cả năm 2022, song trong nửa đầu năm, kết quả kinh doanh của Phân bón Bình Điền vẫn được đánh giá khả quan nhờ lượng hàng tồn kho lớn tích lũy từ cuối năm 2021 trong bối cảnh giá phân bón tăng giá.
Tính đến cuối năm 2021, báo cáo tài chính của Phân bón Bình Điền cho biết, tổng tài sản đạt 3.854 tỷ đồng, tăng 26,1% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho là khoản mục lớn nhất với giá trị 2.535 tỷ đồng, chiếm 65,8% tổng giá trị tài sản và tăng gấp 2,14 lần so với đầu năm. Riêng trong quý IV/2021, giá trị hàng tồn kho của Công ty đã tăng 943 tỷ đồng, tương đương mức tăng 59,2%.
Trong cơ cấu hàng tồn kho, nguyên vật liệu phân bón các loại như Kali, Urea, DAP… có giá trị 1.682,7 tỷ đồng, tăng gấp 2,33 lần so với số dư đầu năm và tăng 43,3% so với cuối quý III/2021. Sự tăng mạnh này nhiều khả năng đến từ sự chủ động tích trữ nguyên vật liệu của Công ty trong điều kiện giá các loại phân bón đơn đầu vào tăng nóng.
Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cập nhật, tính đến cuối năm 2021, Phân bón Bình Điền mới sử dụng khoảng 75% công suất thiết kế. Với công suất thiết kế lớn, năm 2022, Công ty có cơ hội lớn để gia tăng sản lượng tiêu thụ khi nguồn cung phân bón NPK và Urea đang thiếu hụt trên thế giới do Nga - quốc gia xuất khẩu Urea và NPK lớn nhất thế giới - dừng xuất khẩu phân bón.
Mặc dù giá trị tồn kho tăng mạnh, nhưng nhờ việc thu hồi tốt các khoản phải thu và gia tăng chiếm dụng vốn từ nhà cung cấp đã giúp dòng tiền hoạt động của Công ty không bị âm quá lớn. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ vay của Phân bón Bình Điền là 1.426,4 tỷ đồng, chiếm 37% cơ cấu nguồn vốn; tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đạt 1,05 lần; nợ ngắn hạn chiếm 96,4% cơ cấu nợ vay. Mặc dù dư nợ tăng, nhưng chi phí lãi vay của Công ty trong năm qua lại giảm 29% so với năm 2020, nhiều khả năng nhờ hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất.
Tuy vậy, với vốn vay chiếm hơn 1/3 cơ cấu nguồn vốn, áp lực chi phí lãi vay của Công ty năm nay dự báo sẽ lớn hơn, khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận