Phải xác định rõ nhà ở xã hội là dành cho người thu nhập thấp
Góp ý về chính sách phát triển NƠXH tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP cho rằng, dự thảo phải xác định rõ chính sách NƠXH là dành cho người thu nhập thấp.
Đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là tất cả những người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai.
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, trong đó có cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, ngày 3/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn); tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.
Đề án đã đưa ra các định hướng chính sách cơ bản về xây dựng nhà ở xã hội như: chính sách về huy động nguồn vốn, về tài chính (tiền sử dụng đất, thuế, phí), về tín dụng (trước mắt là chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng), về giá nhà ở xã hội, về các chính sách đối với các chủ dự án...
Đồng thời Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng trình Quốc hội Nghị quyết về thí điểm một số chính sách phát triển nhà ở xã hội. Căn cứ vào những định hướng chính sách của Đề án nói trên và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 17/3/2023, chúng tôi xin chia sẻ một số ý kiến về chính sách đối với phát triển nhà ở xã hội quy định tại Chương VI dự thảo Luật như sau:
1. Về đối tượng, hình thức, điều kiện, nguyên tắc thực hiện chính sách nhà ở xã hội
Tại chương VI, mục 1 dự thảo Luật (từ Điều 73 đến Điều 76) đưa ra các chính sách chung đối với nhà ở xã hội, bao gồm các quy định về đối tượng, hình thức, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và nguyên tắc thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Chúng tôi xin có một số bình luận và kiến nghị về các nội dung này.
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội là tất cả những người thu nhập thấp
a) Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Điều 73 dự thảo Luật quy định có 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Chúng tôi cho rằng, quy định như Điều 73 là chưa hoàn toàn phù hợp với tư tưởng chính sách, chưa rõ về tiêu chí, điều kiện của đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đồng thời tạo ra những cách hiểu khác nhau về phạm vi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Cụ thể Điều 73 chưa xác định rõ đối tượng được hưởng chính sách này là người có thu nhập thấp. Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Quy định của Điều 73 còn dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau, có cách hiểu rất hẹp rằng, chỉ có 12 loại đối tượng được liệt kê ở Điều 73 mới thuộc diện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Những người có thu nhập thấp (vẫn còn trong thực tế mà Điều 73 chưa thống kê hết) nhưng không thuộc 12 đối tượng này thì không được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Cách hiểu khác thì lại rất rộng cho từng đối tượng của chính sách, ví dụ đối tượng là "Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức" (khoản 8 Điều 73) sẽ được hiểu là tất cả ngững người là cán bộ, công chức, viên chức, bất kể họ có phải là đối tượng có thu nhập thấp hay không. Cả hai cách hiểu trên đều không đúng và vô hình trung tạo ra sự thiếu rõ ràng, bất bình đẳng về chính sách nhà ở xã hội (cho dù Điều 75 có quy định cụ thể về điều kiện đối với từng đối tượng này).
Từ phân tích trên, chúng tôi đề nghị nên viết lại Điều 73 theo hướng, xác định rõ chính sách nhà ở xã hội là chính sách dành cho người có thu nhập thấp.
Theo đó Điều 73 cần khẳng định: đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là tất cả những người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai, không chỉ gồm 12 loại đối tượng như Điều 73 dự thảo Luật. Thu nhập thấp là điều kiện tiên quyết để xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở – một chính sách ưu việt cho tất cả những người có thu nhập thấp.
Còn việc chỉ ra 12 loại đối tượng và có thể nhiều hơn nữa cũng là cần thiết (như quy định tại Điều 74 và Điều 75), nhưng là để cụ thể hóa các điều kiện và có hình thức, chính sách hỗ trợ khác nhau cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Cần rà soát, bổ sung đầy đủ đối tượng cũng như sự hợp lý của tiêu chí thu nhập thấp
b) Về hình thức, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 74, 75), căn cứ Điều 73 được chỉnh lý như đề xuất trên đây, cần tiếp tục cụ thể hóa tiêu chí thế nào là thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể, để bảo đảm chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng của chính sách, đồng thời có các hình thức hỗ trợ phù hợp.
Ví dụ: đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thì nhu cầu về nhà ở sẽ khác với hộ nghèo ở nông thôn; hoặc hộ nghèo nông thôn thì nhu cầu nhà ở, hình thức hỗ trợ sẽ khác với đối tượng là công nhân các khu công nghiệp.
Do vậy, chúng tôi cơ bản đồng tình với cách phân loại đối tượng, hình thức và điều kiện hỗ trợ được quy định tại Điều 74 và 75 dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng cần rà soát, bổ sung cho đầy đủ đối tượng cũng như sự hợp lý của tiêu chí thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể, bảo đảm bao quát và sự hợp lý, công bằng của chính sách.
Phải có sự đồng hành, tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
c) Về nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Điều 76 dự thảo Luật đưa ra 6 chính sách. Các chính sách này cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chính sách quan trọng nhất trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội là sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng hành cùng tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Các chính sách này còn chung chung, chưa thực sự được thể hiện một cách rõ nét tại điểm b khoản 1 Điều 76 (Có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách).
Do đó, cần viết lại điểm b để khẳng định rõ nguyên tắc này như sau: "Có sự kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia, hỗ trợ của doanh nghiệp…". Để thực hiện Chiến lược về nhà ở quốc gia, Đề án về nhà ở xã hội thì Nhà nước cần xác định rõ trách nhiệm tiên phong của mình bằng những hỗ trợ trực tiếp từ cơ chế, chính sách, từ các nguồn lực (đất đai, tài chính, tín dụng…).
Tuy nhiên, ngoài vai trò hỗ trợ của Nhà nước cần phải có sự đồng hành, tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Cần phải coi đây là trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp bất động sản, để họ thấy được trách nhiệm của họ cùng với Nhà nước chung tay thực hiện một chính sách lớn, có tính nhân văn cao cả là chăm lo nhà ở cho những người có thu nhập thấp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội
2. Về bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội
Khoản 1 Điều 80 dự thảo Luật quy định: Khi lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Đối với khu vực nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời khoản 4 Điều 82 về ưu đãi đối với chủ đầu tư có quy định: Chủ đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua được dành một phần quỹ đất trong phạm vi dự án hoặc một phần diện tích sàn thuộc phần khối đế công trình theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng, kinh doanh công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại. Chủ đầu tư được hạch toán riêng và hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này.
Đây là hai nội dung mới so với các quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP về nhà ở xã hội. Theo quy định hiện hành của hai nghị định này thì chủ dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% tổng diện tích đất của dự án để làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định này ít khả thi trên thực tế, vì cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Do đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến bỏ quy định này, thay bằng các quy định mới của Điều 80 và 82 như nêu trên.
Chúng tôi cho rằng, quy định mới của dự thảo Luật về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội là hợp lý, vừa thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, không có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường; đồng thời tăng cường trách nhiệm, sự chủ động cho chính quyền địa phương, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu nhà ở thực tế của người dân tại địa phương.
Tuy nhiên quy định này cũng có nhược điểm là tăng gánh nặng tài chính cho địa phương khi nguồn lực ngân sách còn hạn chế. Do vậy, rất cần có chính sách, cơ chế để huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là từ chính các doanh nghiệp bất động sản cùng chung tay, góp sức xây dựng nhà ở xã hội.
Đồng thời, việc bỏ quy định hiện hành về doanh nghiệp dự án bất động sản phải dành 20% quỹ đất của dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội cũng là hợp lý, vì không khả thi. Tuy nhiên, dự thảo Luật thay bằng phương thức cho phép doanh nghiệp dự án được dành một phần diện tích đất (có thể là 20%) của dự án nhà ở xã hội để làm thương mại, được hạch toán riêng và thu lợi nhuận riêng thì e là cũng khó khả thi, tương tự như quy định tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP nói trên.
Do vậy, nên thiết kế một phương án đơn giản hơn và có thể khả thi hơn như sau: Luật nên quy định doanh nhiệp bất động sản có trách nhiệm phải tham gia xây dựng nhà ở xã hội (như lý do chúng tôi đã nói ở trên). Tỷ lệ diện tích nhà ở xã hội các doanh nghiệp phải xây dựng tối thiểu là 20% trên tổng diện tích các dự án nhà ở mà các doanh nghiệp thực hiện.
20% diện tích nhà ở xã hội này các doanh nghiệp có thể lựa chọn xây dựng trong dự án nhà ở thương mại của doanh nghiệp được phê duyệt hoặc trong khu vực đã được quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội bởi UBND cấp tỉnh.
Phương thức này vừa hài hòa trách nhiệm của Nhà nước với trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản trong phát triển nhà ở xã hội, vừa bảo đảm tính linh hoạt và khả thi hơn (phương thức này sẽ tiếp tục được bàn đến ở điểm 4 dưới đây).
Đề xuất trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án theo hình thức bốc thăm
3. Về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội
Điều 81 dự thảo Luật quy định: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công và pháp luật xây dựng.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư không phải bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện như sau:
- Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư;
- Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo pháp luật đấu thầu;
Quy định lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là phù hợp với pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đấu thầu và xây dựng. Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư không bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nếu có từ hai nhà đầu tư đăng ký trở lên mà vẫn thực hiện theo phương thức đấu thầu theo Luật đấu thầu thì cần phải cân nhắc, xem xét thêm.
Về vấn đề này, dự thảo Luật trình Chính phủ cho ý kiến trước đây đưa thêm một phương án (phương án 1) như sau: Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án theo hình thức bốc thăm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án tổ chức, có đại diện của các Sở ngành có liên quan, cơ quan công an, kiểm toán, chủ đầu tư theo hướng: chủ đầu tư tham gia bốc thăm phải đáp ứng các tiêu chí về: điều kiện chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, dự thảo Luật trình UBTVQH cho ý kiến (như Điều 81 nêu trên) đã bỏ phương án này.
Liên quan đến chính sách này, nếu vẫn thiết kế chính sách giao đất không thu tiền sử dụng đất (kể cả trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn như hiện nay), nhưng vẫn giữ nguyên cơ chế hiện hành về lựa chọn nhà đầu tư (thông qua đấu thầu) thì sẽ không có đột phá, không tạo bước chuyển biến đáng kể trong tháo gỡ các khó khăn hiện nay về lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu.
Từ đó, chúng tôi khuyến nghị nên lựa chọn cải cách theo phương án trình Chính phủ như nói trên (phương án 1). Phương thức bốc thăm lựa chọn nhà đầu tư cũng chính là kinh nghiệm thành công mà Hàn Quốc đã và đang áp dụng khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Phương thức này sẽ giúp cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính về đấu thầu, theo đó cắt giảm được rất nhiều thời gian và tiền bạc từ các thủ tục này (đây là vấn đề đang rất vướng mắc trong thực tiễn hiện nay).
Tuy nhiên, phương án này cũng tạo ra sự thiếu thống nhất đồng bộ với Luật đất đai, Luật đầu tư công và Luật Đấu thầu hiện hành. Mặt khác, phương án bốc thăm cũng có thể tạo ra bất bình đẳng giữa các nhà thầu, khi có nhà thầu may mắn bốc được nhiều lần, có nhà thầu thì không. Từ đó, nếu lựa chọn phương án bốc thăm chúng tôi đề nghị:
Thứ nhất, chính sách phát triển nhà ở xã hội là một chính sách đặc biệt, thể hiện tính ưu việt của chế độ, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến an sinh xã hội, trợ cấp xã hội nên cơ chế, chính sách cũng phải đặc biệt.
Nếu chúng ta chấp nhận lựa chọn phương án bốc thăm thì phải đồng thời chấp nhận sửa đổi các quy định liên quan trong các luật về đất đai, đầu tư công, đấu thầu liên quan đến các dự án nhà ở xã hội, mà Luật Đất đai và Luật Đấu thầu cũng đang trong quá trình sửa và xem xét cùng với Luật Nhà ở nên cũng thuận lợi cho việc điều chỉnh, đồng bộ hóa chính sách.
Thứ hai, để bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp dự án, đề nghị bổ sung vào phương án này quy định: những nhà thầu đã bốc thăm trúng thầu dự án xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ không được tham gia bốc thăm ở các gói thầu tiếp theo trong thời gian nhất định (có thể từ 1 đến 2 năm).
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, khó kiểm soát được tính minh bạch trong cơ chế bốc thăm. Thực tiễn cơ chế đấu thầu hiện nay cũng còn nhiều vấn đề chưa công bằng, chưa minh bạch vẫn được gọi là "đấu thầu hình thức", "quân xanh, quân đỏ". Vấn đề là cách tổ chức, quản lý và giám sát như thế nào để bảo đảm minh bạch, loại bỏ những hạn chế, tiêu cực trong tổ chức thực hiện chứ không phải hoàn toàn vì cơ chế mà sinh ra tiêu cực.
Kiến nghị chỉ nên thiết kế một chính sách rất đơn giản trong ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội với 2 yếu tố cơ bản
4. Về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội
Điều 82 dự thảo Luật quy định khá nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong đó có điểm mới như đã đề cập ở điểm 2 nói trên là: Được dành một phần quỹ đất trong phạm vi dự án hoặc một phần diện tích sàn thuộc phần khối đế công trình theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng, kinh doanh công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại. Chủ đầu tư được hạch toán riêng và hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này. Về ưu đãi này, người viết đã có ý kiến tại điểm 2 bài viết này.
Chúng tôi thống nhất quan điểm rằng, cần có chính sách đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi nào thì cần phải tính toán cụ thể trên cơ sở hài hòa ba lợi ích: Người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Đây là bài toán kinh tế, ở góc độ lập pháp thì rất khó góp ý. Các nhà kinh tế cần phải đưa vấn đề lên bàn tính để tính toán, tìm ra đáp số cho bài toán lợi ích này.
Cuối cùng là phải đưa ra các chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để nhà đầu tư không bị thiệt thòi nhưng cũng phải kêu gọi lòng thiện tâm để họ thấy rõ trách nhiệm xã hội của mình trong việc chung tay cùng Nhà nước quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội.
Tuy nhiên, chính sách càng phức tạp thì càng tốn thêm chi phí vận hành và quản lý, càng dễ bị lợi dụng, biến tướng. Do vậy, chỉ nên thiết kế một chính sách rất đơn giản trong ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội với 2 yếu tố cơ bản, đó là:
(1) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đây là yếu tố quyết định để giảm giá nhà ở xã hội, bảo đảm sự chi trả hợp lý cho những người có thu nhập thấp.
(2) Quy định lợi nhuận định mức hợp lý đối với 20% phần diện tích nhà ở xã hội mà doanh nghiệp bất động sản có trách nhiệm phải xây dựng như đề xuất của chúng tôi ở điểm 2 nói trên cùng với chính sách miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp để đơn giản hóa chính sách, tiết giảm chi phí quản lý, tránh tiêu cực. Với thiết kế này chúng tôi cho là hài hòa được các lợi ích, khả thi và sẽ đi vào cuộc sống.
Nếu ở những thời điểm nhất định, doanh nghiệp bất động sản chưa đạt 20% diện tích nhà ở xã hội trên tổng diện tích các dự án bất động sản của doanh nghiệp đã làm thì doanh nghiệp phải hoàn thành 20% đó mới được tham gia đấu thầu hoặc bốc thăm thực hiện dự án bất động sản tiếp theo.
Tất nhiên, để thực hiện được cơ chế nói trên thì Nhà nước phải có quỹ đất sạch. Mà muốn có quỹ đất sạch để đưa ra đấu thầu, đấu giá thì đương nhiên Nhà nước phải có nguồn vốn lớn để thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Sẽ có ý kiến phản biện rằng, nguồn tài chính ở đâu để Nhà nước tạo quỹ đất sạch. Thiết nghĩ, vốn ở các ngân hàng thương mại không thiếu, nếu chúng ta mở "rum", cho phép các ngân hàng đưa vốn vào các dự án nhà ở xã hội để nhà nước thực hiện thu hồi, đền bù, tạo quỹ đất sạch, sau đó đấu thầu, đấu giá, thu hồi vốn cho ngân hàng thì không phải là không khả thi.
Với cơ chế miễn tiền sử dụng đất đối với dự án và thực hiện cơ chế trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bất động sản về 20% diện tích nhà ở xã hội với lợi nhuận định mức hợp lý cùng với chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, chúng tôi cho là sẽ khả thi cho bài toán lợi ích này.
Cũng xin nói thêm rằng, Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII của Đảng đã khẳng định hai định hướng chính sách cơ bản là giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu thầu, đấu giá và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Để hiện thực hóa được các chính sách này trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, điểm cốt lõi là phải xử lý được chênh lệch địa tô. Muốn xử lý được chênh lệch địa tô, bảo đảm hài hòa lợi ích ba bên thì phương án khả thi nhất là Nhà nước phải tạo được quỹ đất sạch, từ đó thực hiện đấu thầu, đấu giá đối với tất cả các dự án bất động sản nói chung./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận