Petrolimex: Nợ vay tăng mạnh, dòng tiền âm nghìn tỉ
Nợ vay ngắn hạn tại Petrolimex những năm qua biến động theo xu hướng tăng, lên tới 19.135 tỉ đồng năm 2023, tăng 41% so với năm trước. Trong quý I/2024, tiền mặt của doanh nghiệp “bốc hơi” 12%, dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm 1.398 tỉ đồng.
Tiền mặt “bốc hơi” 12%
Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2024 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã CK: PLX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 75.106 tỉ đồng, tăng 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.132 tỉ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 31.3.2024, tổng tài sản của Petrolimex đạt 80.732 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với đầu năm. Trong đó, 58.284 tỉ đồng là tài sản ngắn hạn, tăng 1,7% so với đầu năm.
Đáng chú ý, các khoản tiền và tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn của Petrolimex “bốc hơi” mạnh trong quý đầu năm, chỉ còn 25.084 tỉ đồng, giảm 12% so với con số 28.615 tỉ đồng đầu năm. Petrolimex cũng đầu tư 4.200 tỉ đồng trái phiếu, giảm 1.000 tỉ đồng so với đầu năm. Phần lớn trong đó là trái phiếu ngân hàng BIDV và 1.200 tỉ đồng là trái phiếu ngân hàng Vietinbank.
Tiền và tương đương tiền, tiền gửi tại Petrolimex giảm mạnh trong quý I/2024.
Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 14.924 tỉ đồng, tăng 34% so với đầu năm. Phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 94% trong cơ cấu phải thu ngắn hạn, đạt 14.020 tỉ đồng. Hàng tồn kho ở mức 16.750 tỉ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Phần lớn là hàng hóa và nguyên vật liệu. Petrolimex đã trích lập 11,3 tỉ đồng dự phòng giảm giá khoản mục tồn kho này.
Chi phí xây dựng dở dang ở mức 909 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với con số 919 tỉ đồng đầu năm. Trong đó chủ yếu là giá trị dở dang tại dự án xây dựng trụ sở số 1 Khâm Thiên, dự án đầu tư mở rộng sức chứa và bến xuất ôtô xitec Hải Dương và các dự án khác.
Tính đến ngày 31.3.2024, Petrolimex đầu tư vào 61 công ty con, phần lớn trong đó là các công ty kinh doanh xăng dầu do Tập đoàn này nắm giữ 100% vốn. Bên cạnh đó là các công ty hoạt động trong các lĩnh vực lưu trữ, mua bán xăng dầu; kinh doanh các sản phẩm từ hóa dầu; mua bán sản phẩm gas; cung cấp nhiên liệu bay cho các hãng hàng không; kinh doanh dịch vụ vận tải; kinh doanh nước đá, hải sản đông lạnh… do Petrolimex nắm quyền chi phối và sở hữu 51% trở lên.
Tập đoàn này cũng đầu tư vào 8 công ty liên kết với giá trị đầu tư 1.449 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu từ 22% - 46%; đầu tư vào 8 đơn vị khác với giá trị đầu tư đạt 263 tỉ đồng, tuy nhiên, Petrolimex phải trích lập dự phòng tới 117 tỉ đồng cho các khoản đầu tư này.
Nợ vay ngắn hạn tăng mạnh
Về phía nguồn vốn, tại ngày 31.3.2024, nợ phải trả của Petrolimex ở mức 50.419 tỉ đồng, không nhiều biến động so với đầu năm. Tuy nhiên, số nợ phải trả cao gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu của Petrolimex cuối quý I/2024 đạt 30.313 tỉ đồng).
Chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ phải trả của Petrolimex là giá trị nợ vay với khoản vay ngắn hạn 16.007 tỉ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Nợ vay ngắn hạn của Petrolimex những năm qua biến động theo xu hướng tăng. Trong đó tăng mạnh nhất trong năm 2023 với khoản vay ngắn hạn 19.135 tỉ đồng, tăng mạnh 41% so với đầu năm. Ngược lại, khoản vay dài hạn ở mức dưới 1 nghìn tỉ đồng khi giảm dần những năm gần đây.
Vay ngắn hạn tại Petrolimex tăng mạnh 41% trong năm 2023.
Theo thuyết minh, vay ngắn hạn của Tập đoàn chủ yếu là các khoản vay ngân hàng, có kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng. Đây là các khoản vay tín chấp, nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động, mở các tín dụng thư nhập khẩu xăng dầu. Lãi suất của các khoản vay này được quy định theo từng ngân hàng và từng khoản vay.
Thuyết minh về khoản vay ngắn hạn 19.135 tỉ đồng trong năm 2023, BCTC Hợp nhất năm 2023 của Petrolimex ghi nhận, công ty mẹ vay 13.222 tỉ đồng, tăng 51% so với đầu năm; Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex vay 2.414 tỉ đồng, tăng 3,3 lần so với đầu năm; Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP vay 1.365 tỉ đồng, giảm 22%; Tổng Công ty Gas Petrolimex - CTCP vay 1.163, tăng 15% so với đầu năm…
Ngược lại, vay dài hạn ở mức 646 tỉ đồng, giảm 21,5% so với đầu năm. Đây là các khoản vay ngân hàng có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 120 tháng của các công ty con trong Tập đoàn. Mục đích của các khoản vay dài hạn là để tài trợ cho các dự án đầu tư, xây dựng kho xăng dầu, mua tàu chở dầu và các dự án khác của Tập đoàn.
Dòng tiền âm nghìn tỉ
Về dòng tiền, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất quý I/2024 Petrolimex ghi nhận, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn âm 1.398 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước âm 2.678 tỉ đồng.
Dòng tiền kinh doanh quý đầu năm tại Petrolimex âm.
Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 7.572 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước dương 177 tỉ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 3.158 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước âm 68 tỉ đồng.
Trong kỳ, Petrolimex có khoản tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác 10.501 tỉ đồng; tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được 21.602 tỉ đồng. Ngược lại, doanh nghiệp chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác 2.912 tỉ đồng và chi trả nợ gốc vay lên tới 24.760 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận