PCI 2022: Kỳ vọng nhiều vào chất lượng thực thi chính sách của Chính phủ
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, Quốc hội đã được ban hành rất nhiều; nhưng cái chính là chất lượng thực thi của các tỉnh và thành phố.
Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI 2022) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Điều này phản ánh tình hình kém lạc quan; thậm chí là đáng lo ngại trong bối cảnh có tới 60,2 nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong quý I/2023.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Giám đốc Dự án PCI, VCCI đã có những bình luận, đánh giá và phân tích vai trò của chính quyền các địa phương trong việc cần tạo động lực nhiều hơn để thúc đẩy mạnh mẽ hành trình cải cách, hướng tới việc tạo thuận lợi và cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Kết quả của Báo cáo chỉ số PCI 2022 phản ánh những điểm gì nổi bật thưa ông?
Kết quả xếp hạng PCI công bố trong năm nay về cơ bản không thay đổi nhiều so với PCI 2021. Điểm trung vị bình quân tiếp tục được cải thiện thể hiện đà cải cách ở các địa phương vẫn đang được duy trì. Mặc dù tốc độ thay đổi cũng có phần chững lại nhưng tình hình cải cách ở nhiều tỉnh và thành phố vẫn được ghi nhận là có sự thay đổi tích cực, thể hiện định hướng thay đổi rất đều.
Điểm nổi bật trong báo cáo PCI 2022 là chi phí không chính thức vẫn đang tiếp tục giảm kể từ năm 2016 trở lại đây. Thực tiễn khảo sát các doanh nghiệp đều ghi nhận điều này bao gồm cả việc chi trả chi phí không chính thức đến quy mô của các khoản chi phí không chính thức cũng đang trên đà giảm mạnh so với nhiều năm trước.
Tuy nhiên, nhìn chung thì điều tra PCI 2022 đang cho thấy bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế đang rất là khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ sẽ có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh cũng giảm kỷ lục so với nhiều năm. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh báo cáo có lãi cũng đạt mức thấp nhất kể từ khi VCCI thực hiện điều tra PCI. Điều này thể hiện sự ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đến nền kinh tế trong nước và tới cộng đồng doanh nghiệp là rất mạnh mẽ.
Do đó, trong bối cảnh này, chúng tôi cũng kỳ vọng rất nhiều vào vai trò tổ chức và điều hành của chính quyền các tỉnh, thành phố; trong đó, sự năng động, hỗ trợ, sự đồng hành tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp cần hết sức được coi trọng.
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, Quốc hội đã được ban hành rất nhiều; nhưng cái chính là chất lượng thực thi của các tỉnh và thành phố. Bản thân báo cáo PCI 2022 cũng nói lên tiếng lòng, sự mong đợi từ chính cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lúc này, tinh thần đồng hành hỗ trợ của chính quyền các địa phương đang và sẽ mang lại những hiệu ứng rất lớn, nó có thể tạo thêm động lực thúc đẩy để gia tăng niềm tin giúp cho các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn; nó cũng giúp cho tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng trở lại với đà phát triển cao.
Vì thế, chủ đề chính của báo cáo PCI 2022, chúng tôi chọn là: "Hy vọng!". Hy vọng sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố. Hy vọng vào quá trình chuyển đổi ở Việt Nam từ nay sẽ bước sang giai đoạn phát triển một cách bền vững và xanh. Chủ đề ấy cũng đã gửi gắm những thông điệp quan trọng từ tất cả những thành viên, tổ chức tham gia dự án PCI.
Ông nhận định như thế nào về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố khi mà đa số địa phương trong bảng xếp hạng PCI 2022 đều tăng trưởng thấp, thậm chí là âm. Đồng thời có tới hơn 60 nghìn doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường và gần 40% nhu cầu đầu tư nước ngoài đang có xu hướng bị thu hẹp?
Qua điều tra PCI 2022 chúng tôi thấy rõ ràng là, năm 2022 là năm đầu tiên mà kinh tế của Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19. Một năm vô vàn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những cải cách của chính quyền các địa phương vẫn được tích cực duy trì và bằng chứng là điểm trung vị của chỉ số PCI 2022 so với năm trước đó không hề thay đổi nhiều, thậm chí là tăng nhẹ.
Sau rất nhiều năm tiến hành cải cách thủ tục hành chính, xu hướng này vẫn được giữ vững và các chi phí không chính thức đang không ngừng giảm, chứng tỏ hiệu ứng tích cực của chính sách điều hành kinh tế ở phần lớn các địa phương. Thế cho nên, vai trò của bộ máy chính quyền địa phương cần phải nhìn cho thấu những thách thức đặt ra, đó là làm sao cần phải chủ động 1 cách tích cực và mạnh mẽ hơn nữa, mới mong đem lại hiệu quả hơn nữa.
Bởi vì bối cảnh hiện nay đã rất khác, khi mà tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ đang gặp khó khăn là rất cao; tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ thị trường cũng rất cao, nên sự vào cuộc của chính quyền địa phương là rất quan trọng và không thể như trước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vai trò của chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp tư nhân ở địa phương rất là lớn. Nếu như các tập đoàn lớn, các tập đoàn quốc tế thì có thể những khó khăn sẽ cần ở họ sự tự chủ, các chiến lược bài bản sẽ giúp họ tìm cách quản trị tốt các rủi ro.
Song với rất, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ vừa của Việt Nam thì sự nhạy cảm với thủ tục hành chính, những cái khó khăn trục trặc về chính sách, nếu họ vướng phải, chắc chắn sẽ để lại nhiều ảnh hưởng và tác động rất lớn tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Thế nên với kết quả điều tra của PCI 2022 vừa công bố sẽ mang lại những hiệu ứng, những chuyển động hay cú hích nào đó, giúp cho chính quyền các địa phương thay đổi góc nhìn và hành động tích cực hơn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và cả ở trong nước đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, ông có khuyến nghị gì tới chính quyền các địa phương và hành động của các doanh nghiệp để làm sao vừa đảm bảo tăng trưởng ổn định, vừa phát triển bền vững như chúng ta luôn chủ trương lâu nay?
Đúng là trong bối cảnh hiện nay khi mà nền kinh tế toàn cầu luôn diễn ra xu hướng bất định và ngoài tầm kiểm soát thì sự chủ động và nỗ lực tự thân vẫn là điều cực kỳ quan trọng. Sự thay đổi của thị trường tài chính toàn cầu, xung đột giữa các nước lớn.... và sự phụ thuộc chủ yếu vào các thị trường xuất khẩu đang là điểm yếu cần lưu tâm nhất không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà cả với nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng, cần đặc biệt tập trung cho việc tạo thuận lợi và sự ổn định của môi trường kinh doanh để giúp bù đắp cho những thay đổi cùng những bất ổn của thế giới. Điều tra PCI 2022 và cả ở giai đoạn đầu của năm 2023 đã thấy rõ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Vì thế, phải nhờ vào sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự chủ động và tinh thần hỗ trợ tích cực của chính quyền các địa phương mới mong bù đắp cho những điều bất ổn từ bên ngoài tác động vào; giúp tháo gỡ những trục trặc mà doanh nghiệp gặp phải trên thị trường thế giới. Ngoài ra nữa, cần phải tích cực tiết giảm về chi phí, thời gian, cải cách thủ tục hành chính... Những điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, các địa phương cần thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, chẳng hạn như: thay vì thanh tra, kiểm tra quá nhiều thì chúng ta thanh tra định kỳ; thay vì kiểm tra quá nhiều thì nay chúng ta giảm bớt hoặc hay vì thủ tục hành chính thực hiện nhiều tuần thì nay chỉ nên thực hiện trong vòng vài ngày; thay vì sử dụng quy trình tốn kém để đáp ứng nhu cầu thì chúng ta giảm thiểu... Chỉ cần làm tốt những việc đó thôi đã có thể giúp cho doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, giúp họ có thể tồn tại được trong giai đoạn rất nhiều khó khăn như hiện nay.
Một thông điệp rất quan trọng trong PCI 2022 mà chúng tôi mong muốn truyển tải tới các địa phương, đó là hãy: "Lấy doanh nghiệp làm trung tâm và hãy đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ họ, để tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp tiến xa hơn"!
Trân trọng cám ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận