Ông Trịnh Văn Quyết: 'Bamboo Airways phủ kín đường bay nội địa vào đầu tháng 6'
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định Bamoo Airways sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6, chậm nhất là tháng 7.
Phát biểu tại "Hội nghị hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục nền kinh tế" diễn ra tại FLC Quy Nhơn (Bình Định), khi được hỏi những khó khăn, vướng mắc và bất cập mà Bamboo Airways gặp phải trong và sau khi giãn cách xã hội, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Bamboo Airways chia sẻ trước đó, đã kiến nghị với Cục Hàng không cùng Bộ GTVT và cơ bản đã được giải quyết.
Nhìn chung, đến thời điểm này, chính phủ, các bộ ngành đều làm rất quyết liệt, chính sách cho ngành hàng không, vì thế, khó khăn đã và đang được tháo gỡ. Bộ GTVT và Cục Hàng không đã kịp thời vào cuộc, đặc biệt là sau lệnh giãn cách xã hội.
Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay, tuy nhiên, nếu trước COVID-19, hãng bay 150 chuyến một ngày thì hiện tại mới đạt 50%. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7. Ông Quyết mong muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động tốt nhất vì Bamboo Airways không bị ảnh hưởng bởi nhiều thị trường quốc tế. Ông Quyết cũng rất vui vì hãng hàng không được người dân trong nước tin tưởng, ủng hộ.
Tại hội nghị, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, kinh tế thế giới được đánh giá là sẽ suy thoái nhanh và phục hồi nhanh khi trung tâm dịch ở châu Á. Hiện nay, trung tâm dịch ở châu Âu, khu vực Đông Bắc Á đã bình ổn trở lại, các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới sẽ phục hồi không nhanh, mất vài ba năm. Tuy nhiên, Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng. Chúng ta đã dập dịch nhanh vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á. Việt Nam phục hồi nhanh nhờ cầu nội địa và cầu thế giới, hy vọng mở cửa nhanh cùng Hồng Kông và Singapore.
"Chúng ta, nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu. Chúng ta đã có bài học từ chính phủ Mỹ, Nhật Bản về kích cầu du lịch. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có giải pháp ở mức hạn chế vì sợ dịch bệnh kéo dài, tung hết giải pháp thì sau không còn gì để tung", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, sân bay, khu du lịch đông và đã trên 30 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Vì vậy, đây là cơ hội lớn của du lịch và hàng không để kích cầu và phát triển trở lại.
Về việc phối hợp giữa ba bên địa điểm du lịch, lữ hành kết hợp với ngành hàng không và việc hàng không và du lịch phải kết hợp với nhau chặt chẽ như thế nào để thúc đẩy sự phát triển, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, du lịch là ngành có tính lan tỏa cao. Đi du lịch, du khách quan tâm đến việc quan trọng đầu tiên là ở đâu, sau đó ăn gì rồi mới đến đi đâu chơi và mua gì về làm quà. Vì vậy ngành du lịch cần sự kết nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp du lịch, lưu trú và hàng không.
Qua thời kỳ bình thường mới, ngành du lịch khi đó mới trỗi dậy, cất cánh thực sự. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp để phát triển. Với ngành hàng không, không chỉ có máy bay mà còn có nhiều loại dịch vụ đi kèm vì vậy khi có khó khăn các dịch vụ cùng chia sẻ khó khăn với ngành để hỗ trợ ngành phát triển.
Trả lời câu hỏi: "Với một nền kinh tế hướng ngoại như Việt Nam và có tỷ trọng ngành dịch vụ lớn như Việt Nam thì sự phục hồi của ngành hàng không đóng vai trò như thế nào", TS. Trần Du Lịch cho biết, cách đây 10 hôm, ông tham gia giải du lịch bóng đá quốc gia do Bamboo tài trợ, hình ảnh của cuộc thi khiến cả thế giới kinh ngạc, thèm thuồng. Bởi trong thời kỳ dịch bệnh nhưng đất nước Việt Nam lại quá yên bình, an toàn.
Ngày 29/5, ông tới FLC Quy Nhơn và thấy mọi người "check-in" rất đông, số lượng phòng chật kín. Điều này chứng minh Việt Nam là điểm đến an toàn. Theo ông, ngành hàng không tác động rất lớn tới ngành kinh tế và nhiều hãng hàng không Việt trụ được cho tới bây giờ là rất giỏi. Ông hy vọng, tình cảnh của ngành hàng không sẽ chỉ như cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn tốt, chỉ cần có một cơn mưa là có thể đâm chồi nảy lộc. TS. Trần Du Lịch cho rằng hiện tại, việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu châm hỏi, vì vậy, chúng ta nên thúc đẩy hàng không nội địa.
"Ngành hàng không, các địa phương cần kết hợp với nhau để tạo cú hích phát triển, giúp ngành hàng không từng bước trỗi dậy. Tiếp theo, chúng ta cũng cần phải thay đổi trật tự ngành hàng không, sắp xếp lại các đường bay, chuyến bay...", TS. Trần Du Lịch đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận