menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Oanh

Ông Thành Sacombank "tái xuất" và nghi vấn về khả năng trở lại "mái nhà xưa"

Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh, tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập ngân hàng, chia sẻ rằng: "Tôi vào Sacombank nhưng thương hiệu Sacombank luôn gắn chặt với tên tuổi Đặng Văn Thành. Anh Thành vẫn là Thành Sacombank, còn tôi chỉ là Minh Him Lam". Câu nói này làm dấy lên nghi vấn về khả năng trở lại "mái nhà xưa" của ông Thành.

Từ ngân hàng thành đa ngành

Giới đầu tư và thị trường luôn chú ý đến những chuyển động của nhà sáng lập ngân hàng Sacombank, nên khó có thể bỏ qua sự kiện gia đình ông Đặng Văn Thành, bao gồm cả vợ ông là bà Huỳnh Bích Ngọc và con trai của ông là doanh nhân Đặng Hồng Anh, xuất hiện tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập ngân hàng vào tối 20-12 vừa qua.

Phát biểu tại sự kiện, ông Thành tỏ ra khá xúc động khi nói về việc Sacombank bị “thôn tính không chuyên nghiệp” vào thời điểm 8 năm trước đây. Dù vậy, ông cũng cho biết “rất mừng” khi thấy Sacombank tái cơ cấu đúng hướng, vượt qua những khó khăn để dần phục hồi chỉ trong vòng 3 năm qua.

Trong khi đó, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, chia sẻ rằng: "Tôi vào Sacombank nhưng thương hiệu Sacombank luôn gắn chặt với tên tuổi Đặng Văn Thành và vẫn là Thành Sacombank, còn tôi chỉ là Minh Him Lam". Câu nói này thêm lần nữa làm dấy lên nghi vấn về khả năng trở lại "mái nhà xưa" của ông Thành.

Ông Thành Sacombank "tái xuất" và nghi vấn về khả năng trở lại "mái nhà xưa"
Báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2019 của các công ty thành viên của TTC. Nguồn: Tổng hợp

Đặc biệt hơn, ông Minh cũng bày tỏ mong muốn ông Đặng Văn Thành cùng gia đình tiếp tục đồng hành, tư vấn cho hoạt động của Sacombank, hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu "ngân hàng hạnh phúc".

Vị Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cũng kể lại rằng cách đây 3 năm, ông Minh đã đến gặp ông, nhưng khi đó ông Thành chưa muốn xuất hiện trở lại trong lĩnh vực ngân hàng. "Khi thấy thích hợp, tôi sẵn sàng tham gia thị trường ngân hàng. Vì tôi luôn quan niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì sẵn sàng làm", ông Thành chia sẻ.

Phải chăng hiện tại là thời điểm thích hợp với ông Thành? Và một câu hỏi khác đặt ra nữa là câu chuyện "sẵn sàng" này liệu có liên quan đến những chuyển động mới trong khối tài sản đa ngành hiện nay của ông Thành hay không?

Khối tài sản thuộc nhiều lĩnh vực

Sau khi rời khỏi Sacombank, ông Thành và gia đình bắt đầu mở rộng cơ nghiệp bằng cách đầu tư đa ngành. Bên cạnh những ngành chủ lực từ trước đến nay là bất động sản và mía đường, TTC còn đầu tư vào năng lượng, du lịch và giáo dục.

Trong khi “ngôi nhà xưa” Sacombank của ông Thành được ông Minh “Him Lam” đảm nhiệm việc tái cơ cấu nợ xấu, thì bản thân “gia tộc” Thành Thành Công cũng có những mối quan tâm riêng trong khối tài sản lớn của mình.

Điển hình là câu chuyện tái cấu trúc công ty bất động sản vốn đã nhắc đến trong nhiều năm qua. Được đổi tên từ Sacomreal vào năm 2018, TTC Land vẫn phải đối mặt với những thách thức trong cấu trúc tài chính bởi việc sử dụng đòn bẩy cao trong quá khứ, dù công ty sở hữu nhiều dự án.

Ông Thành Sacombank "tái xuất" và nghi vấn về khả năng trở lại "mái nhà xưa"
Kết quả kinh doanh của TTC Land từ năm 2015 d0ến 2019; trong đó vào năm 2015, lợi nhuận sau thuế cao hơn doanh thu thuần bởi có thêm khoản thu nhập bất thường. Nguồn: Vietstock

Trong một thời gian dài, thị giá cổ phiếu SCR (của TTC Land) thấp hơn mệnh giá, hiện chỉ ở mức 5.930 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 24-12, giảm gần 16,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, TTC Land đang đẩy mạnh tái cấu trúc và có những kết quả mới trong năm nay.

Đầu tiên là sự thay đổi về mặt nhân sự sau đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4. Theo đó, TTC Land có Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Đăng Thanh, người đã từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc Sacombank thời ông Thành còn đảm nhiệm chiếc ghế Chủ tịch.

Để tái cấu trúc, TTC Land trong thời gian qua phải liên tục bán đi nhiều dự án khác nhau. Gần đây nhất là nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển nhượng 20% cổ phần của Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTC IZ) (dự thu 410 tỉ đồng từ thoái vốn), hay trước đó thông qua việc thoái vốn khỏi Hải Phòng Plaza (toàn bộ 70% cổ phần, dự thu hơn 311 tỉ đồng) hồi tháng 9.

Bên cạnh đó, hồi tháng 11 vừa qua, TTC Land công bố ký kết hợp tác chiến lược cùng Lotte E&C (Hàn Quốc) để cùng phát triển dự án, với số vốn dự kiến rót vào khoảng 100 triệu đô la Mỹ.

Ông Thành Sacombank "tái xuất" và nghi vấn về khả năng trở lại "mái nhà xưa"
Diễn biến giá cổ phiếu SCR (của TTC Land) và SBT (của TTC Sugar Biên Hòa). Nguồn: Vietstock

Trong lĩnh vực đã tạo nên tên tuổi trước nay là mía đường, TTC cũng quyết liệt thay đổi cơ cấu sở hữu trong những năm qua, điển hình như thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành vào năm 2017, giữa Mía đường Tây Ninh (SBT) và Đường Biên Hòa (BHS). Sau đó, công ty hợp nhất được đổi tên thành Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa và vẫn niêm yết với mã chứng khoán SBT.

Năm 2019, câu chuyện mía đường cũng “nóng” thêm lần nữa khi lần lượt các thành viên của "gia tộc" như bà Huỳnh Bích Ngọc, bà Huỳnh Thị Ức My phải chi cả ngàn tỉ đồng mua cổ phiếu quỹ của SBT để “trợ giá” cổ phiếu đang có xu hướng giảm mạnh.

Trong khi đó, xét về mặt kinh doanh, các hoạt động chủ lực trước đây của TTC hiện đang gặp nhiều thách thức, thấy rõ nhất là bất động sản và mía đường. Trong khi, thị trường bất động sản chưa khởi sắc thì ngành mía đường lại đang đối mặt với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), được giới phân tích và cả doanh nghiệp khẳng định sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất đường nội địa.

Dấu ấn trong những lĩnh vực mới

Trong năm nay, TTC cũng ghi dấu ấn trong lĩnh vực năng lượng khi niêm yết Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) vào tháng 9 vừa qua. Tương tự ngành mía đường, TTC cũng liên tục thực hiện hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để giúp GEG phình to nhanh chóng.

Hiện tại, GEG sở hữu trực tiếp và gián tiếp 14 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ và vừa, 8 nhà máy điện mặt trời (6 nhà máy đưa vào hoạt động trong năm 2019). GEG còn đặt tham vọng lớn trong ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) với sự góp vốn của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), mà những dự án đầu tư năng lượng tái tạo có quy mô vừa trở lên đều không dưới ngàn tỉ đồng.

Bên cạnh đó, một mảng kinh doanh khác cũng không kém phần quan trọng của Thành Thành Công là du lịch, bao gồm cả bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, được “giao” về Công ty cổ phần Du lịch TTC (mã chứng khoán VNG). Theo quảng bá của TTC, công ty này sở hữu gần 20 khách sạn, resort, trung tâm hội nghị, lữ hành và khu vui chơi 3-4 sao tại nhiều tỉnh thành khắp cả nước và ở Campuchia. Hiện tại, ngành du lịch TTC sở hữu hơn 1.200 phòng ở và đón tiếp khoảng 2.5 triệu lượt khách mỗi năm.

Trong những năm gần đây, TTC liên tục bỏ tiền cho việc mua bán và sáp nhập (M&A) các công ty trong ngành, sau đó hợp nhất nhiều công ty con trong lĩnh vực với nhau (nhưng hiện tại chưa thực hiện hết). Đáng chú ý hơn, cứ mỗi ngành kinh doanh thì TTC lại có công ty con niêm yết trên sàn chứng khoán, giúp TTC gọi vốn từ thị trường thuận lợi và dễ dàng hơn.

Một chuyển động khác trong khối tài sản của tập đoàn Thành Thành Công là việc thoái vốn khỏi mảng giáo dục vào tháng 6 vừa qua. Theo đó, Công ty cổ phần Giáo dục Thành Thành Công được TTC mua lại và đổi tên, sau đó bán cho các nhà đầu tư ngoại.

Có thể thấy quá trình tái cấu trúc Sacombank gần như diễn ra song song với quá trình tái cấu trúc và tăng trưởng của Thành Thành Công, và điểm chung là đều cần đến thời gian và lượng vốn lớn. “Gia tộc” Đặng Văn Thành dù sao đi nữa cũng khó có thể làm tròn cả 2 vai trong cùng lúc như vậy, nhất là khi luật kinh doanh ngân hàng đã có những điều chỉnh quan trọng về câu chuyện sở hữu chéo so với thời điểm ông còn điều hành nhà băng. Dù vậy, câu chuyện ông Thành trở lại với ngành ngân hàng có lẽ chỉ là vấn đề sớm hay muộn.

Báo cáo từ Sacombank cho thấy ngân hàng xử lý gần 39.400 tỉ đồng khoản nợ xấu trong 3 năm qua. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 dự kiến gần 3.200 tỉ đồng, vượt 20% so với kế hoạch.

Trong khi đó, Thành Thành Công (TTC) cho biết định hướng phát triển theo mô hình tổng công ty. Thông tin trên website cho biết kỳ vọng năm 2019 là đạt được tổng tài sản 56.437 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.440 tỉ đồng, dựa trên nguồn vốn điều lệ 18.104 tỉ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại