Ông Phan Văn Mãi: TP HCM sẽ cố gắng giải ngân gần 46.000 tỷ 4 tháng cuối năm
Đặt mục tiêu giải ngân năm nay đạt 95%, ông Phan Văn Mãi nói các tháng còn lại, TP HCM phải "tiêu" 45.790 tỷ đồng, gần bằng kết quả hai năm 2021 và 2022.
TP HCM năm nay được giao vốn đầu tư công lớn nhất cả nước, hơn 70.000 tỷ đồng, gấp đôi năm ngoái. Đến 25/8, địa phương này giải ngân được 28% (nếu không điều chỉnh giảm vốn ODA, tỷ lệ là hơn 27%), có cải thiện so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, con số này chưa như kỳ vọng vì theo kế hoạch, cuối tháng 6, TP HCM phải giải ngân được 35%. Ngoài ra, địa phương này cũng nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp, dù rất quyết liệt ngay những tháng đầu năm.
Nói với VnExpress, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết vướng mắc trước hết nằm ở khâu giải phóng mặt bằng.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP HCM, tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
"Hiện nhiều quận, huyện phải tìm đơn vị thẩm định giá do một số không mặn mà tham gia", ông nói. Ví dụ, tại dự án nút giao thông Mỹ Thuỷ và An Phú (vốn đầu tư lần lượt 3.622 tỷ đồng và hơn 3.400 tỷ đồng thuộc TP Thủ Đức), thành phố phải mất 60 ngày mới chọn được đơn vị thẩm định giá. Điều này cũng diễn ra tương tự tại huyện Bình Chánh khi tìm đơn vị có khả năng đáp ứng được 3 tiêu chí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngay cả khi tìm được đơn vị thẩm định, ông Mãi cho biết tiến độ của hoạt động này cũng gặp một số vấn đề do khó thu thập thông tin giao dịch.
"Nhiều nơi đi vào thẩm định mới thấy có rất ít thông tin giao dịch nhà đất thành công, đồng thời người dân kê khai giá tại các hợp đồng thấp hơn so với thực tế khiến việc xác định giá khó sát với thị trường", ông nói. Theo Chủ tịch TP HCM, nếu giá không sát sẽ dẫn đến người dân khó đồng thuận trong bàn giao đất.
Người dân tháo dỡ nhà chuẩn bị mặt bằng bàn giao cho dự án Vành đai 3 TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Ngoài ra, hồ sơ pháp lý nhà đất phức tạp, thời gian xác minh kéo dài, có khi đến cả tháng. Đặc thù hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm (điện, cấp thoát nước, viễn thông) tại địa phương được xây dựng qua nhiều thời kỳ, rất phức tạp, dẫn đến việc di dời, tái lập để bàn giao mặt bằng cũng kém thuận lợi hơn so với những nơi khác.
"Nhân sự làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố cũng đang bị quá tải, dù đã chỉ đạo tăng cường người", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết. Hiện thành phố có 763 người tham gia vào công việc này cho 21 quận huyện và TP Thủ Đức. Mỗi người phải xử lý nhiều đầu việc từ đo đạc, kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc (tài sản cố định của người dân hình thành sau quá trình thi công, xây dựng) đến tính toán, hỗ trợ quyết định bồi thường, vận động người dân.
Với một số dự án đang có mức giải ngân đầu tư công thấp (0-10%), ông cho biết đa phần là dự án mới, có điểm rơi vào cuối năm, sau khi hoàn thành thủ tục bồi thường hoặc đấu thầu để khởi công.
Bên cạnh yếu tố mặt bằng, việc thi công xây lắp cũng đang chậm tiến độ do nguồn lực của nhà thầu khó khăn sau đại dịch. Nhiều chủ đầu tư trong lập triển khai dự án chưa khoa học, hiệu quả. Một số dự án trong nội đô như nút giao thông An Phú, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thi công trong khu vực mật độ lưu thông lớn, vừa làm vừa di dời, vừa đảm bảo giao thông nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình.
Để khắc phục những nút thắt này, ông Mãi cho biết UBND thành phố đã uỷ quyền cho các quận, huyện, TP Thủ Đức tự phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh giải ngân. Ví dụ như dự án nâng cấp mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), sau khi được duyệt hệ số điều chỉnh giá đất hôm 6/7, chỉ 1 tháng sau giải ngân được 847 tỷ trên 1.750 tỷ đồng. 7 tháng trước, tỷ lệ giải ngân là 0%.
Các đơn vị phải rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đôn đốc, gỡ khó cho các dự án. Những dự án chậm trễ, thành phố sẽ kiên quyết cắt giảm, nhà thầu chay ì, sẽ bị xử lý nghiêm.
"TP HCM sẽ kiên trì giải ngân đến cuối năm đạt 95%", ông Phan Văn Mãi nói. Với mục tiêu này, trong 4 tháng còn lại, thành phố phải giải ngân 45.790 tỷ đồng, gần bằng kết quả thực hiện trong 2 năm 2021, 2022. Như vậy mỗi ngày, thành phố phải tiêu được hơn 381,5 tỷ đồng.
Thừa nhận thách thức là rất lớn, ông Mãi chia sẻ toàn thành phố đã đề ra các nhóm rõ ràng để làm bằng được kế hoạch này.
Đơn cử như vấn đề nhân sự, TP HCM đã tìm cách bổ sung để giảm tải cho cán bộ, đẩy nhanh tốc độ thi hành. Đặc biệt, tại dự án đường Vành đai 3 (dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án giao thông phía Nam từ trước đến nay; đoạn qua TP HCM dài 47 km), huyện Hóc Môn, Củ Chi, đã bổ sung gần 50 người cho mỗi đơn vị. Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng tại TP Thủ Đức cũng đang trong quá trình thêm người để đáp ứng công việc. Ngoài ra, xác định đây là nhiệm vụ chung, ngoài những nhân sự chuyên trách, ông Mãi nói, toàn hệ thống chính trị từ xã đến thành phố, phải xắn tay áo để làm.
Bên cạnh đó, việc Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố đi vào thực thi cũng giúp địa phương này tăng tốc trong giải ngân đầu tư công tới đây. Bởi TP HCM sẽ có cơ sở ban hành danh mục các dự án thực hiện, từ đó, triển khai trước một bước việc điều tra, khảo sát, xác minh nguồn gốc đất, gỡ vướng cho việc giải phóng mặt bằng.
Hiện đầu tư, trong đó có đầu tư công, bên cạnh tiêu dùng và xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của TP HCM. Kinh tế của thành phố 8 tháng đầu năm đã có nhiều cải thiện (dù vẫn chậm), do những động lực này chưa đạt kỳ vọng trước những khó khăn chung.
Số liệu của Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM cho biết trong 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,8% so với cùng kỳ (4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6%); tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng 7,6%; tổng doanh thu du lịch tăng 44,3%; sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng 3,85%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận