Ông Nguyễn Đỗ Lăng nói đầu tư chứng khoán rất dễ mắc “tâm bệnh”
Sau khi rơi về mức 3.800 đồng, đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu APS của CTCP Chứng khoán APEC đã tăng 300% giá trị qua đó trở thành mã chứng khoán tăng mạnh nhất nửa năm trở lại đây.
Cú bứt phá của APS thực chất không đến từ động lực cốt lõi - kết quả kinh doanh - khi công ty đã báo lỗ gần 450 tỷ đồng trong năm 2022.
Nhắc đến APS, nhà đầu tư nhớ ngay đến gương mặt lãnh đạo Nguyễn Đỗ Lăng (Tổng Giám đốc) và các cổ phiếu trong hệ sinh thái APEC Group như API (CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương) và IDJ (CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam). Đây chính là "tam tấu" từng chiếm sóng thị trường chứng khoán giai đoạn từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 11/2021 với nhịp bứt tốc từ 6 - 10 lần thị giá.
Dù là một trong những mã cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm chứng khoán và thị trường chung nửa năm trở lại đây song so với mức đỉnh tháng 11/2021, cổ phiếu APS và nhóm APEC nói chung đều đã giảm hơn 70% giá trị.
Với Chứng khoán APEC, dù có tới 14.300 cổ đông nắm giữ 83 triệu cổ phiếu song công ty vừa ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên ngay trong lần 1.
Ngày 8/6 tới đây, APS sẽ tổ chức ĐHCĐ lần 2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội nhằm thông qua kế hoạch doanh thu 860 tỷ đồng và lãi sau thuế 230 tỷ đồng.
Tại Đại hội, Chứng khoán APEC sẽ trình phương án phát hành 8,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 10%. Công ty cũng dự trình phương án phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp.
Số tiền tối thiểu thu từ đợt phát hành này sẽ được sử dụng để bổ sung vón cho hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính - chứng khoán và cho vay margin. Thời gian dự kiến phát hành là năm 2023 - 2024.
Dù không thể tổ chức Đại hội song Tổng Giám đốc Chứng khoán APS Nguyễn Đỗ Lăng đã có những chia sẻ với cổ đông.
Ông Lăng chia sẻ, những người theo nghiệp chứng khoán, tài chính rất khổ. "Chứng khoán mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui, vô cùng thăng hoa nhưng cũng đem tới quá nhiều đau khổ. Và bi kịch nhất là khi chúng ta khổ thì không nhận ra bản thân mình đang đau…
Những lúc vui, đầu tư cổ phiếu kiếm X2, X3 lần tài khoản thì ngày vui rất ngắn, trôi qua nhanh. Thế nhưng, khi thua lỗ thì gặm nhấm từng ngày, từng giờ. Buồn nhất là khi giá cổ phiếu xuống, chúng ta lại bán “đúng đáy” rồi chứng kiến giá tăng trở lại. Đau kinh khủng luôn!".
Ông Lăng cũng chia sẻ chính trải nghiệm của bản thân mình, vào giai đoạn 2008 - 2009 với giao dịch cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG). "Bản thân khi đó mua vào đúng giá đỉnh thì thị giá giảm mạnh xuống mức đáy. Tuy nhiên, khi giá vừa quay đầu hồi phục đôi chút, “thấy nó nhú lên sướng quá nên chốt lãi luôn.... Cứ thế vừa bán hết thì giá cổ phiếu liên tục phi lên mức cao giai đoạn 2009 - 2010. Đau thắt ruột nhưng chỉ biết cười trong trầm cảm".
Theo vị doanh nhân, "Đầu tư chứng khoán rất dễ mắc “tâm bệnh”, thậm chí mắc phải nhưng không biết mình bị tâm bệnh. Mà tâm bệnh thì khổ gấp nhiều lần bệnh thân thể, kéo dài dai dẳng và chữa rất khó".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận