Ông Lê Quang Minh (Mirae Asset): ‘Khối ngoại sẽ duy trì mua ròng trong năm 2020’
“Thị trường chứng khoán (TTCK) có khả năng sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 với mức dao động quanh 1,050 điểm. Trong đó, vùng 1,140 - 1,150 điểm là ngưỡng cao nhất mà VN-Index có thể tiếp cận khi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các nhân tố vĩ mô. Ngoài ra, khối ngoại vẫn mua ròng, thanh khoản thị trường sẽ tăng nhẹ cùng với cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi là những gam màu chính của TTCK năm 2020”.
Đó là những chia sẻ của ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng Phân tích CTCK Mirae Asset với người viết về nhận định cũng như tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai.
Thị trường có khả năng sẽ tăng nhẹ trong năm 2020
Theo ông Minh, căn cứ vào mối tương quan giữa thị trường trái phiếu và cổ phiếu, thì lợi suất đối với hai thị trường trên về cơ bản phải gần bằng nhau. Cụ thể, lợi suất trái phiếu (bond yield) và lợi suất thu nhập của cổ phiếu (equity earnings yield, được tính bằng EPS toàn thị trường chia cho chỉ số VN-Index).
Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay (27/12), hai lợi suất trên đang biến động không cùng chiều. Trong khi lợi suất trái phiếu các kỳ hạn giảm về mức dưới 3.635% thì lợi suất thu nhập của cổ phiếu có xu hướng đi ngang ở mức 6.387%. Trong quá khứ, hiện tượng phân kỳ giữa hai loại lợi suất này đã từng diễn ra trong giai đoạn 2015 - 2016. Tuy nhiên, sau đó lợi suất thu nhập của cổ phiếu có xu hướng cân bằng với lợi suất trái phiếu trong năm 2017.
Lợi suất trái phiếu (bond yield) và Lợi suất thu nhập của cổ phiếu (Earning yield)
Do vậy, ông Minh tin rằng hai đường lợi suất trên sẽ tiệm cận nhau trong năm 2020 bằng cách đường lợi suất thu nhập của cổ phiếu sẽ giảm về mức gần 3.635% của lợi suất trái phiếu như đã từng diễn ra cách đây 3 năm. Theo đó, giá cổ phiếu (ở đây là VN-Index) sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2020.
Theo đó, tăng trưởng EPS dự phóng toàn thị trường sẽ vào khoảng 9.5% cho năm 2020. Với mức P/E biến động trong khoảng từ 14.5 đến 17.5 lần, thì VN-Index khả năng cao sẽ biến động trong khoảng 946 - 1,142 điểm. Như vậy, VN-Index mục tiêu sẽ dao động quanh mức 1,050 với biên độ +/-100 điểm. Qua đó, “ngưỡng cao nhất mà VN-Index có thể tiếp cận trong năm 2020 là vùng 1,140 - 1,150 điểm” - Ông Minh nhận định.
Mirae Asset dự báo sự biến động của VN-Index
Các nhân tố vĩ mô hỗ trợ tích cực cho sự tăng điểm của VN-Index
Vị chuyên gia đánh giá, một số nhân tố vĩ mô tích cực tiếp tục diễn ra trong năm 2020, như tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6.8%, cao hơn các nước trong ASEAN.
Việc tăng trưởng GDP được hỗ trợ bởi tiêu dùng trong nước tăng trưởng cao (duy trì trên mức 9%, loại trừ yếu tố trượt giá), giải ngân vốn FDI tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và năm 2020 nhiều hiệp định thương mại tự do như CP TPP và EV FTA có hiệu lực.
Với mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ, ông Minh hy vọng đây sẽ là nhân tố hỗ trợ quan trọng trong năm 2020 cho sự tăng điểm của VN-Index.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng; thanh khoản thị trường tăng nhẹ
Ông Minh dẫn số liệu từ Bloomberg, tính từ đầu năm đến ngày 07/12/2019 khối ngoại mua ròng 211 triệu USD (gần 5,000 tỷ đồng) . Việt Nam vẫn nằm trong số ít các quốc gia liên tiếp duy trì đà mua ròng của khối ngoại, mặc dù giá trị mua ròng tính từ đầu năm đến nay vẫn thấp hơn 1.6 tỷ USD mức mua ròng của khối ngoại năm 2018 trước áp lực suy thoái toàn cầu.
Năm 2020, ông Minh cho rằng khối ngoại vẫn sẽ duy trì vị thế mua ròng tại Việt Nam, mặc dù giá trị mua ròng kỳ vọng sẽ khó có thể lớn như 2018 mà chỉ quanh mức năm 2019.
Về giá trị giao dịch trung bình của VN-Index, tính từ đầu năm đến 06/12/2019 chỉ đạt 3,931 tỷ đồng, giảm 28% so với mức trung bình 5,427 tỷ đồng của năm 2018. Năm 2020, dự báo kinh tế thế giới có nhiều biến số bất ngờ có thể tác động tâm lý chung đối với nhà đầu tư. Vì vậy, ông Minh dự báo thanh khoản kỳ vọng năm 2020 có thể gia tăng so với năm 2019 nhưng sẽ không lớn.
Cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi
Việc nâng hạng Kuwait từ thị trường cân biên vừa là cơ hội cho Việt Nam (có thêm tỷ trọng do Kuwait để lại), vừa là động lực để Việt Nam phấn đấu nâng hạng trong những năm tiếp theo. Trong đó, sở hữu nước ngoài, giao dịch T0 là hướng đi chung của thế giới.
Nhìn chung “Việt Nam đang nằm trong nhóm các thị trường cận biên (Frontier market) và kỳ vọng sẽ sớm được nâng hạng lên mới nổi trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, thị trường chứng khoán là ‘phong vũ biểu’ của nền kinh tế, việc nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng sức tăng trưởng mạnh trong những năm tới sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường bứt phá so với các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung” - Ông Minh chia sẻ thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận