Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xây Factory Outlet Phú Quốc: IPPG còn rót nghìn tỷ ở đâu?
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương vừa được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt và lựa chọn làm nhà đầu tư dự án xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc gần 7.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có thể kể đến các hạng mục đầu tư khác của Tập đoàn này như nhà ga quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng; chuỗi cửa hàng bán lẻ bao gồm Vietnam’s Delight Thuyền Rồng, Vietnam’s Delight Tháp Chàm...
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐTV vừa cho biết, doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Kiên Giang chọn là nhà đầu tư chủ lực nhiều dự án tại thành phố Phú Quốc. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và lựa chọn IPPG là nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc.
Dự án có quy mô 101 ha với tổng mức đầu tư 6.830 tỷ đồng gồm 12 hạng mục chính, bao gồm khu phi thuế quan (hàng rào cứng) và khu thương mại, dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan.
Cụ thể, dự án sẽ bao gồm trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlets), khu vực siêu thị miễn thuế, cửa hàng miễn thuế, khu thương mại dịch vụ ăn uống (F&B), khu vui chơi giải trí, các hạng mục và cơ sở hạ tầng khác…
Theo ban lãnh đạo IPPG, Factory Outlets là mô hình kinh doanh đã phát triển thành công tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… IPPG đang có lợi thế nắm giữ độc quyền hơn 100 thương hiệu quốc tế và đủ khả năng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng khu mua sắm có không gian mở, đa dạng về hàng hóa này.
Khi xây dựng xong, Factory Outlets sẽ là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Phú Quốc, tương tự như ở các thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới.
IPPG là Tập đoàn kinh doanh nhiều lĩnh vực. Tại phân khúc thị trường bán lẻ ở Việt Nam, IPPG chiếm khoảng 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước.
Hai Công ty tên tuổi trong giới thời trang trung, cao cấp được quản lý bởi IPP là Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC). Trong đó, DAFC là đầu mối kinh doanh một loạt thương hiệu cao cấp như Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace...
Năm 2011, IPPG của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đã đầu tư hơn 40 triệu USD cho Trung tâm mua sắm hàng hiệu cao cấp Rex Arcade tọa lạc tại khách sạn Rex - một trong những trung tâm mua sắm hàng đầu của TP.HCM.
Công ty Imexpan Pacific - một Công ty con của Tập đoàn này đã rót 400 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza và khiến nơi đây trở thành Trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất Hà Nội.
IPPG cũng lấn sân sang lĩnh vực công nghệ và điện tử, trở thành nhà bán lẻ và cung cấp dịch vụ của Apple mang thương hiệu eDIGI.
Ngoài ra, có thể kể đến các hạng mục đầu tư khác của Tập đoàn này như nhà ga quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng; chuỗi cửa hàng bán lẻ bao gồm Vietnam’s Delight Thuyền Rồng, Vietnam’s Delight Tháp Chàm, 19 island và Viet House tọa lạc tại tầng 1 và 2 sân bay Cam Ranh.
Hồi tháng 9/2020, tại buổi làm việc với lãnh tạo tỉnh Khánh Hòa, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết khu vực Bắc khu kinh tế Vân Phong đã được Tập đoàn IPP nghiên cứu cách đây 2 năm. Dự kiến lượng vốn đầu tư ở khu vực này khoảng 40 tỷ USD. Tuy IPP không thể bỏ ra 40 tỷ USD nhưng Tập đoàn có thể kêu gọi được những nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đầu tư theo những lĩnh vực thế mạnh.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin phép được trả mọi chi phí khoảng 68 tỷ đồng để thuê một đơn vị lập quy hoạch cho khu vực Bắc Vân Phong. Lý do mà ông đưa ra là: "Tôi sinh ra ở Ninh Hòa, mẹ tôi quê huyện Vạn Ninh, cuối đời cũng không mong muốn gì hơn là làm được chút gì cho quê hương. Chúng tôi muốn trả tiền khoảng 68 tỷ đồng để hoàn thiện quy hoạch khu vực Bắc Vân Phong như một tặng phẩm cho quê hương".
Bên cạnh đó, IPPG đã tài trợ cho UBND tỉnh Khánh Hòa số tiền 5 triệu USD để làm kinh phí tổ chức lập chiến lược tổng thể phát triển; lập, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường