Ông Doãn Tới thôi chức Chủ tịch tại cá tra Nam Việt
Ông Đỗ Lập Nghiệp, Thành viên HĐQT và đương nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (mã: ANV) vừa được bổ nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT công ty, thay thế ông Doãn Tới.
Ngoài ra, ông Doãn Tới sẽ là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nam Việt (Navico) từ ngày 30/06/2020.
Ông Đỗ Lập Nghiệp (sinh năm 1975) giữ vị trí phó giám đốc nhà máy đông lạnh thủy sản Nam Việt từ năm 2000 đến năm 2004 trước khi trở thành giám đốc sản xuất công ty TNHH Nam Việt.
Và từ năm 2006 đến 29/06/2020, ông Nghiệp là thành viên HĐQT, giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Nam Việt. Cá nhân này đang sở hữu 0,37% vốn Navico.
Trong khi đó, ông Doãn Tới là nhà sáng lập Nam Việt với tiền thân từ công Ty TNHH Nam Việt hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp được thành lập từ 1993.
Sau đó, doanh nhân này mở rộng thêm lĩnh vực thủy sản từ năm 2000 với dấu mốc đầu tiên là sự ra đời cuả nhà máy đông lạnh Nam Việt chuyên chế biến cá tra, ba sa. Nhà máy này do ông Tới làm giám đốc và khi ấy, ông Nghiệp gắn bó với vị trí phó giám đốc.
Ông Doãn Tới hiện sở hữu 50,58% vốn Navico và hai con trai ông là Doãn Chí Thanh cùng Doãn Chí Thiên nắm 26,9%.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Navico được tổ chức cuối tháng 06/2020 vừa thông qua các tờ trình liên quan như bổ sung ngành nghề sản xuất điện (chi tiết điện mặt trời), lắp đặt hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước và lắp đặt xây dựng khác hệ thống điện, truyền tải và phân phối điện.
Năm 2019, Navico ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 149,3 triệu USD, tăng 2% so với năm 2018.
Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 trên thế giới này tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi trồng, 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, trong đó có 8 lines nhà máy thức ăn với công suất 800 tấn thành phẩm/ngày và 21 vùng nuôi cá với tổng diện tích mặt nước đạt 250 hecta.
Năm 2019, xuất khẩu cá tra có sự chững lại, kim ngạch giảm 11,4% từ mức 2,26 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn 2 tỷ USD năm 2019. Sự sụt giảm đối với cá tra đến từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên là nhu cầu sụt giảm ở thị trường Mỹ (thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018).
Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã giảm 55% so với năm 2018.
Nguyên nhân chủ yếu là do đợt tăng giá mạnh của cá tra nguyên liệu vào cuối năm 2018 đã thúc đẩy việc tăng dự trữ hàng của các đơn vị nhập khẩu cá tra tại Mỹ dẫn đến dư thừa nguồn cung tại thị trường này.
Ngoài ra, năm 2019, nguồn cung dồi dào của cá giống đã giúp tăng nguồn cung cá tra nguyên liệu và dẫn đến đợt giảm giá kéo dài từ mức 36.000 đồng/kg ở thời điểm đầu năm 2018 về xuống dưới 20.000 đồng/kg vào cuối năm 2019.
Đáng chú ý là Trung Quốc đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam để đưa vào các nhà hàng lẩu và trở thành thị trường số 1 của cá tra Việt Nam (chiếm 30,5% thị phần).
Ngoài ra, thị trường Đông Nam Á với mức tăng trưởng 27% kim ngạch nhập khẩu cá tra đã trở thành thị trường số 2 của cá tra Việt Nam (chiếm 20% thị phần).
Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới.
Ông Doãn Tới đánh giá, dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á... đã làm tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra trong thời gian tới.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kì và sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế.
Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến trên 33% thị phần của ngành cá tra sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự sụt giảm quá nhanh khiến xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Song, cũng là động lực thúc đẩy mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.
Năm 2020, Navico đặt kế hoạch tổng doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận