Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trước bối cảnh nhiền biến động của tình hình kinh tế, việc tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là rất quan trọng.
Ý kiến này được đưa ra tại tọa đàm với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều 28/5 tại Hà Nội.
Các đại biểu cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, nước ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, an toàn, an dân, tăng cường đối ngoại và hội nhập.
Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta đang phải đối mặt với những tác động gia tăng từ bên ngoài tới nền kinh tế, đó là cầu của thế giới đang giảm mạnh, các lĩnh vực chế biến, chế tạo đối với các lĩnh vực động lực đều bị ảnh hưởng, tình trạng thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất… những khó khăn này được dự báo từ nay đến cuối năm nay. Theo các chuyên gia kinh tế, dù GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32%, nhưng mức tăng trưởng 3,32% so với dự báo của World Bank và IMF trong năm 2023 là hơn 2% cho thấy, nước ta vẫn ở mức khá tích cực, tạo tiền đề để phấn đấu trong các tháng cuối năm.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh khó khăn của tình hình chung, sự điều hành giữa Chính phủ và Quốc hội luôn có sự tương tác, đồng hành về các giải pháp để giải quyết ách tắc của nền kinh tế.
“Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện ngay các sách tài khóa hỗ trợ. Chẳng hạn theo quyết định giãn, hoãn các khoản đóng góp tiền thuế, tiền thuê. Vừa rồi đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế VAT 2%, việc này rất kịp thời. Thậm chí tôi cho rằng, hiện nay chúng ta đề xuất là giảm cho đến hết 31/12/2023, song nếu 31/12 tình hình phức tạp, khó khăn, thì Chính phủ sẽ tiếp tục đề nghị, chỉ cần Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua thì chính sách này sẽ kéo dài được ngay mà không cần đợi đến kỳ họp sau hay đến giữa tháng 5 tới. Tôi cho rằng, cần chủ động các chính sách hỗ trợ”, ông Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Các ý kiến cũng cho rằng, trước bối cảnh khó khăn đan xen, việc tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là rất quan trọng. Cùng với đó, cần thay đổi về tư duy và hành động của các địa phương trong việc tháo nút thắt về mặt thể chế, chính sách để khơi thông các nguồn lực để tăng nội lực của nền kinh tế.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường này nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, bởi đây là thị trường này nắm giữ nguồn vốn rất lớn cho nền kinh tế. Song từ nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến "cú sốc" tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư thường xuyên thấy nhiều vụ việc bị các cơ quan chức năng xử lý. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro. Vì thế, việc huy động phát hành mới của các doanh nghiệp giảm đi, thậm chí có nhiều doanh nghiệp có năng lực tốt, nhưng vì tâm lý của khách hàng của nhà đầu tư nên việc phát hành bị giảm sút. Cùng với đó, rất nhiều khoản trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra, mặc dù chưa đến hạn đã đáo hạn, khiến cho tâm lý cá nhà đầu tư lo lắng… Đây là yếu tố tạo ra rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, khó khăn của thị trường từ năm 2022 đến nay, trong bối cảnh thị trường trái phiếu của chúng còn non trẻ, điều này sẽ có những tác động đối với các doanh nghiệp phát hành.
Để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng: “Chúng ta vẫn phải khẳng định là ổn định vĩ mô, giữ được lãi suất, tỷ giá lạm phát, điều hành linh hoạt hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Đây sẽ là điểm tựa để cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động một cách tốt, tốt dần lên và hiệu quả lên, đó sẽ là điểm tựa cho thị trường trái phiếu quay trở lại tiếp tục phát triển. Cùng với đó, phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu một cách linh hoạt và hiệu quả và đáp ứng kịp thời diễn biến của của thực tiễn”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận