Ổn định giá lúa, tận dụng giá gạo xuất khẩu trước cung cầu thị trường
Mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng chững lại so với cao điểm nhưng dự báo từ nay đến hết năm 2023 mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Nguồn cung dồi dào, giá xuất khẩu theo nhu cầu
Ngày 2/10, tại khu vực An Giang, theo cập nhật của Sở NN&PNT tỉnh An Giang, giá lúa tươi IR 50404 dao động trong khoảng 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.600 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg.
Với lúa nếp, nếp An Giang (khô) ở mức 9.000 - 9.200 đồng/kg; nếp Long An (khô) còn 9.100 - 9.200 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm hôm nay không có thay đổi. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 12.000 - 12.100 đồng/kg; trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mức 13.900 - 14.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đầu tháng 10/2023, thị trường lúa Thu Đông giao dịch chậm, các nhà máy và kho hỏi mua đều. Thương lái mua ít lại do e ngại giá gạo biến động. Lúa Hè Thu vững giá. Với thị trường gạo, hôm nay nguồn gạo nguyên liệu về ít. Giá gạo khá ổn định và giao dịch mua bán chậm.
Trong tháng 9 vừa qua, giá gạo trong nước hạ nhiệt khi điều chỉnh giảm 100 - 500 đồng/kg so với tháng 8/2023. Giá lúa các loại giảm mạnh vào nửa đầu tháng và có xu hướng phục hồi trong nửa cuối tháng 9/2023.
Hiện nay, tại các chợ lẻ, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 – 14.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo nàng nhen 23.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.500 - 17.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo nàng hoa 19.000 đồng/kg; gạo sóc thường 16.000 - 17.000 đồng/kg; gạo sóc thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu,giá gạo xuất khẩu ngày 2/10 duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 613 USD/tấn; Giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 598 USD/tấn. Trong tháng 9/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đã giảm 30 USD/tấn so với tháng trước đó, gạo 25% tấm giảm 30 USD/tấn.
Doanh nghiệp có lãi với đơn hàng mới
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì mức giá hiện nay khá ổn định và được coi là mức giá mới cho mặt hàng gạo xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH và Phát triển gạo Nhật Thành nhận xét “giá gạo đã thiết lập được mặt bằng mới sau những điều chỉnh trong thời gian vừa qua”.
Từ cuối tháng 7/2023 ngay khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo thế giới đã điều chỉnh tăng liên tục. Việc tăng giá quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký và lâm vào thua lỗ khi “giá nội cao hơn giá ngoại”.
Do đó, khi giá gạo xuất khẩu giảm đã kéo theo giá trong nước bắt đầu ổn định hơn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thu mua xuất khẩu. Mức giá hiện nay đang tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Cách đây 2 tháng biến động lớn nên chúng tôi khó khăn rất nhiều bởi đơn hàng cũ đã ký nhưng giá thấp. Thời điểm đó doanh nghiệp buộc phải thu mua lúa giá cao để đáp ứng đủ đơn hàng phải giao. Đáng mừng là hiện tại những đơn hàng mới, công ty không còn phải chịu phần lỗ mà vẫn đảm bảo được mua bán có lời cho cả doanh nghiệp lẫn bà con nông dân”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, hiện doanh nghiệp này đang thực hiện một số đơn hàng đi Anh và Đức với giá tương đối cao. Các đơn hàng này đảm bảo “sinh lời” bởi thời điểm ký kết hợp đồng giá gạo xuất khẩu đã thiết lập mặt bằng mới.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2023. Đồng thời, dự kiến trong tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2023 Lộc Trời sẽ tổ chức bán hàng cho cả năm sau, “kỳ vọng các đơn hàng cho năm sau sẽ đạt khoảng 2 triệu tấn gạo để đảm bảo thu mua hết lúa cho bà con đã liên kết với Lộc Trời”.
Còn ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho hay, doanh nghiệp vừa ký kết thêm một số hợp đồng mới với đối tác tại Hồng Kông (Trung Quốc) và dự kiến giao trong tháng 11/2023. Các đơn hàng này có giá tốt, đảm bảo có lãi cho doanh nghiệp. Công ty dự định hợp tác với thị trường Mỹ, các nước EU nhưng cần chuẩn bị thêm năng lực trước khi mở rộng thêm khách hàng mới.
Bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng
Trao đổi với Người Đưa Tin, dự báo giá gạo những tháng cuối năm 2023, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, giá gạo hiện đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo.
Tuy nhiên, nhìn chung giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế. Mức độ biến động của giá gạo xuất khẩu còn phụ thuộc vào thời tiết, phản ứng chính sách của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan trong thời gian tới.
Theo báo cáo tháng 9/2023 của Bộ NN&PTNT, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi thì Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.
Giá gạo toàn cầu vẫn sẽ duy trì ở mức cao, do đó, để nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế ngành gạo Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đặc biệt lưu ý bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới các thị trường giá trị cao.
“Từ giờ đến cuối năm, một mặt bảo đảm sản xuất, ổn định nguồn cung gạo xuất khẩu, mặt khác các cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt triển khai các biện pháp bình ổn thị trường. Đồng thời, các nhân tố tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu gạo cũng cần giữ uy tín, có trách nhiệm với các hợp đồng thu mua lúa gạo đã ký trong nước”, ông Nam nêu quan điểm.
Thời cơ xuất khẩu, bình ổn trong nước
Báo cáo tháng 9/2023 của Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới liên tục biến chuyển trong thời gian gần đây, nổi bật là việc Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tạm dừng xuất khẩu gạo.
Thêm vào đó, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo. Chính vì vậy, ở thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước “thời cơ vàng” để xuất khẩu gạo tăng được cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu.
Tuy nhiên, gạo là mặt hàng lương thực tiêu dùng phổ biến, cũng giống như thịt lợn nên cần thận trọng trong việc thu mua theo thời điểm, tránh làm tăng giá. Sản lượng gạo dùng cho xuất khẩu chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nên cũng cần có kế hoạch phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận