Ô tô lắp ráp trong nước có khả năng phục hồi nhờ giảm phí trước bạ?
Quý 3/2023 là quý đầu tiên áp dụng giảm 50% phí trước bạ với ô tô được lắp ráp và sản xuất trong nước. Lượng xe bán ra nhờ đó cũng tăng trong tháng 8 và 9. Dù vậy, kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp ô tô vẫn có bước lùi lớn so với cùng kỳ.
Quý 3/2023, số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, toàn thị trường tiêu thụ gần 72,600 chiếc xe các loại, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo chủng loại, xe thương mại (xe bán tải, xe tải các loại) giảm 20%, còn khoảng 16 ngàn chiếc. Theo sau là xe du lịch (sedan), xe thể thao đa dụng (SUV), xe đa dụng gia đình (MPV)… giảm 24%, về hơn 56 ngàn chiếc; xe chuyên dụng (xe chữa cháy, xe cứu thương, xe rác, xe ben…) giảm đến 40%, còn 481 chiếc.
Thống kê doanh số bán xe toàn thị trường (Đvt: chiếc)
Xét về nguồn gốc, trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm đến 40%, chỉ đạt gần 30 ngàn chiếc trên cả nước thì xe lắp ráp trong nước chỉ giảm 7%, ghi nhận hơn 43 ngàn chiếc.
Cùng với đó, xe lắp ráp trong nước ghi nhận tháng 9 là tháng có mức tiêu thụ cao nhất kể từ đầu năm với 16.6 ngàn chiếc, sau hai tháng 7, 8 liên tục giảm; trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc tiếp tục đà giảm. Kết quả này phần nào đạt mục tiêu mà chính sách giảm phí trước bạ hướng tới.
Sau 9 tháng, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đạt gần 210 ngàn chiếc, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Trong đó, xe thương mại đạt gần 52 ngàn chiếc, có mức giảm thấp nhất, chỉ 14%. Xe du lịch, xe chuyên dụng giảm lần lượt 32% và 60%, về 156 ngàn chiếc và 1.68 ngàn chiếc. Xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng đồng loạt giảm 30%, xuống 120 ngàn chiếc và 89 ngàn chiếc.
Xe Ford, Mazda bứt phá vượt trội
Dù chiếm 17.6% lượng xe bán ra, giảm mạnh từ mức 26.5% cùng kỳ năm trước, Toyota vẫn tiếp tục là thương hiệu được tiêu thụ nhiều nhất trong quý 3. Kế đó là Kia và Mazda, 2 thương hiệu Thaco đang kinh doanh, đóng góp lần lượt 15.8% và 14.5%. Theo sau là Ford (13.4%), Mitsubishi (13%), Honda (8.3%), Suzuki (4.6%)… Riêng Thaco Mazda và Ford có sự bứt phá mạnh, từ mức 8.9% và 7.3% trước đó.
Quý 3, Thaco Kia và Thaco Madza là 2 dòng xe lắp ráp trong nước chiếm phần lớn lượng bán ra của Thaco, ghi nhận biến động trái chiều.
Trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm, tiêu thụ xe Thaco Mazda lại tăng đến 38%, lên gần 9.8 ngàn chiếc; riêng tháng 9 mang về doanh số gấp đôi quý 3/2022. Có thể hiểu được khi lượng xe Thaco Kia bán ra sụt giảm 14%, còn khoảng 10.6 ngàn chiếc.
Đáng kể nhất là lượng xe hiệu BMW và Mini bán ra thị trường quý 3 gấp 4 lần cùng kỳ, đạt 561 chiếc, riêng tháng 8 tăng 6 lần. Đây là 2 dòng xe do Thaco nhập khẩu và phân phối.
Thống kê doanh số bán xe Thaco các loại (Đvt: chiếc)
Ford có quý bay cao khi mang về doanh số 9 ngàn chiếc, tăng 56%; đặc biệt là tháng 7 và 8 có lượng bán ra gấp đôi cùng kỳ. Kết quả này đẩy 2 đối thủ xe Nhật Bản vào đà giảm. Toyota cho thấy sự thu hẹp lớn, đến 41% trong tháng 8 và thậm chí 51% vào tháng 9, làm cả quý 3 giảm 44%. Tương tự, tháng 8 cũng khiến Mitsubishi giảm sâu, cả quý “hụt hơi” 28%.
Ngoài ra, một số dòng xe gồm Isuzu, Hino, Veam, Dothanh cũng đồng loạt “hụt” từ 20% (Dothanh) đến 67% (Hino) lượng tiêu thụ so với quý 3 năm trước, chủ yếu trong tháng 7 và 8.
Ngược chiều, các hiệu xe còn lại bao gồm Honda, Suzuki, Lexus, Samco, Vinamotor hay Daewoo Bus ghi nhận tăng, từ 5% (Suzuki) đến 365% (Daewoo Bus), chủ yếu trong tháng 8 và 9.
Tính từ đầu năm, xét trong nhóm phổ biến, Ford “bứt tốc” mạnh dù thị trường gặp khó khi tiêu thụ được 26.4 ngàn chiếc xe, tăng 71% so với cùng kỳ. Duy chỉ Samco (167 chiếc, tăng 2%) và Daewoo Bus (166 chiếc, tăng 337%) là chung niềm vui này.
Các “đại gia” Thaco, Toyota, Mitsubishi, Honda hay Suzuki đồng loạt giảm 34%, 40%, 29%, 40% và 10% dù vẫn mang về doanh số trên chục ngàn chiếc.
Doanh số Thaco nói chung được “gỡ gạc” nhờ Thaco Bus và Thaco Premium BMW + Mini khi mang về tổng cộng gần 2.5 ngàn chiếc, tăng 66%. Các hiệu còn lại giảm mạnh. Thaco Kia giảm 42%, Peugeot giảm 78%, Thaco Truck giảm 34%. Thaco Mazda giảm ít nhất với 10%, về còn gần 24 ngàn chiếc.
Doanh số xe bán ra trên thị trường theo thương hiệu (Đvt: chiếc)
“Đua” báo lỗ quý 3 do giá vốn bán xe tăng cao
Suy thoái toàn cầu, nền kinh tế chung gặp khó, nhu cầu tiêu dùng ô tô sụt giảm là lý do được các doanh nghiệp ô tô đưa ra sau khi quý 3 khép lại.
Theo dữ liệu thống kê từ VietstockFinance, có tổng cộng 6 doanh nghiệp ngành ô tô trên các sàn (HOSE, HNX và UPCoM) đã công bố BCTC quý 3/2023 gồm SVC, CTF, HAX, VEA, TMT và HTL.
Dựa trên số liệu báo cáo từ VAMA, sẽ không khó để hình dung kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành ô tô khi cả 6 công ty đều giảm lãi so với cùng kỳ năm trước, từ giảm nhẹ 8% như HTL đến mất gần hết lãi như SVC (giảm 97%).
Quý 3, quy mô toàn thị trường thu hẹp cũng khiến tổng doanh thu các công ty này giảm 11% so với cùng kỳ, về 9.3 ngàn tỷ đồng, riêng CTF tăng 14%. Lãi ròng chỉ còn gần 1.6 ngàn tỷ, giảm đến 26%.
Biến động trái chiều về lượng xe Toyota và Ford bán ra quý 3 giúp doanh thu Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HOSE: SVC) tiếp tục giữ thế cân bằng so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 5 ngàn tỷ đồng, trong khi mất đến 97% lãi, chưa được 3 tỷ đồng.
SVC cho biết, do tình hình khó khăn, các chi phí kinh doanh tăng cao để đảm bảo duy trì bán hàng trong khi khoản thu từ bán xe không tăng. Công ty mất một nửa khoản thu từ hoạt động tài chính, còn gần 10 tỷ đồng trong khi lãi vay tăng mạnh 2.5 lần, lên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, SVC còn lỗ gần 18 tỷ đồng từ các công ty liên kết, trong khi cùng kỳ lãi 37.5 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến lãi ròng bị “bóp nghẹt”.
Một “ông lớn” phân phối xe Ford khác là City Auto (HOSE: CTF) ghi nhận quy mô doanh thu tăng 14% trong quý 3, lên gần 1.7 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thu về lại giảm tới 40%, còn 22.7 tỷ đồng.
Lợi nhuận CTF giảm do tỷ lệ giá vốn bán xe/doanh thu bán xe trong kỳ tăng từ 94% lên 98%. Lãi vay bị đội gấp đôi, lên 41.2 tỷ đồng, dù có đóng góp đột biến từ hoạt động tài chính hơn 70 tỷ đồng từ lãi khoản đầu tư và ký quỹ, cho vay trong khi cùng kỳ chỉ hơn 11 tỷ đồng. CTF cho rằng, thị trường kinh doanh ô tô 9 tháng chưa cải thiện; ngoài ra, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu tiêu dùng ô tô.
Doanh số tiêu thụ xe Ford và Toyota cũng ảnh hưởng đến Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (UPCoM: VEA) khi giảm 25% lãi từ công ty liên doanh, liên kết trên BCTC quý 3, chỉ đạt khoảng 1.3 ngàn tỷ đồng. Ảnh hưởng chung từ thị trường cũng khiến doanh thu trực tiếp bị thu hẹp 28% còn 884 tỷ đồng. Theo đó, VEA thu lãi ròng 1.5 ngàn tỷ, giảm 20%.
Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE: HAX) - một công ty đầu ngành về phân phối xe Mercedes-Benz, cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi lãi ròng giảm tới 87%, thu về vỏn vẹn 7.6 tỷ đồng do quy mô doanh thu giảm một nửa, còn khoảng 1.1 ngàn tỷ đồng.
Tương tự CTF, lợi nhuận HAX giảm do giá vốn bị đội lên cao trong khi doanh thu giảm. HAX cho biết, nhu cầu tiêu dùng xe chưa được cải thiện đáng kể, do người tiêu dùng có xu hướng chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế, làm doanh số 9 tháng giảm so với cùng kỳ.
Giá vốn tăng cao trong khi doanh thu giảm 37%, về 146 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HOSE: HTL) thu lợi nhuận gộp chỉ còn một nửa, bào mòn lãi ròng còn chưa đầy 3 tỷ đồng, giảm 72%. HTL cho biết, nhu cầu đầu tư mua sắm xe chưa được cải thiện đáng kể, do các nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế nên doanh số bán xe giảm.
Nhờ phân phối chủ yếu các dòng xe tải, xe đầu kéo, xe ben tự lắp ráp nên doanh thu và lợi nhuận Ô tô TMT (HOSE: TMT) bị tác động hạn chế, gần như đi ngang so với quý 3/2022, lần lượt ghi nhận 446 tỷ đồng và gần 350 triệu đồng, do Công ty thực hiện chính sách giảm giá thúc đẩy bán hàng.
Lãi ròng các doanh nghiệp ô tô quý 3/2023 (Đvt: tỷ đồng)
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế ập đến ngay sau đại dịch, các nhà sản xuất và phân phối được dự báo có một năm đầy khó khăn đối với mặt hàng không thiết yếu như ô tô. Kết quả lũy kế đã phản ánh thực tế phũ phàng này khi nhiều công ty mất trên 50% lãi ròng, cao nhất đến 97%.
Tổng kết sau 9 tháng, doanh thu có được của 6 công ty khoảng 27.3 ngàn tỷ đồng, chỉ giảm 10%, một phần nhờ CTF có mức đóng góp tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoại trừ SVC đi ngang, doanh thu các công ty còn lại đều giảm mạnh, từ mức 13% (TMT) đến 54% (HTL).
Tổng lãi ròng khoảng 4.7 ngàn tỷ đồng, giảm 17%. Nếu loại kết quả của VEA do khoảng cách về quy mô lợi nhuận, lãi ròng của nhóm các công ty còn lại giảm tới 88%. Lớn nhất là TMT (97%), sau đó là SVC (95%) và HAX (93%).
Đáng chú ý, tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu trong quý 3 của các công ty ô tô là 92.4% - mức cao nhất tính từ đầu năm 2022, đồng thời cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm. Nhiều công ty phải tăng cường khuyến mãi và giảm giá bán để kích cầu trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Tỷ lệ giá vốn/doanh thu các doanh nghiệp ô tô từ đầu năm 2022
Đến cuối tháng 9, tổng tồn kho của các doanh nghiệp ô tô là 5.8 ngàn tỷ đồng, có xu hướng giảm dần qua các quý kể từ đầu năm 2023. Thị trường cho thấy dần bước qua giai đoạn khó khăn nhất và đang có dấu hiệu tích cực trở lại.
Diễn biến hàng tồn kho các doanh nghiệp ô tô từ đầu năm 2022 (Đvt: tỷ đồng)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận