Nút gỡ 'sống còn' xử lý rác thải cho Hà Nội
Hà Nội cần hạn chế chôn rác, thay vào đó chuyển sang đốt rác, quan trọng nhất vẫn phải phân loại rác tại nguồn. Bởi nếu không phân loại mà đưa vào đốt hết thì chi phí xử lý dioxin cực đắt.
Bãi rác Nam Sơn là nơi tiếp nhận xử lý rác lớn nhất của Hà Nội với 5.000 tấn rác/ngày. Việc người dân chặn xe chở rác khiến hoạt động thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn TP Hà Nội bị ảnh hưởng. Rác ùn ú, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nội thành.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở khu vực bãi rác Nam Sơn chặn xe chở rác. Trước đó, người dân ở khu vực này cũng đã nhiều lần chặn xe chở rác khiến rác trong nội đô Hà Nội chất đống.
Trao đổi với PV về giải pháp xử lý việc này, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định:
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cho thấy, chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế.
Các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, phải bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân vi sinh đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi.
Hà Nội phải làm gì để giải quyết bài toán rác thải này?
Trả lời câu hỏi này, ông Tùng cho rằng, hạn chế chôn rác là chuyện lâu dài cần thực hiện. Quỹ đất có hạn, chôn rác thì gây ô nhiễm nên cần chuyển sang đốt rác, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.
“Tuy nhiên, Hà Nội muốn áp dụng đốt rác thì phải quyết tâm, mà muốn hiệu quả thì việc quan trọng nhất vẫn phải phân loại rác tại nguồn vì không phải cái gì cũng đốt được, bởi nếu không phân loại mà đốt hết thì tiền xử lý dioxin cực đắt”, ông Tùng lưu ý.
Cùng với đó, ông Tùng cho rằng, Hà Nội nên tăng cường đầu tư các lò đốt thu hồi năng lượng, giảm chôn lấp rác, tái chế tái sử dụng…
Nói về kinh nghiệm xử lý rác của các nước trên thế giới, ông Tùng cho hay, các nước rất chú trọng việc phân loại rác từ đầu nguồn và người dân phải trả tiền rác thải; hạn chế việc bao cấp. Đồng thời, các đơn vị thu gom, xử lý rác đều xã hội hóa, sử dụng các công nghệ đốt rác, tái chế, tái sử dụng và họ rất hạn chế việc chôn rác.
Ngoài ra, việc người dân chặn lối vào bãi rác Nam Sơn vì họ chưa nhận được tiền đến bù.
“Sự việc này đã kéo dài mấy năm nay, từ năm ngoái cơ quan chức năng có hứa đền bù và người dân đã đồng ý, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện xong lời hứa. Thành phố đã hứa, huyện đã hứa thì phải thực hiện lời hứa. Khi người dân đã nhận xong đền bù thì người ta có thể phản đối không? Chính quyền chậm trễ trong chuyện chi trả đền bù, không thực hiện đúng lời hứa nên mới lại tiếp tục xảy ra câu chuyện chặn đường vào bãi rác. Mỗi lần như thế Hà Nội ùn ứ rác, ô nhiễm… hình ảnh Hà Nội không hay chút nào cả. Cần chấm dứt vụ việc này”, ông Tùng nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận