“Nước Mỹ vĩ đại” và lời hứa dang dở của ông Donald Trump
Khẩu hiệu chiến dịch tái tranh cử là “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”, song 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump liệu đã “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”?
Ngày 19/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ vận động tranh cử tại Bảo tàng Cựu Chiến binh Phoenix, Arizona, trước khi di chuyển tới nhiều thành phố lớn khác như Las Vegas hay Charlotte. Tuy nhiên, câu hỏi nằm ở khẩu hiệu tranh cử lần này của ông Trump, “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”, khi đương kim Tổng thống đang khẳng định rằng sau bốn năm trên cương vị người đứng đầu đất nước, ông đã “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Thành công của một Tổng thống thường được đánh giá thông qua việc hoàn thành lời hứa tranh cử. Ngay từ khi trúng cử, ông Donald Trump đã nhận thức rõ điều này và cố gắng hết mình. Trong bản Thông điệp Liên bang ngày 5/2 vừa qua, ông khẳng định: “Không giống với những người đi trước, tôi đã giữ lời hứa”. Vậy những cam kết đó là gì, và ông Trump đã thực sự hoàn thành chúng chưa?
Thành công đã có
Đánh giá khách quan, Tổng thống Donald Trump đã đạt được thành tựu đáng kể trong kinh tế và nội trị. Về kinh tế, ông cam kết sẽ giúp tăng trưởng đạt và duy trì mức 3%/năm, thậm chí là 4, 5 hay 6%. Điều đó chưa xảy ra, song thành tích của ông cũng rất ấn tượng: Tăng trưởng duy trì ở mức trung bình 2,5% so với 2,2% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong 50 năm. Thị trường chứng khoán ổn định, cho thấy sự lạc quan của các nhà đầu tư trước kinh tế thế giới ảm đạm, khi các quốc gia gồng mình chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19) gây ra. Chính sách kêu gọi, vận động tập đoàn Mỹ xây dựng nhà máy và sản xuất hàng hóa trên đất Mỹ, cắt giảm lãi suất liên bang, tăng cường chi tiêu chính phủ đã mang về trái ngọt cho nền kinh tế.
Về nội trị, ông Donald Trump đã cam kết sẽ xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico ngăn người nhập cư bất hợp pháp, áp dụng lệnh cấm nhập cảnh công dân từ 5 quốc gia theo đạo Hồi và hạn chế nhập cảnh đối với người Eritrea, Kyrgyzstan, Nigeria và Myanmar. Sau một cuộc chiến pháp lý dài hơi với Quốc hội và Tóa án Tối cao, Tổng thống đang ít nhiều chiếm ưu thế. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa ngã ngũ khi ngày 12/2, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo nhằm chống lại lệnh cấm nhập cảnh với các quốc gia nói trên; dự thảo này sẽ sớm được xem xét tại lưỡng viện. Việc xây dựng bức tường biên giới cũng gặp nhiều trở ngại từ đảng Dân chủ và chính đảng Cộng hòa, song đã dần lắng xuống sau khi Bộ Quốc phòng đồng ý đóng góp một phần ngân sách.
Khó khăn còn nhiều
Trong đối ngoại, mọi chuyện lại không suôn sẻ vậy. Mỹ rời Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), song thỏa thuận thương mại song phương Mỹ - Mexico, Mỹ - Canada có nhiều điều khoản tương đồng, từng xuất hiện trong TPP và NAFTA.
Với Trung Quốc, cạnh tranh thương mại kéo dài và thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với nhiều điều khoản lợi cho Mỹ lợi thế cho ông Donald Trump trên hành trình tranh cử. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng mà ông cam kết vẫn chưa đến. Chiến dịch trừng phạt các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, đặc biệt là Huawei đã phát huy tác dụng, song chưa khiến Huawei nao lòng.
Về Nga, ông Donald Trump mong muốn cải thiện quan hệ với ông Vladimir Putin, thể hiện rõ tại Thượng đỉnh Helsinki năm 2018, song không đạt kết quả do cản trở đến từ lưỡng viện, đặc biệt là qua điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Vai trò của Mỹ trong quan hệ Nga – Ukraine đang giảm dần và đang bị giới hạn ở viện trợ dành cho Ukraine trong chiến sự Donbass.
Quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) diễn biến xấu khi ông Donald Trump liên tục thúc đồng minh châu Âu tăng đóng góp ngân sách cho tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chỉ trích Đức vì hợp tác cùng Nga về dự án Nord Stream 2, căng thẳng với Pháp. Đổi lại, tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2, Tổng thống Emmanuel Macron đã quan ngại về sự “suy yếu của phương Tây” do Mỹ, còn Thủ tướng Angela Merkel kiên định việc xem xét cho Huawei phát triển hạ tầng 5G.
Cuối cùng, về cơ bản, chính sách của Mỹ tại các điểm nóng lớn toàn cầu có đem tới thay đổi tích cực, song chưa đủ để giải quyết tình hình. Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chưa có nhiều tiến triển sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội; căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc khiến khả năng về thỏa thuận cụ thể giữa ông Washington và Bình Nhưỡng trước bầu cử khó khăn hơn.
Đàm phán thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan do Mỹ bảo trợ và Taliban đã đổ vỡ. Ý định của Mỹ thay đổi chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thất bại. Quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng dẫn chưa gây nhiều thiệt hại, nhưng cũng để lại hậu quả đáng tiếc, cụ thể là vụ phòng không Iran bắn nhầm máy bay dân sự khiến 274 người thiệt mạng. Kế hoạch Hòa bình Trung Đông do Mỹ và Israel bảo trợ bị Palestine và cộng đồng quốc tế phản đối quyết liệt.
Cam kết của ông Trump về việc rút Mỹ ra khỏi Trung Đông vẫn còn bỏ ngỏ. Hậu vụ sát hại Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, Mỹ đã đưa 3.000 quân tới Kuwait. Theo hãng AP, 14.000 lính Mỹ đã được điều tới Trung Đông từ tháng 5/2019. Ông Trump cũng phải đảo ngược quyết định rút hoàn toàn lính Mỹ khỏi Syria sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch Khởi nguồn Hòa bình.
Với thành tích như vậy, thật khó để khẳng định ông Donald Trump đã làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Trong chương trình truyền hình The Newsroom của HBO, phát thanh viên kỳ cựu Will McAvoy cho rằng nước Mỹ không còn là “quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới”, nơi luật pháp được xây dựng trên nền tảng đạo đức, mọi thay đổi đều vì nhân dân bởi thiếu vắng một nhà lãnh đạo có tâm và đủ tầm.
Nếu thực sự muốn nước Mỹ vĩ đại trở lại, ông Trump cần thể hiện đạo đức, bản lĩnh, tầm nhìn và chứng minh điều đó với các cử tri mong ngóng ngày hoàng kim tái hiện trên xứ cờ hoa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận