Nửa đầu năm, doanh thu viễn thông nước ngoài của Viettel đạt hơn 755 triệu USD
Doanh thu hợp nhất viễn thông nước ngoài của Viettel trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 755,5 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Ngày 25/8, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết trong nửa đầu 2022, vượt qua nhiều ảnh hưởng bởi các xung đột trên trường quốc tế và bất ổn chính trị tại một số quốc gia đầu tư, các công ty thị trường của doanh nghiệp này vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ 26,5%.
Theo đó, tất cả các thị trường tại châu Á của Viettel, gồm: Metfone, Unitel, Mytel, Telemor vẫn giữ vững thị phần số 1 về thuê bao, trong đó Mytel tăng trưởng doanh thu dịch vụ cao nhất trong số các thị trường (gần 80%).
Các thị trường tại châu Phi, gồm: Halotel, Lumitel, Movitel... tiếp tục tăng trưởng thuê bao ví điện tử. Movitel là công ty có mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ cao nhất trong các thị trường châu Phi nhờ phát triển mạnh thuê bao 4G.
Tại thị trường châu Mỹ, Natcom duy trì tăng trưởng liên tiếp 2 con số trong 5 năm và là năm có tăng trưởng cao nhất trong 9 năm từ 2014, đạt 28,6%. Ứng dụng Super app của Bitel (Mi Bitel) đạt 1 triệu users và đứng số 1 trong số các app của các nhà mạng tại Peru.
Doanh thu hợp nhất viễn thông nước ngoài của Viettel trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 755,5 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Viettel, hiện nay, các thị trường có tỷ lệ thuê bao 4G cao (trên 75%) đã có kế hoạch và thực hiện tắt trạm 3G; tất cả các thị trường đẩy mạnh phát triển thuê bao ví điện tử (đến nay Viettel sở hữu 7,4 triệu thuê bao ví điện tử tại các thị trường nước ngoài).
Với Tập đoàn Viettel, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất đạt 79.700 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2021; doanh thu dịch vụ đạt gần 72.000 tỷ đồng, tăng 11,6%; lợi nhuận trước thuế của Viettel đạt 26.600 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, Viettel đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho Viettel một số nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, phát huy thế mạnh và thể hiện vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, an toàn, an ninh mạng, xây dựng và triển khai nền tảng chuyển đổi số quốc gia, trung gian thanh toán chuyển mạch và bù trừ điện tử.
Viettel cũng mong muốn được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu; nghiên cứu công nghệ năng lượng xanh, hiện đại hóa các cở sở hạ tầng quan trọng như giao thông vận tải, logistics, đô thị, khoa học công nghệ…
Viettel cũng đề xuất Chính phủ tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước trong công tác đầu tư, tiền lương và tổ chức, sắp xếp lại đơn vị nội bộ; bổ sung mới hành lang pháp lý mới cho các doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt, doanh nghiệp này đề xuất Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cơ chế để thực hiện đánh giá trên nguyên tắc đánh giá hiệu quả đầu tư trên tổng thể thay cho việc đánh giá dựa trên các khoản mục, dự án đầu tư riêng lẻ và cơ chế thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận